Thăm đền thờ Thần vệ quốc nơi miền biên ải

10/04/2017 11:32

Theo dõi trên

Hằng năm, người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc vẫn thường đến thăm ngôi đền linh thiêng thờ phụng Thần vệ quốc - tướng Nguyễn Hoàng Bẩy, người có công dẹp giặc vùng biên ải. Đó là đền Bảo Hà tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Đền Bảo Hà nằm dưới chân núi Cấm bên dòng sông Hồng hiền hòa, thơ mộng. Đền được xây dựng vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng, thờ danh tướng Nguyễn Hoàng Bẩy, người có công dẹp loạn thổ phỉ, xây dựng và bảo vệ miền biên ải xa xôi của đất nước. Theo sử ghi lại, vào cuối triều Lê, tại các châu miền biên ải như châu Văn Bàn, châu Thủy Vĩ có giặc ngoại xâm tràn sang cướp phá, lấn chiếm bờ cõi, triều đình đã cử danh tướng Nguyễn Hoàng Bẩy đến xây dựng căn cứ, tiêu diệt kẻ thù và bảo vệ biên giới. Trong một trận đánh ác liệt, tướng Hoàng Bẩy đã anh dũng hy sinh, giặc thả thi thể ông xuống sông Hồng, đến xã Bảo Hà, nhân dân vớt thi thể ông chôn cất và lập đền thờ. Các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị đã tặng tướng Nguyễn Hoàng Bẩy danh hiệu “Trấn an hiển liệt”, sắc phong ông là “Thần vệ quốc”. Lễ hội đền Bảo Hà được tổ chức vào ngày 17-7 âm lịch hằng năm - ngày giỗ tướng Hoàng Bảy. Đền Bảo Hà được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào tháng 11-1997.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đền Bảo Hà bên bờ sông Hồng luôn được nhân dân trong vùng bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo và hương hỏa, phụng thờ Thần vệ quốc. Hằng năm, đền đón hàng vạn du khách thập phương về chiêm bái, cầu xin Thần vệ quốc che chở, phù hộ.



Đền Bảo Hà - điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng vùng Tây Bắc.

Trong tâm thức của người Việt khu vực Tây Bắc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, ông Hoàng Bảy là một vị tướng được triều đình cử về miền biên ải và có công lao lớn đối với đất nước. Có tích lại cho rằng, ông Hoàng Bảy là người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở vùng Tây Bắc xa xôi, đã có công tập hợp các thổ ty, tù trưởng gây dựng cuộc sống, tiêu diệt kẻ thù cướp phá, che chở cho nhân dân, được nhân dân kính trọng. Trong tín ngưỡng hầu đồng, ông Hoàng Bảy được liệt vào hàng Tứ phủ Quan Hoàng, Ông còn được thờ phụng ở nhiều đền, phủ ở khắp mọi miền đất nước.

Đến thăm đền Bảo Hà, ngoài việc cầu may, tri ân công đức của Thần vệ quốc, du khách thập phương còn có cơ hội chiêm ngưỡng những thanh âm của những điệu hát chầu văn ca ngợi công ơn và sự linh thiêng của ông Hoàng Bảy. Những giá đồng chầu trước cửa đền đến tận đêm khuya. Cả không gian của những giá đồng thấm đẫm chất dân gian từ điệu nhạc, lời hát văn và sự khéo léo, nhịp nhàng của những thanh đồng. Những câu hát ca ngợi công đức của Thần vệ quốc Hoàng Bảy làm cho không khí vừa trang nghiêm, vừa ấm áp: “Bảo Hà đất ấy phong quang/Thỉnh ông Hoàng Bảy xe loan ngự về”; những giá đồng với âm vang của những bài hát văn ca ngợi và thỉnh mời Cô bé Thượng ngàn, cô Bơ, cô Sơn Trang, Tứ phủ ông Hoàng được thờ trong đền thiêng. Bất kỳ ai, khi đến đền  Bảo Hà đều đem lòng mê đắm những điệu hát chầu văn nơi xứ núi ấy.

Đến thăm đền Bảo Hà, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng nơi sơn cước, không gian sơn thủy hữu tình xung quanh ngôi đền tọa lạc. Phía trước ngôi đền là dòng sông Hồng như con rồng đang cuộn chảy mang dòng phù sa đỏ nặng bồi đắp cho đôi bờ. Cây cầu Bảo Hà bắc ngang dòng sông như một cánh cung tuyệt đẹp nối liền đôi bờ giữa Bảo Hà và miền đất Tân An của Văn Bàn, nơi bên này là đền Bảo Hà, phía bên kia là đền Cô Tân An thờ con gái ông Hoàng Bẩy là Nguyễn Hoàng Bà Xa, người có công cùng cha chiêu dụ thổ ty, tướng giỏi cùng người dân đứng lên chống giặc ngoại xâm. Cảnh sắc xung quanh ngôi đền Bảo Hà đã được mô tả trong những câu thơ mê đắm: “Ai lên Trái Hút Bảo Hà/Nếm mùi phong nguyệt ấy là cảnh tiên”.


Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: Đắk Lắk Online
Bạn đang đọc bài viết "Thăm đền thờ Thần vệ quốc nơi miền biên ải" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.