Chúng tôi có mặt ở nhà ông Phạm Mạnh Hùng trên một con đường nhỏ thuộc tổ 7, khu phố 4, phường Trảng Dài (Biên Hòa – Đồng Nai) trong một sáng tháng 7. Ông Hùng là một người lính già, một thương bệnh binh đã 73 tuổi, khi chúng tôi đến ông đang cầm trên tay cuốn Thơ Của Người Đặc Công Lê Văn Hinh. Thấy khách ông Hùng bỏ cuốn sách xuống và rót nước mời chúng tôi, vừa rót nước ông vừa khoe. Sáng nay tớ sang nhà ông bạn được ông ấy tặng cho cuốn này đấy, đây là cuốn thơ của một người lính, được ông giáo sư Hoàng Chương sưu tầm và giới thiệu. Nói thật, thơ của cánh lính chúng tớ không hay như các thi sĩ thực thụ, nhưng được cái rất chân chất, đời thường, thực tế. Mỗi bài thơ còn là những kí ức về trận đánh năm xưa, những mất mát, đau thương mà không phải lúc nào cũng có thể nói ra được…!
Ông Hùng nguyên là trung úy, chính trị viên đại đội 9 của tiều đoàn pháo binh 58, đoàn pháo binh 75 Miền Đông Nam Bộ. Nay là Lữ đoàn pháo binh 75, thuộc quân khu 7. Đưa tay pha bình trà mới mời khách ông Hùng rưng rưng kể; đã mấy lần ông cũng một số anh em lên Dầu Tiếng (Bình Dương) để tìm mộ 5 đồng đội hy sinh trong một trận đánh năm 1969, nhưng đến bây giờ vẫn chưa tìm được. Trong kí ức của người lính già vẫn còn giữ nguyên những hình ảnh về đồng đội, về trận đánh ác liệt nhất mà suốt cuộc đời binh nghiệp ông đã từng trải qua!

Ông Phạm Mạnh Hùng nguyên là trung úy, chính trị viên đại đội 9 của tiều đoàn pháo binh 58, đoàn pháo binh 75 Miền Đông Nam Bộ
Ông hồi tưởng; ngày 28/10/1965 đơn vị ông nhận lệnh đi B, vào chiến trường Miền Nam. Đơn vị hành quân xuyên suốt dãy Trường sơn với các loại pháo, cối 105 ly và 120 ly được tháo rời. Toàn bộ vũ khí được khiêng, vác bằng sức người, sau gần sáu tháng trời, đơn vị ông vào tới chiến trường ngày 06/4/1966. Và cũng từ đó, chiến trường Miền Đông đã có thêm một lực lượng mới tham chiến, đó là pháo binh của đơn vị ông.
Trải dài theo cuộc chiến đến ngày đất nước thống nhất, ông và đồng đội đã tham gia không biết bao nhiêu trận đánh. Nhưng với ông, trận đánh Dầu Tiếng là trận đánh không thể nào quên, trận đánh đã đi vào kí ức của những người lính tham gia ngày đó. Và cũng là trận đánh mà ông và đồng đội được tặng thưởng Huân chương quân công giải phóng hạng 2. Rót thêm chén nước người lính già rưng rưng kể; sau khi đại đội 9 của tiểu đoàn 58 pháo kích vào căn cứ Dầu Tiếng lúc 5 giờ sáng ngày 23/02/1969. Sau hàng loạt đạn 120 ly, H12 của pháo binh, trung đoàn bộ binh 141 đã tấn công và tiêu diệt một số đơn vị của địch đóng ở đây. Sau hơn một tuần bị đánh đòn đau và bị thiệt hại nặng, địch đã xác định được vị trí trú quân và trận địa pháo của đại đội 9. Chiều ngày 05/3/1969 pháo binh địch từ căn cứ Lai Khê bắn tới tấp vào trận địa, đến sáng ngày 06/3/1969 địch đổ quân bằng trực thăng tấn công trực tiếp. Sau một ngày quần thảo, những người lính của đại đội 9 đã chiến đấu quyết liệt, 5 đồng chí hy sinh và một số bị thương, nhưng trận địa pháo vẫn được giữ nguyên.

Sau khi địch rút quân, trận địa pháo được di dời, do thời gian cấp bách 5 đồng chí hy sinh được chôn cất ngay tại trận địa, thuộc làng Mười Ba, nay là xã Thanh An (Dầu Tiếng – Bình Dương) với hy vọng khi kết thúc chiến tranh sẽ quay lại đưa các anh về nơi an nghỉ quê nhà.
Thế nhưng, kết thúc chiến tranh, đất nước hòa bình những người lính lại tiếp tục khoác lên vai những trọng trách mới, đến khi quay lại tìm đồng đội thì những dấu tích xưa nay đã không còn. Những khu dân cư, những cụm công nghiệp đã mọc lên, địa hình thay đổi, một số dấu tích để nhận ra nơi trận địa cũ và nơi chôn vội người đồng đội hy sinh đã mất dấu. Những lần như vậy, ông và một số anh em chỉ còn biết thắp đại nén nhang trên một mô đất, khấn thầm những cái tên như; Bùi Viết Hưng, Dương văn Hải, Mai Ngọc Khuê, Nguyễn Văn Điệp, Hoàng Văn Chiến…(cùng quê Thanh Hóa) các anh có linh thiêng, xin chỉ dẫn cho những người còn sống biết được nơi các anh đang nằm…! Ông lặng đi hồi lâu rồi nói; trước sau gì tớ và những anh em trong đơn vị còn sống, phải cố tìm cho được nơi đồng đội hy sinh đang nằm để đưa về nghĩa trang. Để thắp lên nén nhang vì những người đã ngã xuống cho những người đang sống, vì những kí ức của chiến tranh cho một nền hòa bình. Và để những người lính già không phải ngậm ngùi, giật mình giữa đêm thâu thảng thốt khi bất ngờ gọi 3 tiếng Đồng Đội Ơi…!