Tập Truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt”: Trong văn có sử, trong sử có văn, mang đậm triết lý nhân quả

09/09/2023 17:19

Theo dõi trên

Tôi là đồng môn Sử với Quân Yên (Vũ Xuân Bân) là một trong những người được ưu tiên tặng Tập Truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt”.

b1cvl1a-1694254299-1694254697.jpg
Lưu bút của tác giả tặng sách

Tác phẩm mới “Ứng nghiệm thành đạt” do NXB Hội nhà văn vừa ấn hành gồm 15 Truyện ký, trong đó nội dung đề cập đến 3 vấn đề. Thứ nhất là các nhân vật lịch sử cổ trung đại Việt Nam. Đó là các nhân vật quen thuộc như An Dương Vương, Triệu Việt Vương, Đào Cam Mộc, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Kính Vũ, các dòng họ Trịnh, Nguyễn mà tiêu biểu là Nguyễn Hoàng - Người tiên phong đi mở cõi để góp phần hình thành đất nước Việt Nam hình chữ S hôm nay. Thứ hai là Truyện ký về lịch sử hiện đại trong cuộc kháng chiến cứu nước mà tác giả từng là phóng viên chiến trường gắn bó với “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Thứ ba là một số truyện về sự tha hóa, lạm dụng quyền lực của một số cán bộ địa phương đang là chủ đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm.

Trong nội dung thứ nhất, khi đề cập đến những nhân vật lịch sử Cổ Trung đại Việt Nam, tác giả chỉ nhấn mạnh những khía cạnh thuộc kinh nghiệm lịch sử hoặc tìm tòi phát hiện lịch sử như hai nhân vật An Dương Vương và Triệu Việt Vương điều có nhược điểm là tin người, đặt việc nhà lên trên việc nước, không nghe lời cán gián của những bậc trung thần sáng suốt, nhìn ra vấn đề để đến nỗi nước mất, nhà tan. Những câu chuyện bi thảm này đã được nói đến nhiều trong sử sách và gần đây nhất là bộ tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam Diễn Nghĩa” của Cao Văn Liên”, nhưng ở đây tác giả Quân Yên nhấn mạnh đến yếu tố cảnh giác với kẻ thù, nếu không sẽ gánh chịu hậu quả bi thảm như các bậc tiền nhân An Dương Vương và Triệu Việt Vương. Bài học lịch sử này chưa bao giờ cũ.

Quân Yên viết về nhân vật Lịch sử Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ thứ XV-XVI trong “Ứng nghiệm sấm Trạng Trình”, thọ 94 tuổi. Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà văn hóa lớn, nhân vật có ảnh hưởng đến lịch sử văn hóa Việt Nam thế kỷ XVI, ông là một nhà giáo, nhà Nho, nhà tiên tri lỗi lạc danh tiếng đương thời. Danh tiếng của ông còn vang mãi đến những đời sau.

Tác giả Quân yên đã khai thác nhân vật Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thiên tài tiên tri. Với câu thơ “Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân”, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gợi mở cho Nguyễn Hoàng, đại thần của nhà Lê Trung Hưng con đường tiến vào Nam. Từ đó mở ra cục diện phân tranh Trịnh-Nguyễn, Đàng Trong- Đàng Ngoài, mở ra hướng phát triển của lãnh thổ Việt Nam từ Móng cái đến mũi Cà Mau vào cuối thế kỷ XVIII. Các chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong thời kỳ này đã làm chủ Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trên biển Đông, khẳng định đó là những phần lãnh thổ gắn bó với lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, một chân lý bất di bất dịch: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

Tác giả Quan Yên cũng đã nêu lên những nhân vật lịch sử như Thái sư Đào Cam Mộc, Người đã cùng các đại pháp sư đưa Lý Công Uẩn, con rể của Lê Đại Hành Và Dương Vân Nga lên ngôi năm 1009 khi Lê Ngọa Triều chết. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mở ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam.

Với bài khám phá bí ẩn đồi Diệm Xuân, tác giả Quân Yên đã nêu ý kiến khác về địa danh những ngày cuối cùng của vua cuối cùng Nhà Mạc là Mạc Kính Vũ. Năm 1592 Nhà Mạc bị Trịnh Tùng tiêu diệt ở Thăng Long. Nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà Mạc chạy về Cao Bằng dựa vào địa thế hiểm trở và cố thủ truyền được ba đời vua. Mạc Kính Vũ là vua cuối cùng. Năm 1677, Mạc Kính Vũ bị Trịnh Tạc, người kế tục Trịnh Tráng tiêu diệt ở thành Cao Bằng. Các sách đều nói: Mạc Kính Vũ chạy sang Long Châu Trung Quốc, từ đó không có tăm hơi gì cả.

