Thành cổ Trà Kiệu

13/10/2015 00:08

Theo dõi trên

Ngày ấu thơ, mỗi lần chở tôi bằng xe máy theo con đường dọc sông Thu Bồn mẹ vẫn thường dừng tại các địa danh như Câu Lâu, Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Vĩnh Trinh, Giao Thủy...và dẫn tôi đi tham quan, chụp ảnh các thắng cảnh nơi này.

 
Kinh đô Trà Kiệu
 
Những kỷ niệm đẹp nhất về Trà Kiệu gắn với tôi từ năm mười bốn tuổi, lần đó tôi mới sắm được chiếc máy ảnh. Tôi đi chơi noel ở Trà Kiệu cùng mẹ. Cho đến lúc ấy tôi vẫn chưa biết gì về đạo Thiên Chúa cũng như ngôi nhà thờ xứ Đạo đẹp nhất Quảng Nam này, nhưng tôi đã yêu Trà Kiệu gắn liền với tình yêu một thành cổ hoang phế, kinh đô Sư Tử của Vương Quốc Chiêm Thành, yêu Thiên Y A Na qua các trang cổ tích Chàm.             
 
Địa danh Trà Kiệu gắn liền với di chỉ Simhapura - kinh thành Sư Tử của vương quốc Chiêm Thành. Là vùng phế đô gồm một phần xã Duy Trung, Duy Sơn giáp với các vùng sông bãi (các sông Thu Bồn, sông Bà Rén), đồi núi (các núi Chiêm Sơn, Tào Sơn, Hòn Bằng, đồi Bửu Châu). Simhapura ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV, ngày nay chỉ còn những chân móng tường thành sụp đổ. Năm 1927 nhà khảo cổ học J.Y.Claeys của Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội đã mở cuộc khai quật đầu tiên ở vùng đất này. Kết quả khai quật cho thấy các dấu vết của những tháp đền thờ ba vị thần Brahma, Siva và Vishnu của đạo Bà La Môn cùng nhiều tượng sư tử và thú vật khác. Về nghệ thuật điêu khắc đá của Simhapura cổ xưa có thể tìm thấy vang bóng của dĩ vãng vàng son, rực rỡ qua những hiện vật được trưng bày ở phòng chính giữa của Bảo tàng Chàm Đà Nẵng và rải rác trong khuôn viên nhà thờ Trà Kiệu. 
 
Lần nữa, thành cổ phía đông Trà Kiệu được một đoàn khảo cổ khai quật vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2013. Căn cứ vào nền móng phát hiện, Simhapura có chu vi khoảng 4km, thành phía Tây dài 1700m, thành phía Tây Bắc - Đông nam dài 500m. Mặt trước tòa thành, hướng về đông có nhiều công trình kiến trúc ngự trên ngọn đồi cao 10m. Dải thành phía Đông phần vừa phát hiện có diện tích 50 mét vuông. Ở điểm cao khoảng trên 20m của tòa thành cổ là ngọn đồi Bửu Châu án ngữ. Phần phía Nam thành dựa hẳn vào nhiều quả đồi sa thạch. 
 
Trong quần thể thành cổ, đền tháp Chàm có rất nhiều đài thờ mà tiêu biểu là đài thờ Trà Kiệu. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đài thờ Trà Kiệu là bảo vật quốc gia. Đây là một đài thờ Chàm duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn với phần bệ vuông ở dưới và bệ yoni tròn ở trên. Cấu tạo của của bệ yoni với hai thớt tròn đối xứng qua hai lớp cánh sen và một chiếc linga ba tầng đặt trong lòng tiêu biểu của tổ hợp yoni-linga trong văn hóa cổ Ấn Độ đã được người Chàm tiếp thu. Đài thờ Trà Kiệu có hình khối vuông lớn, mỗi cạnh 3m, cao 1,50m còn thêm phù điêu 12 vũ nữ Apsara đứng múa trước đài sen, bên cạnh những phù điêu minh họa những sự tích trong các sử thi Ấn Độ. Đài thờ Trà Kiệu đã trở thành kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ xưa. Cũng qua những di chỉ tìm được trong các cuộc khai quật, có thể hình dung được vẻ đẹp kỳ lạ của các đền đài, cung điện, thành quách... đã làm cho kinh đô Trà Kiệu dù chỉ còn trong huyền thoại thêm hấp dẫn, càng gợi niềm tiếc nuối buổi hoàng kim của dân tộc Chiêm Thành.
 
Tôi yêu bốn chữ “kinh đô sư tử” một hình ảnh rất quen thuộc trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ, thành phố sư tử của nhiều tiểu quốc rải rác khắp Đông Nam Á (đảo quốc sư tử Singapo ít nhiều còn tiếp nối với nền văn minh Ân Độ xa xưa). Những Simhapura lịch sử đã biến mất theo năm tháng. Ngày nay những dãy tường thành được phát hiện, những di tích ngàn năm yên ngủ được giải mã, nhưng kinh thành Sư Tử không còn nữa, chỉ còn trong tôi một hoài niệm Simhapura đã tiêu trầm. 
 
