Ở Cà Mau việc tìm hiểu lịch sử sẽ khó có được câu trả lời cho một cách chính xác và đầy đủ. Nếu căn cứ vào những di tích đã được Nhà nước và tỉnh công nhận, chúng ta sẽ thấy sự hiện diện của các di tích này một cách mờ nhạt, bởi vì lịch sử của Cà Mau cũng nằm trong bối cảnh trên ba trăm năm khai phá đất Nam Bộ của người Việt, vậy mà chỉ có một vài di tích lịch sử với bề dầy về thời gian tương ứng được đề cập đến, đó là di tích chùa Phật Tổ (cấp quốc gia) và đình thần Thới Bình, đình thần Tân Thành (cấp tỉnh), còn lại là những di tích lịch sử của hai thời kỳ kháng chiến.
Việc công nhận di tích là công việc mang nặng tính chất của thủ tục hành chính, do đó về mặt khách quan, chúng ta tạm phải chấp nhận điều này. Tuy nhiên, những công việc tuyên truyền phổ biến các giá trị văn hóa các giá trị lịch sử là những công việc không thể trông chờ vào thủ tục hành chính một cách máy móc, bởi đây là định hướng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bản thân sự tồn tại của các đình làng tại Cà Mau đã nói lên bản sắc của văn hóa Việt Nam. Việc quan tâm phát huy tác dụng của những di tích này thiết tưởng phải nằm trong chiến lược phát triển và bảo lưu giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hội nhập ngày nay. Nhưng tiếc thay, đa số các ngôi đình còn lại ở Cà Mau có nguy cơ trở thành phế tích.
Căn cứ vào thực trạng hiện nay, ở TP Cà Mau còn lại 14 đình thần. Trong các ngôi đình này, hầu hết các đình đều có dấu hiệu bị rơi vào quên lãng. Có những đình hiện đang có nguy cơ trở thành phế tích.
Xin điểm qua tình hình ba trong những ngôi đình làng đang xuống cấp rất trầm trọng ở TP Cà Mau.
Đình An Thành
Tọa lạc tai ngã ba kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu (cách trung tâm TP Cà Mau khoảng 8 km về phía đông - bắc) và dòng kênh chảy về xã Hòa Thành. Hiện nay, dân gian thường gọi là đình Hòa Thành. Trong sắc phong còn được ban trị sự lưu giữ, chúng tôi xác nhận hai vấn đề: Đây là sắc phong cho thần thành hoàng bổn cảnh của thời vua Tự Đức thứ 5 tức năm 1852. Đây là vấn đề phổ biến với hầu hết các sắc phong cho các thần thành hoàng làng ở Cà Mau; Địa danh lúc bấy giờ là An Thành thôn (đúng theo Monographie Pháp năm 1903 ghi lại thời điểm 1897). Vào năm 1939 địa danh nơi đây đã đổi tên thành làng Hòa Thành.
Bên cạnh những thông tin có được từ sắc thần và những tư liệu, sự tương truyền trong dân gian về sự linh thiêng của ngôi đình thần này cũng khá kỳ bí.
Người ta tương truyền rằng vị thần của ngôi đình này không thích hát bội. Điều này hoàn toàn đi ngược với sinh hoạt truyền thống của các đình làng Nam Bộ. Trước đây, đã có trường hợp dân làng tổ chức cúng thần, các gánh hát đều sợ không dám đến biểu diễn. Riêng có ông bầu Mao (bầu gánh hát Bội) đưa đoàn đến hát, ngay trong đêm đó, cô đào chánh bị đột tử mà không rõ nguyên nhân và gánh hát buộc phải rã gánh.
Người ta còn tương truyền rằng vào giờ ngọ, dân làng không được mặc đồ trắng đi ngang qua đình vì rất dễ bị quở trách làm cho bị bệnh hoạn hoặc đột tử.
Với bề dày lịch sử của công cuộc khẩn hoang, những người đi trước đã đỏ không biết bao mồ hôi công sức để hình thành một cộng đồng làng xã và được định vị định cư như hiện nay. Tiếc thay, hiện trạng của đình làng giờ đây giống như một ngôi nhà hoang, chỉ còn lại vết tích của tấm bình phong xi măng với một vài đốm điểm của biểu tượng rồng vờn cọp. Điều xót xa hơn nữa là việc bảo quản sắc thần hiện nay rất lỏng lẻo, có nguy cơ bị đánh cắp không biết giờ phút nào. Khi chúng tôi thực hiện việc khảo sát thì sắc thần được để bên trong hương án thờ thần. Đình được khóa bằng một sợi dây xích sắt vòng theo miếng lá sách của cánh cửa gỗ.
