Tháng ba trẩy hội Đền Hùng

31/03/2017 16:28

Theo dõi trên

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam đều ấp ủ tâm nguyện một lần trong đời được đến thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng, để tự tay mình thắp nén hương thơm ở bàn thờ Tổ - các Vua Hùng có công dựng nước. Câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba” lưu truyền từ bao đời chính là lời nhắc nhở mọi người dân đất Việt dù ở đâu cũng không được lãng quên cội nguồn dân tộc, để luôn nhớ rằng chúng ta sinh từ một bọc, cùng chung một Tổ tiên.



Các xã vùng ven Khu di tích rước kiệu trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh

Nhiều năm qua tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng quy mô ngày càng lớn; không gian, nội dung tổ chức các hoạt động lễ hội ngày càng rộng và phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân hành hương về Đất Tổ.

Đây là dịp để cho thế hệ hôm nay nhớ về cội nguồn dân tộc; ôn lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước trong dựng nước và giữ nước, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc đến các Vua Hùng có công dựng nước, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mọi người trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh đồng thời khẳng định những nỗ lực cố gắng lớn của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương Đất Tổ, nhất là di sản “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm nhằm giới thiệu với du khách trong nước và nước ngoài về vùng đất tâm linh với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, nhiều lễ hội dân gian đặc sắc gắn với những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng và những danh lam thắng cảnh hấp dẫn của vùng Đất Tổ.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã có kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Đinh Dậu 2017. Theo đó, Sở VH-TT&DL và các sở, ngành, các địa phương đã sớm chuẩn bị công tác tổ chức lễ hội. Năm Đinh Dậu 2017 là năm lẻ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh chủ trì và có sự tham gia của 4 tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước, Bến Tre theo Đề án Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã được Chính phủ phê duyệt. Các hoạt động phần lễ và hội được tổ chức trang trọng, thành kính và tiết kiệm, diễn ra trong 6 ngày từ 1 - 4 đến ngày 6 - 4 - 2017  (tức ngày 5 đến ngày 10 - 3 âm lịch).

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng  được tổ chức trong phạm vi Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì làm trung tâm. Có 7 xã, phường vùng ven khu di tích tổ chức rước kiệu về Đền Hùng: Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú (Việt Trì); xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao). Trong các ngày 4 - 3 âm lịch UBND thành phố Việt Trì tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại đền Thượng; ngày 6 - 3 âm lịch Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Ở nhiều địa phương trong cả nước nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức dâng hương tại Đền Hùng, núi Nghĩa Lĩnh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng (từ 6h30 ngày 10-3 âm lịch) theo nghi lễ truyền thống.

Các hoạt động hội trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay  được tổ chức tại thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng từ 5/3 - 10/3 âm lịch: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố;  biểu diễn nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng với chủ đề “ Âm vang nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” tại sân khấu Công viên Văn Lang. Tổ chức triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay”; Cổ vật Văn Lang tại Bảo tàng Hùng Vương. Tổ chức triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng tại Nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật - Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đặc biệt năm nay Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức trưng bày mẫu phác thảo: “Ý tưởng thiết kế tháp tưởng niệm Hùng Vương lần thứ 2” để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân; tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân tại khu vực nhà Công quán; Hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của 13 huyện, thị, thành trong tỉnh; hội thi gói nấu bánh chưng giã bánh giầy liên tỉnh lần thứ V.

Các hoạt động thể thao được tổ chức gồm: Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương, giải quần vợt Hữu nghị Hùng Vương, hội thi bơi Chải trên sông Lô, giải bóng đá nam phong trào, vật dân tộc và bắn nỏ, cờ tướng của các huyện,­­ thị, thành trong tỉnh. Tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, trưng bày và bán các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm văn hóa, cây cảnh phục vụ đồng bào về dự lễ hội. Tổ chức biểu diễn của một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh và của các tỉnh tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương phục vụ đồng bào về dự lễ hội; tổ chức hội trại văn hóa, liên hoan nghệ thuật quần chúng; hát Xoan và dân ca Phú Thọ; tổ chức hát Xoan cổ tại miếu Lãi Lèn xã Kim Đức - Việt Trì phục vụ khách du lịch. Tổ chức triển lãm sách, báo, tư liệu gắn với ngày sách Việt Nam năm 2017 tại thư viện tỉnh; tổ chức hội chợ Hùng Vương từ ngày 4 - 3 đến hết 10 - 3 âm lịch.

Năm nay, chương trình tổ chức lễ hội có sự kết hợp hài hòa giữa dân tộc và hiện đại, sự kết hợp này không chỉ ở địa bàn Phú Thọ mà còn kết hợp giao lưu với các vùng văn hóa trong nước trên cơ sở chọn lọc chương trình văn hóa đặc sắc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu ở các hội làng vùng Đất Tổ: Đánh trống đồng, đâm đuống, biểu diễn cồng chiêng, hát Xoan, Ghẹo, nấu cơm thi... Tổ chức các tour du lịch trong chương trình du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, tham quan các khu di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, danh lam thắng cảnh ở Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao, Hạ Hòa... tổ chức hội diễn, các trại sáng tác, triển lãm ảnh nghệ thuật, tổ chức các Câu lạc bộ Thư pháp, tổ chức hội chợ, triển lãm làng nghề... được tổ chức ở địa nhiều địa điểm nhằm thu hút đông đảo lượng khách hành hương về với Đất Tổ. Tỉnh đã đưa nội dung “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” vào chương trình giáo dục đào tạo trong các trường học phổ thông gắn với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để tổ chức cho các em học sinh chăm sóc, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa nói chung, di tích thờ cúng Hùng Vương nói riêng ở các huyện, thị, thành.

Đặc biệt tỉnh Phú Thọ quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm phục dựng các nghi thức thờ cúng Hùng Vương để truyền dạy cho những người thực hành di sản ở lứa tuổi trẻ sáng tạo tiếp nối và duy trì nghi lễ thờ cúng Hùng Vương trong cuộc sống đương đại. Sở VH - TT&DL đã phối hợp với các cấp, các ngành tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng các di tích thờ cúng Hùng Vương trong tỉnh và một số tỉnh bạn có liên quan để đề xuất các giải pháp khôi phục tôn tạo các di tích thờ tự là “Không gian thiêng” cho nhân dân thực hành thờ cúng Hùng Vương. Để chuẩn bị chu đáo việc tổ chức Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu - 2017 tỉnh Phú Thọ đã thành lập Ban tổ chức Giỗ Tổ, bộ phận thường trực Ban tổ chức, 3 tiểu ban: Nội dung, nghi lễ lễ tân, tài chính hậu cần; an ninh trật tự an toàn và thị trường; tuyên truyền, đồng thời thành lập 2 đội kiểm tra liên ngành và chuyên ngành. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức Lễ hội Đền Hùng đã sẵn sàng các phương án bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phương án cứu hộ, cứu nạn ứng phó kịp thời mọi tình huống khi sự cố xảy ra; điều tiết phân luồng giao thông, tổ chức các bãi đỗ xe và phương tiện giao thông của nhân dân về dự lễ hội.

Với sự chuẩn bị chu đáo trên nhiều phương diện, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017 sẽ là lễ hội có quy mô tổ chức hoành tráng xứng đáng với tầm vóc là lễ hội quan trọng nhất, điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.


Trần Văn Quang

Nguồn: Báo Phú Thọ
Bạn đang đọc bài viết "Tháng ba trẩy hội Đền Hùng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.