Tấm lòng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với nông dân

23/03/2018 15:26

Theo dõi trên

Tham gia hoạt động cách mạng từ tuổi thiếu niên tại quê hương, khi vừa tập kết ra miền Bắc (1954), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tham gia trong đội giảm tô. Sau ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đảm trách nhiều chức vụ quan trọng ở TP.HCM và Trung ương.

Từ năm 1991-2002, với cương vị Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng, người con của quê hương Đất thép thành đồng - Phan Văn Khải luôn tâm huyết với phong trào nông dân (ND).
 


Nông dân xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) - quê hương của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại

Vai trò của hội nông dân trong công tác hòa giải được phát huy
 
Những ai quan tâm đến tình hình nông nghiệp -  nông dân - nông thôn những năm cuối thập niên 90 (thế kỷ XX) và đầu thập niên 2000 ở khu vực miền Nam, trong đó “điểm nóng” là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều khó quên sự việc một bộ phận ND khiếu kiện, tranh chấp đòi lại đất đưa vào tập đoàn - hợp tác xã trong thời kỳ “cải tạo nông nghiệp”, xây dựng các nông trường quốc doanh. Lúc đó, tình hình này gây không khí căng thẳng ở nông thôn, tình đoàn kết giữa những ND rạn nứt. Để giải quyết có tình, có lý những “điểm nóng” nổi cộm tại tỉnh Bến Tre, ngày 04-7-2001, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 815/QĐ-TTg “Phê duyệt phương án giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai của một số hộ ND tỉnh Bến Tre”. Từ kết quả bước đầu của tỉnh Bến Tre sau khi thực hiện Quyết định 815, ngày 09-10-2001, Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg “Về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân (HND) các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND” (do nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký thay nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải). Chỉ thị nêu các nội dung: “Tạo điều kiện để HND tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND”, trong đó yêu cầu “Khi giải quyết khiếu nại có liên quan đến ND, các cấp chính quyền cần tham khảo ý kiến của HND về quan điểm xử lý. HND cơ sở tiến hành hòa giải trong các giai đoạn khi có khiếu nại,... HND các cấp kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật Khiếu nại, Tố cáo”.
 
Nông dân xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) - quê hương của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại
 
Hai văn bản nêu trên nhanh chóng mang lại hiệu ứng, kết quả tích cực. Vai trò của HND trong công tác hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở được phát huy, nhân rộng. Từ đó, tình hình tranh chấp, khiếu nại về đất đai ở nông thôn được giải quyết rốt ráo, ND được “cởi trói”, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định an ninh, trật tự ở nông thôn.

Mở lối tiêu thụ nông sản
 
Khi được “cởi trói”, sức sản xuất được giải phóng, ND thực sự làm chủ mảnh ruộng của mình. Tuy nhiên, khi ND tạo ra lượng nông sản dồi dào thì lại xuất hiện một số bất cập như vật tư nông nghiệp kém chất lượng, thương lái ép giá,... xảy ra ở nhiều nơi, việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) để áp dụng vào sản xuất, chế biến hàng nông sản cũng như hỗ trợ vốn cho ND còn hạn chế,...
 
Để giải quyết những bất cập trên, ngày 24-6-2002, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ban hành “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng” (còn gọi là Liên kết bốn nhà). Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản trực tiếp với người sản xuất ngay từ đầu vụ dưới nhiều hình thức phù hợp. Quyết định này cũng đề ra và chỉ đạo cụ thể những vấn đề liên quan đến ND - doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước về đất đai, đầu tư, tín dụng, chuyển giao KHKT, thị trường và xúc tiến thương mại, giải quyết tranh chấp hợp đồng, trách nhiệm các bộ, ngành cũng như vai trò của HND các cấp,...
 
Trải qua 15 năm thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ND và doanh nghiệp có thêm cơ sở pháp lý trong liên kết sản xuất, kinh doanh; nhà khoa học có cơ hội hợp tác, chuyển giao tiến bộ KHKT cho ND; chính quyền các cấp có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn người sản xuất, nhà kinh doanh, nhà khoa học liên kết, tạo sức mạnh tổng hợp đưa nền kinh tế nông thôn phát triển theo kế hoạch, định hướng và chất lượng. Từ đó, kết quả kim ngạch xuất khẩu nông sản năm sau cao hơn năm trước minh chứng hiệu quả về mối  “liên kết bốn nhà” mang dấu ấn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
 
Vĩnh biệt đồng chí Phan Văn Khải, giai cấp nông dân Việt Nam không quên tấm lòng của ông với phong trào ND.
 
Theo Báo Long An Online

Bạn đang đọc bài viết "Tấm lòng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với nông dân" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.