Đình Tân Trạch
Tọa lạc cách đình An Thành trên một cây số chạy dài theo kênh xáng Hòa Thành. Hiện trạng của ngôi đình này cũng tương tự như ngôi đình An Thành. Sắc cũng do vua Tự Đức phong vào năm 1852 với danh hiệu bổn cảnh thành hoàng. Về địa danh, Tân Trạch thôn thuộc tổng Long Thủy theo sự ghi nhận của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí. Đến năm 1897, làng Tân Trạch thuộc tổng Quản Long. Nhưng đến năm 1939, địa danh An Thành và Tân Trạch không còn nữa mà thay vào đó là làng Hòa Thành và An Trạch thuộc tổng Quản Long, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (bao gồm cả Cà Mau hiện nay). Tuy nhiên qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, ngôi đình này hiện nay vẫn đề chữ Tân Trạch như trước đây. Bối cảnh của đình làng Tân Trạch hiện nay đã bị biến đổi nhiều so với thiết chế một ngôi đình làng ở địa phương, không có bình phong long hổ, không có các miếu thờ các vị thần phối tự như miếu thờ Hà Bá, miếu thờ Sơn Lâm chủ tướng, miếu thờ bà Ngũ Hành hoặc bà Chúa Xứ... Tiếc rằng những người nông dân ở nơi đây không còn một chút tư liệu cũng như sự tương truyền về lịch sử của ngôi đình này.
Đình Lung Còng
Trong dân gian vẫn gọi ngôi đình này là đình Lung Còng. Thực ra đây là đình thần Bình Định thôn tức đình thần của làng Bình Định. Địa danh Bình Định vẫn chưa được định danh vào thời vua Gia Long mà chỉ được ghi nhận vào khoảng năm 1897. Thời điểm đó, Bình Định là một trong chín làng của tổng Quản Long nhưng lại không có tên trong danh sách các làng thuộc về tổng Quản Long, quận Giá Rai vào thời điểm 1939. Hiện nay ngôi đình này tọa lạc tại ấp Bình Định, xã Tân Thành, TP Cà Mau.
Hiện trạng của ngôi đình này cũng giống như thân phận của những ngôi đình chúng tôi vừa nêu trên. Với điều kiện bảo quản hiện nay, không bao lâu các ngôi đình này sẽ trở thành phế tích.
Điểm qua hiện trạng ba ngôi đình trong phạm vi TP Cà Mau, nét biểu hiện chung cho thấy sự xuống cấp rất lớn về kết cấu bên ngoài cũng như bên trong của các đình làng. Sự tồn tại của những ngôi đình này là nỗ lực rất lớn của các vị cao niên cũng như một số người có tâm huyết trong cộng đồng. Nhưng nếu như với xu hướng chạy theo giá trị vật chất và tâm lý thực dụng như hiện nay, các ngôi đình này chẳng bao lâu sẽ chìm trong quên lãng và trở thành những phế tích thực sự.
Về mặt lý thuyết, sự hiện diện của những ngôi đình này là bằng chứng của quá trình định cư và sau đó hình thành các cộng đồng làng xã được nhà nước phong kiến chính thức công nhận. Nói cách khác, lịch sử của các ngôi đình làng ở đây cũng chính là lịch sử của sự hình thành các cộng đồng cư dân nông nghiệp Cà Mau. Điều này cũng có nghĩa là sự xác lập của nhà nước phong kiến đối với các ngôi đình vào thời điểm chậm nhất là trước khi Nam Kỳ rơi vào tay đô hộ của giặc Pháp. Sự kiện này cho thấy một hiện thực hiển nhiên đối với mọi người là những ngôi đình làng là bằng chứng sống của lịch sử vùng đất này, thực sự là những di tích lịch sử của địa phương. Lịch sử Cà Mau không chỉ vỏn vẹn là lịch sử của hai cuộc kháng chiến mà nó bao hàm cả quá trình khai phá và định cư của những thế hệ đi trước. Sự bình yên của chúng ta hiện nay là kết quả của việc trả giá bằng mồ hôi, công sức và cả máu xương của các thế hệ đã qua kể từ khi hình thành xã hội ở nơi đây. Sẽ có lỗi với tiền nhân nếu chúng ta nhìn nhận một cách phiến diện về lịch sử vùng đất này. Vì vậy với vai trò là những người nghiên cứu, chúng tôi mong mỏi các cấp quản lý cần có sự nhìn nhận, đánh giá đúng mức và có thái độ tích cực hơn trong việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, giá trị nhân văn trong văn hóa đình làng ở Cà Mau để mong sao thân phận những ngôi đình đã từng một thời gắn bó với lịch sử của quê hương, với tâm tư tình cảm của cha ông sẽ không bao giờ trở thành phế tích.
Phạm Văn Tú
Tạp chí VHNT số 306