Nhưng Quân Yên đã khảo sát đồi Diệm Xuân, Vĩnh Tường Vĩnh Phúc gợi mở rằng từ Long Châu - Trung Quốc, Mạc Kính Vũ có thể đã về đây sống những ngày cuối đời, đi tu, mai danh ẩn tích, viên tịch (chết) được án táng sau chùa Trống trên đồi Diệm Xuân. Hiện ngôi mộ được dân địa phương truyền ngôn là mộ Mạc Kính Vũ đang tranh chấp giữa hai dòng họ Nguyễn Đình không phải gốc Mạc và dòng họ Nguyễn Chùa gốc Mạc từ năm 2012 đến nay chưa được cấp có thẩm quyền ở địa phương này giải quyết dứt điểm. Đó là giả thiết nhưng cũng là một cách gợi mở, một tư duy mà tỉnh Vĩnh Phúc đã từng tổ chức hội thảo về họ Mạc ở tỉnh này cũng chưa đủ cơ sở khoa học chắc để kết luận vấn đề tranh cãi nêu trên.

Không những vậy, trong “Ứng nghiệp thành đạt” còn có các truyện ký “Thành đạt”, “Quan Mượn”, “Khó thoát” phản ánh về sự tha hóa, lạm dụng quyền lực của một số cán bộ địa phương với những tư liệu phong phú, hấp dẫn bạn đọc. Nhân vật “Lý Tân” trong truyện “Thành đạt” chính là “Lý Thông” thời a còng (@) và “con nuôi” họ Trần liệu có còn “gặp may” để tiến thân hay trở thành “củi vào lò”?

Chủ đề này là tiếp mạch truyện trong tiểu thuyết “Tơ Vò”, tác phẩm đầu tay của Vũ Xuân Bân với bút danh Xuân Vũ cũng được NXB Hội Nhà văn ấn hành vào mùa thu năm 2018, cách nay 5 năm. Tiểu thuyết Tơ Vò góp phần tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, tiểu thuyết Tơ Vò đã khắc họa khá đậm nét nhân vật “Trịnh Quỳ” lúc đó đang là “đỉnh cao” của “giàu sang”, “oai phong” nhưng tác giả đã dự báo với cung cách “Cô ty lưa”, làm ăn lừa đảo, “đại gia”này sớm muộn cũng sẽ vào nhà “đá bóc” bóc lịch. Dự báo đó trong Tơ Vò đã ứng nghiệm, sau 5 năm, đã trở thành hiện thực. Nguyên mẫu nhân vật “Trịnh Quỳ”  trong đời thực đã bị bắt để điều tra về tội “thao túng thị trường”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chờ ngày đưa ra tòa xét xử.

Trọng truyện “Quan mượn” là diện cán bộ luân chuyển bị “lụt” không có đường về, buộc địa phương phải gánh chịu một suất quan thừa, vô dụng từ trên dội xuống, vẫn quyết bám lấy địa phương để kiếm chác, nhởn nhơ làm giàu, gây bức xúc dư luận xã hội. Còn trong  “Khó thoát”, những kẻ lộng hành từng “buộc án gán tội”, “đâm lao phải theo lao” trong vụ án “Trang trại Đồng Cạn”, dù “hạ cánh” rồi vẫn chưa chắc được an toàn mà sẽ có lúc pháp luật rờ tới làm sáng tỏ công lý, mà tác giả linh nghiệm: “Lưới trời lồng lộng! Thưa nhưng khó thoát lắm”. Như nhân vật Phụng Tơm trong “Khó thoát” được mô tả: Về nghỉ hưu, hắn ta không dám vác mặt đi đâu. Có lần hắn bày tỏ lo xa với thân hữu “có khi chết cũng không được yên”, sợ sẽ bị đào mồ cuốc mả vì làm quá nhiều việc thất đức… Những người như Tư Vương, Ba Trương, Đào Phó, Phụng Tơm, Hoàng Kỷ, Hạ Hoá, Nguyễn Kê, Tư Vấn, Lý Tân, “con nuôi” họ Trần… mãi là bia miệng gắn với những câu chuyện bi hài bị nguyền rủa là “những con sâu làm rầu nồi canh”.

Tóm lại, Tập Truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt” với nội dung khá phong phú, tác giả khéo léo sâu chuỗi yếu tố văn hóa tâm linh, trong văn có sử, trong sử có văn và mang đậm triết lý nhân quả. Là nhà báo có điều kiện xâm nhập thực tế khắp ngoài Bắc trong Nam, tác giả Quân Yên viết nhiều thể loại báo chí, văn học với một bút pháp, văn phong dễ đọc, phong phú. Hy vọng Tập Truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt” của Quân Yên (Vũ Xuân Bân) vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành sẽ đem lại những điều thú vị, bổ ích, hấp dẫn bạn đọc.   

PGSTS Cao Văn Liên
Bạn đang đọc bài viết "Tập Truyện ký “Ứng nghiệm thành đạt”: Trong văn có sử, trong sử có văn, mang đậm triết lý nhân quả" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.