Thổ mẫu người Chàm là Thánh mẫu Thiên Y A Na (Nữ thần Poh Nagar) từ trời xuống thế gian, nhập vào khúc cây trôi trên biển. Có người đàn ông vớt được, cưới làm vợ và khai sinh ra người Chàm. Xứ Chàm từng chịu sự đô hộ của phong kiến Trung Hoa, vào khoảng năm 190 sau CN, khi nhà Hán suy yếu, người Chàm đã nổi lên khởi nghĩa thành công, dựng nên quốc gia độc lập sử Tàu gọi là nước Lâm Ấp (Xứ Rừng Núi). Người Việt còn gọi người Chàm là người Chăm, người Hời. Từ khi người Chàm lập quốc, Lâm Ấp là quốc gia có chủ quyền với những vị vua nổi tiếng mà tên tuổi còn lưu truyền như Khu Liên, Phạm Dật, Chế Mân. Nước Lâm Ấp trải dài từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông và khi lớn mạnh quốc hiệu đổi là Chiêm Thành biên cương mở rộng từ Quảng Bình đến Bình Thuận. 
 
Từ thế kỷ XV về trước Quảng Nam là vùng đất trung tâm của người Chàm. Dù người Việt thôn tính đất Chiêm Thành họ vẫn có cảm tình với tín ngưỡng, tôn giáo bản địa và tôn thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, vì thế Bà Thu Bồn Quảng Nam hay Thiên YA Na vẫn được dân quanh vùng sùng bái.
 
Dân Chiêm Thành có Phật giáo làm quốc giáo đồng thời chịu ảnh hưởng sâu sắc Ấn Độ giáo. Tất cả các đền thờ ở kinh đô Trà Kiệu đều thờ thần Siva và Visnu là hai chư thần bảo hộ Vương triều. Trong các cuộc Nam Tiến đầu tiên người Việt đã định cư ở Trà Kiệu, lương dân người Việt và người Chàm chung sống thuận hòa qua nhiều đời. Nhưng từ năm 1628 hai dòng tộc công giáo lớn người Việt là Lê Văn và Nguyễn Viết đã phát triển cơ nghiệp trên đất Trà Kiệu sau khi người Chiêm Thành bỏ Trà Kiệu nói riêng (Quảng Nam nói chung) vào Bình Định rồi Bình Thuận tái lập vương quốc tại đây. Cuối thế kỷ XVII, Thống binh, chưởng cơ Tả thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đem quân bình định, dùng chính sách ôn hòa, giúp đỡ và dạy người Chiêm Thành canh tác đất đai, dần dần sát nhập hết phần đất của Chiêm Thành vào Việt Nam. Chiêm Thành bị xóa tên trên bản đồ từ đấy.
 
Tháng 9 năm 1885 cuộc chiến giữa phái văn thân dưới sự chỉ huy của Ông Ích Thiện, con trai của tiểu phủ sứ Ông Ích Khiêm và phe công giáo Trà Kiệu kéo dài đến năm 1986 đã tàn phá hoàn toàn thành lũy của kinh đô Trà Kiệu. 
 
Làng công giáo Trà Kiệu được thành lập từ những ngày đầu những nhà truyền giáo châu Âu đến Việt Nam. Năm 1971, Linh mục Phero Lê Như Hảo cho xây dựng trên nền trung tâm kinh đô Sư Tử gian giữa ngôi giáo đường theo lối kiến trúc các nhà thờ Châu Âu thế kỷ 17. Kế bên giáo đường là tu viện, nhà trưng bày truyền thống và nhà thờ Đức Mẹ. Hai ngôi nhà thờ tráng lệ và cổ kính dân quanh vùng vẫn gọi là NHÀ THỜ LỚN và NHÀ THỜ NÚI (đền thánh mẫu Trà Kiệu) làm nên Giáo xứ Trà Kiệu. 
 
Phía Tây nhà thờ Trà Kiệu là rặng Kim Sơn chạy dài, hút sâu vào dải Trường Sơn trùng điệp. Phía Nam là di tích thành lũy, hoàng cung Chiêm Thành. Đứng trên đồi Bửu Châu chúng ta sẽ có được một cái nhìn toàn cảnh thung lũng Trà Kiệu với những cánh đồng trù mật, phong cảnh thiên nhiên với địa hình của núi đồi, màu xanh cây cối, tạo nên bức tranh có bố cục hài hoà, cảnh sắc thơ mộng. Từ đỉnh đồi có thể thấy đỉnh núi Mỹ Sơn ở phía Tây và Cù Lao Chàm về phía Đông.
 
Ngày nay Trà Kiệu định hình một làng Công Giáo lớn, nhưng nơi thu hút khách hành hương trong và ngòai nước, là những dãy thành lũy, tháp Chàm, bảo tàng Chàm, cố đô Chiêm Thành.
 
Lê Thu Thùy

Bạn đang đọc bài viết "Thành cổ Trà Kiệu" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.