Ngọc Kiều Oanh với bài “Nhớ ơn Bác Hồ” tại Hội thi ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017
Trong ánh mắt sáng ngời hy vọng, Kiều Oanh kể cho chúng tôi nghe về những bước ngoặt của đời mình. Oanh kể, hồi nhỏ mỗi khi có đoàn hát về xã Tương Bình Hiệp, TX.Thủ Dầu Một (nay là phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), cô thường lẻn vào cánh gà xem các nghệ sĩ hóa trang. Rồi có lẽ vì vậy mà cô có duyên với nghiệp ca hát. Oanh thuộc rất nhanh những câu vọng cổ, những bài dân ca sau chỉ vài lần nghe qua radio. Mãi đến năm 16 tuổi, Kiều Oanh mới tham gia Giọng ca cải lương do Bình Dương tổ chức. Từ cuộc thi này, Kiều Oanh có dịp tiếp xúc cùng thầy Tư Còn để học hát một cách bài bản hơn… nhưng cũng chỉ để thỏa lòng đam mê.
Nhờ sở hữu chất giọng đẹp và gương mặt rất sáng trên sân khấu, Oanh nhận được nhiều sự ưu ái của các hội viên CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, đặc biệt là sự dìu dắt nhiệt tình của Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng. Chính Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng là người đã hướng dẫn cho Oanh rất nhiều về kỹ năng biểu diễn và đã dìu dắt Oanh từ giọng ca nghiệp dư có tài đến với sân khấu chuyên nghiệp. Theo đó, năm 2014, Kiều Oanh được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Đây cũng là năm Kiều Oanh gặt hái nhiều thành công trong nghề. Vì quá đam mê, lại thích giao lưu để học hỏi những cái hay của các nghệ nhân và tài tử nên Kiều Oanh đã cùng các nghệ nhân, tài tử CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tích cực tham gia nhiều hoạt động trong Festival. “Có lẽ không có gì vui cho bằng khi mình được đại diện tỉnh nhà tham gia các hoạt động đầy ý nghĩa và bổ ích trong Festival. Oanh vinh dự được diễn cùng với NSƯT Trọng Phúc trong đêm khai mạc Festival, tham gia biểu diễn giao lưu hàng đêm tại sân khấu nổi công viên Thành phố mới Bình Dương, luân phiên tham gia biểu diễn giao lưu với các đoàn nghệ thuật ĐCTT tại các trái măng cụt khổng lồ, tham gia Hội thi ĐCTT Nam bộ - Di sản đất phương Nam quốc gia lần thứ II...”, Kiều Oanh chia sẻ.
Giờ đây, nhiều người yêu nhạc ở Bình Dương và các tỉnh, thành phố lân cận đã và đang rất yêu mến những bản nhạc dân ca, nhạc trữ tình, những bài vọng cổ hay những bài bản oán ngọt ngào mùi mẫn do Kiều Oanh thể hiện. Đặc biệt là những bài hát về Bình Dương như: Bình Dương một khúc tình quê, Bình Dương mùa trái chín, Anh sẽ về thăm lại quê em, Chợ Thủ quê em... “Mong sao cho phong trào ĐCTT Bình Dương ngày càng phát triển, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và sớm có các lớp dạy ĐCTT trong các trường học để các bạn học sinh, sinh viên có điều kiện lĩnh hội những kiến thức thực thụ của bộ môn âm nhạc dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Kiều Oanh bộc bạch.