Tận dụng phế liệu làm đồ dùng dạy học

28/03/2017 08:10

Theo dõi trên

Với tấm lòng yêu nghề và yêu trẻ, sự sáng tạo, bàn tay khéo léo, các cô giáo mầm non tỉnh Nghệ An đã "biến" phế liệu trở thành những sản phẩm đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác dạy và học thêm sinh động và lý thú.



Cô giáo điểm trường lẻ tại bản Lũng, thuộc Trường mầm non Tam Thái giới thiệu mô hình khung dệt thổ cẩm tự làm cho học sinh.

Đến lớp học của các cháu Trường mầm non Trung Thành, huyện Yên Thành, chúng tôi được xem bộ đồ chơi đa sắc mầu, độc đáo gồm những chữ cái, con số, con vật, củ quả, bức tranh… từ những hòn đá cuội, đá ngô, sỏi trắng ngộ nghĩnh, đáng yêu. Bộ đồ chơi bằng đá được sử dụng vào tất cả các chủ đề trong chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non như tô mầu, kể chuyện sáng tạo, học toán… Ngoài ra, đây còn là vật dụng trang trí góc lớp học, thêm sinh động, đẹp mắt, khuyến khích trẻ hứng thú học tập, vui chơi. Giới thiệu về bộ đồ dùng học tập, cô Đinh Thị Hòa, giáo viên Trường mầm non Trung Thành chia sẻ: “Những hòn đá cuội được chúng tôi gom nhặt từ bãi sông Diễn An (huyện Diễn Châu), trong suốt hơn nửa tháng, sau đó kỳ công, tỉ mẩn sơ chế và khéo léo tô vẽ thành những đồ vật đẹp mắt. Những viên đá có hình khối, đủ mầu sắc luôn hấp dẫn, gợi trí tưởng tượng cho trẻ. Sinh động và mới lạ cho nên đồ chơi bằng đá khiến các em thích thú, say mê”.

Gắn bó, tâm huyết với trẻ nhỏ cho nên gần mười năm trong nghề, cô giáo Đinh Thị Hòa đã sáng tạo hàng trăm bộ đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Điều đặc biệt là những đồ chơi đó đều tận dụng từ những nguyên liệu, phế liệu dễ tìm, dễ kiếm và sẵn có trên địa bàn, bảo đảm an toàn cho trẻ như đồ dùng phương tiện giao thông đường thủy được làm từ bẹ ngô, mo cau... Cô giáo Hòa còn là tác giả của tất cả những bức tranh vẽ trang trí chung quanh tường rào, lớp học của Trường mầm non Trung Thành. Sự khéo léo và say mê sáng tạo của cô giáo trẻ đã giúp nhà trường luôn duy trì vị trí dẫn đầu toàn huyện trong phong trào tự làm đồ dùng học tập cho trẻ mầm non. Bộ đồ chơi, đồ dùng học tập bằng đá, sỏi của cô Hòa sáng tạo cũng đã đoạt giải nhất Hội thi “Tranh vẽ của bé và đồ dùng đồ chơi tự làm cấp học mầm non” tỉnh Nghệ An năm học 2015 - 2016.

Hiệu trưởng Trường mầm non Trung Thành cô giáo Nguyễn Thị Hường, cho biết: “Dạy trẻ ở lứa tuổi mầm non không giống với các bậc học khác. Chẳng hạn khi dạy trẻ học đếm từ 1 đến 10, giáo viên phải làm vài chục bộ đếm số, theo số lượng học sinh. Nếu chờ kinh phí hỗ trợ mua sắm thì không biết bao giờ mới đủ. Vì vậy, việc nhân rộng phong trào làm đồ dùng dạy học, đồ chơi tự làm là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, cũng là cách để khơi dậy tinh thần sáng tạo, lòng yêu nghề của các cô giáo đối với trẻ”.

Được tận mắt nhìn những con voi, chú thỏ, đàn gà, cá, tôm, cua ngộ nghĩnh làm từ lá ngô, mo cau, ống tre... mới thấy hết sự sáng tạo của cô giáo cắm bản điểm trường lẻ bản Lũng, thuộc Trường Mầm non Tam Thái, huyện Tương Dương.

Cô giáo Vy Thị Thảo cho biết: “Đối với học sinh miền núi, điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng học tập phục vụ dạy và học còn nhiều khó khăn, do đó, giáo viên phải sáng tạo, mày mò làm những đồ chơi, vật dụng để phục vụ công tác giảng dạy. Không phải ai cũng khéo tay cho nên để làm được các sản phẩm đó mỗi cô giáo đều nỗ lực, cố gắng mày mò, tìm tòi bằng cả sự đam mê và tâm huyết...”.

Đáng chú ý, mặc dù đời sống người dân vùng sâu, vùng xa nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng khi được nhà trường phổ biến về ý nghĩa thiết thực của đồ dùng, đồ chơi, thì nhận được sự ủng hộ nhiệt tình quyên góp vật liệu sẵn có như: mét, nứa, tranh… để làm mô hình nhà sàn, làm các vật dụng sinh hoạt, lao động truyền thống như mâm cơm đan bằng mây, ghế mây... Ông La Văn Khơi ở bản Lũng phấn khởi: Trẻ nhỏ bây giờ ít biết về trò chơi dân gian ném còn, “tò mạc lẹ” (đánh đáo), việc trường học làm mô hình đồ chơi dân gian đã giúp con em trong bản thêm hiểu, yêu quý và tiếp tục giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông”.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Tương Dương Vy Thị Bích Thủy cho biết: Trong những năm qua, mặc dù huyện được quan tâm phát triển giáo dục, tuy nhiên tình trạng thiếu đồ dùng giảng dạy ở các trường học trên địa bàn vẫn diễn ra khá phổ biến. Từ thực tế đó, ngành GD và ĐT huyện Tương Dương đã phát động phong trào làm đồ dùng giảng dạy, thu hút đông đảo giáo viên tham gia. Nhiều sáng tạo của giáo viên đã được áp dụng thiết thực cho các buổi học và chơi như lốp ô-tô cũ dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo, các cháu đã có bộ trò chơi bập bênh. Những đoạn ống nhựa bỏ đi, những vỏ ốc và gốc tre đã biến thành sông, núi với những con vật sống động, gần gũi. Những năm đầu triển khai làm đồ dùng, đồ chơi dạy học, giáo viên mầm non cũng gặp rất nhiều khó khăn do phải đầu tư nhiều thời gian, lại chưa có kinh nghiệm, cho nên các đồ dùng chưa thật sự phong phú. Sau một thời gian tổ chức, chúng tôi đã có những sản phẩm sáng tạo, chất lượng tham gia Hội thi "Đồ dùng, đồ chơi" do tỉnh tổ chức và đạt thành tích tốt.

Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD và ĐT tỉnh Lê Thị Hường cho biết: Cứ ba năm một lần, Hội thi "Đồ dùng, đồ chơi" tự làm của giáo viên mầm non toàn tỉnh Nghệ An được tổ chức. Với tiêu chí "dễ làm, dễ tìm kiếm, đơn giản, hiệu quả"..., hội thi thật sự là một cuộc triển lãm về đồ dùng, đồ chơi tự làm, thể hiện sự khéo léo, sáng tạo, yêu nghề và tâm huyết của các cô giáo mầm non Nghệ An. Bằng hoạt động này, việc tự làm đồ dùng, đồ chơi đã trở thành phong trào sâu rộng trong các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.


Thành Châu - Ngân Phạm

Nguồn: Báo Nhân Dân
Bạn đang đọc bài viết "Tận dụng phế liệu làm đồ dùng dạy học " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.