Tà Cạ vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội

23/11/2015 14:22

Theo dõi trên

Là xã miền núi của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, kinh tế - xã hội xã Tà Cạ có bước phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Tà Cạ là xã biên giới có 5km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Tổng diện tích đất tự nhiên 6442,74 ha, dân số 1037 hộ với 4779 khẩu. xã có 4 hệ dân tộc Kinh, Thái, Mông, Khơ mú. Là xã nằm gần trung tâm của huyện nên được Huyện ủy, HĐND, UBND và các ban ngành đoàn thể cấp huyện quan tâm, chỉ đạo sâu sát và giành được nhiều sự ưu ái cho xã nhà. Bên cạnh đó, với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng với các ban ngành đoàn thể thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân.

Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ La Tuấn Ba chia sẻ, những tháng đầu năm 2015, sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích hoa màu các loại có xu hướng ngày càng tăng, diện tích trồng lúa rẫy giảm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng bước có trọng tâm, trọng điểm tăng cường mở rộng thương mại dịch vụ.


 
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND La Tuấn Ba

Theo ông Ba, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, chú trọng xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình. Toàn xã có 12 mô hình kinh tế, 4 mô hình kinh tế trang trại VAC và VACR, 5 mô hình kinh tế trang trại VAC tổng hợp và 3 mô hình kinh tế hộ do người dân tự bỏ vốn. Hiện nay, trên địa bàn xã có 19 hộ triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo như ở bản Sơn Hà, 1 mô hình nuôi Lợn đen ở bản Na Nhu. Chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang mô hình thương mại dịch vụ có hiệu quả. Các mô hình kinh tế hộ có mức thu nhập mỗi tháng từ 3.000.000 – 3.500.000 đ/hộ góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Đảng ủy cùng với chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ như bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ 30 hộ, kinh doanh xăng dầu 2 hộ, dịch vụ vận tải 8 hộ…Thu nhập của các hộ kinh doanh dịch vụ đạt từ 4.500.000đ - 5.000.000đ/hộ/tháng.

Các nghề truyền thống cũng được duy trì và phát triển tốt như tổ dệt Thổ cẩm ở bản Cầu Tám có mức thu nhập mỗi tháng từ 500.000 - 600.000đ/hộ. Nghề rèn truyền thống ở bản Sơn Hà mang lại thu nhập mỗi tháng từ 1000.000 – 1.500.000 triệu đồng.

Vừa qua, xã cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, điển hình là công trình Trạm y tế xã Tà Cạ. Hiện tại đang xây dựng với tổng số vốn 2.670.000đ nguồn vốn đầu tư của Tỉnh do UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư.

Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác văn hóa – xã hội cũng phát triển rộng khắp. Tà Cạ luôn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, loại trừ văn hóa đồi trụy, lạc hậu. Phát huy xây dựng bản, làng văn hóa xanh, sạch, đẹp. Giữ vững 4 đơn vị đạt danh hiệu bản làng, đơn vị văn hóa. Tổ chức tuyên truyền kỷ niệm nhân các ngày lễ lớn của đất nước, phong trào thể dục thể thao cũng diễn ra sôi nổi.

Công tác giáo dục thường xuyên được quan tâm, từng bước thực hiện xã hội hóa giáo dục, trường lớp từng bước được kiên cố hóa. Nâng cấp khuôn viên ở các điểm chính khang trang xanh – sạch – đẹp. Làm tốt công tác vận động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%, không có học sinh nghỉ học. Thực hiện việc phổ cập giáo dục ở cả 3 bậc học.

Công tác y tế được chú trọng, duy trì chế độ trực thường xuyên, đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm kiềm chế không cho bệnh tái phát. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng hình thức ký cam kết đến từng hộ gia đình trong độ tuổi sinh đẻ không vi phạm chính sách dân số được triển khai thường xuyên và có hiệu quả. Công tác quốc phòng – an ninh được đảm bảo và giữ vững.


 
Đường giao thông của xã còn nhiều khó khăn chưa có kinh phí xây dựng

Bên cạnh những kết quả đạt được, xã Tà Cạ cũng gặp một số khó khăn trong công tác phát triển kinh tế - xã hội. Là xã có địa hình đồi núi dốc nên khó khăn trong việc bố trí cơ cấu sản xuất. Trình độ dân trí không đồng đều, nhân dân thiếu đất sản xuất, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, một số hộ dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện tại, xã còn có 4 bản chưa có điện nên việc tiếp cận các thông tin từ xã đến cơ sở còn gặp rất nhiều khó khăn. Đường giao thông ở xã xuống cấp, chưa có kinh phí xây dựng gây khó khăn trong việc đi lại.

Là một xã biên giới tình hình ngoại biên tuy ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, phức tạp khó lường các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Nguồn thu trên địa bàn thấp, chủ yếu ngân sách được cấp trên phân bổ.
 
“Trong thời gian tới, xã tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa – giáo dục, củng cố quốc phòng an ninh, phấn đấu đưa xã Tà Cạ đạt đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2015. Xã cũng mong muốn được các cấp ngành cấp trên, các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ cho xã xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu cho nhân dân”, ông Ba khẳng định.

 
Bùi Thu - Thanh Thủy

Bạn đang đọc bài viết "Tà Cạ vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.