Thăm di tích Nhà Tròn trong những ngày thu tháng Tám

25/08/2018 15:22

Theo dõi trên

Những ngày tháng Tám lịch sử, nhiều đoàn du khách tới thăm di tích Nhà Tròn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhà Tròn không chỉ có kiến trúc khá độc đáo, đã tồn tại cả trăm năm, mà còn là một trong những chứng tích của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Theo lời hướng dẫn viên thuyết minh cho du khách: Đêm 24/8/1945, anh Trần Ngọc Anh, một thành viên của lực lượng Thanh niên Tiền phong Bà Rịa, đã treo lá cờ đỏ sao vàng trên nóc Nhà Tròn tại trung tâm thị xã Bà Rịa (nay là TP Bà Rịa). Ủy ban khởi nghĩa đã thuyết phục được tỉnh trưởng Lê Thành Long đồng ý bàn giao chính quyền cho cách mạng, đồng thời cử người thông báo và yêu cầu quân Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Đó cũng là sự chuẩn bị cho cuộc mít tinh diễn ra ngày 25/8, tập trung tại khu vực Nhà Tròn.
 


Di tích Nhà Tròn, nơi diễn ra cuộc mít tinh giành chính quyền ở Bà Rịa, tháng 8/1945

Bà Ngô Thị Liên, 62 tuổi, ngụ phường Phước Trung (TP Bà Rịa), có thân nhân từng chứng kiến cuộc mít tinh lịch sử ấy, tâm sự: “Khi còn sống, bố tôi thường kể về sự kiện giành chính quyền ở Bà Rịa. Từ sáng sớm tinh mơ ngày 25/8/1945, những dòng người nô nức kéo về thị xã với đủ thành phần giai cấp, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc… Họ mang theo khẩu hiệu, băng cờ, tầm vông, giáo, mác, cuốc, xẻng… Ánh sáng từ những chiếc đèn dầu, đèn chụp, đèn lồng, đuốc nứa… tỏa sáng các trục đường. Trong bầu không khí sôi sục ấy, đoàn người cuồn cuộn vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo phát xít Nhật”, “Đả đảo đế quốc, phong kiến”, “Việt Nam độc lập muôn năm”… hòa trong tiếng hát của những bài ca hùng tráng vang vọng, như: “Lên đàng”, “Dậy mà đi”, “Hành khúc thanh niên”… Đến khu vực lễ đài mới dựng tại Nhà Tròn, có bàn thờ Tổ quốc uy nghi, mọi người tập trung chỉnh tề, đứng nghiêm trang hướng lên lễ đài. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Nhà Tròn làm nức lòng quần chúng nhân dân. Các tự vệ chiến đấu và lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng anh em cộng hòa vệ binh do ta vận động, bố trí bao quanh tòa án tỉnh đề phòng quân Nhật trở mặt phản ứng. Đứng trước lễ đài là các bô lão, rồi đến các đoàn học sinh, chung quanh là đoàn thể quần chúng, các giới, các ngành…”.

Đúng 8 giờ sáng 25/8, lễ chào cờ bắt đầu. Hơn một vạn người phấn khởi, xúc động hướng về lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, cùng hát vang bài “Hành khúc thanh niên”. Trong không khí thiêng liêng, hào hùng và sự áp đảo của quần chúng cách mạng, tên tỉnh trưởng Lê Thành Long chính thức tuyên bố trao quyền cho nhân dân. Tên quan ba Nhật cam kết tôn trọng quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam. Chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của Bà Rịa được thành lập. Đồng chí Dương Văn Xá, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Bà Rịa, tuyên bố xóa bỏ mọi quyền hành của bè lũ tay sai và phát xít Nhật. Tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay vang rền, sôi động cả thị xã…
 
Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy qua các đường phố thị xã. Đoàn người kéo về các địa phương, tiếp tục giành chính quyền ở cơ sở trong niềm vui lần đầu tiên chính quyền về tay nhân dân.
 
Theo Cinet.vn

Bạn đang đọc bài viết "Thăm di tích Nhà Tròn trong những ngày thu tháng Tám" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.