Sự thật kho báu ở Tri Tôn, An Giang - Khu vườn bí ẩn ở sóc Tà Bò (Kỳ I)

30/11/2021 14:09

Theo dõi trên

Năm 2013, giới sưu tầm cổ vật trong nước loan truyền tin "mật" cho rằng ở Tri Tôn, An Giang phát lộ những chỉ dấu cho thấy tại một khu vườn nhà người dân có một kho báu ngàn năm.

dscf0278-1638153868.JPG
Cánh đồng Tà Bò - Nơi diễn ra cơn sốt đào vàng từ những năm 1980

Dự đoán kho báu này chứa cả ngàn lượng vàng cổ, 1 cái chum chứa đầy hột soàn (đá quí) và rất nhiều báu vật cổ khác.

KẺ MẠO NHẬN EM GÁI CHỦ TỊCH NƯỚC

Một ngày trung tuần tháng 5 - 2013, người dân cư ngụ ở sóc Tà Bò (ấp Tô An, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) kinh ngạc khi thấy một nhóm người sang trọng xuất hiện. Tà Bò là sóc quần cư của dân tộc thiểu số Kh'mer, nẳm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa cô quạnh cạnh chân núi Cô Tô. Từ cụm dân cư gần nhất là thị trấn Tri Tôn muốn đến sóc Tà Bò cần đến 15 phút đi xe gắn máy. Sóc Tà Bò rất hiếm tiếp khách lạ phương xa. Vì vậy, sự xuất hiện của những người thị thành đã khiến cả sóc lạ lẫm, hiếu kỳ.

Trước đó nhiều ngày, thỉnh thoảng có ai đó bí mật lẻn vào khu vườn trồng tre, khoai của nhà ông Chau Thi đào xới tìm gì đó đã để một số dấu tích. 

Những người lạ tìm đến nhà vợ chồng ông Chau Thi và bà Neang Soc Phinh. Người phụ nữ sang trọng dẫn đầu đoàn người xưng tên H. Bà H đề nghị ông bán 1 mớ đất trên vườn nhà ông để đem về TP Hồ Chí Minh phân chất tìm gì đó. Ông đồng ý bán với giá 3 triệu đồng. Bà H nhờ ông gọi dùm 2 người đào đất thuê.

Bà H cùng với những người đi cùng dùng máy định vị, la bàn và bản đồ mò mẫm đi lòng vòng trong vườn suốt mấy giờ đồng hồ. Cuối cùng, họ đánh dấu trên mặt đất một hình vuông có chiều ngang khoảng 2 mét, chiều dài 5 mét rồi yêu cầu nhân công đào sâu xuống khoảng 1 mét.

Toàn bộ số đất được họ cho vào bao tải rồi đưa ra xe chở đi.

4 tháng sau, một ngày đầu tháng 10 - 2013, một người đàn ông tên MVB là người dân địa phương lân la chuyện trò với những cán bộ lãnh đạo xã. Ông này nói xa gần rằng, có 1 nhà ngoại cảm đang tìm hài cốt một cán bộ "gộc" đã hy sinh tại sóc Tà Bò trong thời gian kháng chiến chống Mỹ. Thân nhân của vị liệt sỹ cán bộ "gộc" này đang nhờ ông nói giúp với Ủy ban xã cho phép tổ chức hương đèn tìm mộ. Cán bộ lãnh đạo xã yêu cầu thân nhân liệt sỹ phải có hồ sơ xác nhận địa điểm hy sinh mới cho tiến hành đào xới tìm hài cốt. Lúc này, ông MVB mới tiết lộ là có một người là "em gái Chủ tịch Nước" phát hiện ở địa phương có kho báu khoảng 500 tấn vàng. Ông MVB đề nghị lãnh đạo xã hợp tác tìm kho báu bằng cách "mắt nhắm mắt mở" cho một nhóm người đào khai quật dò tìm. Nếu tìm được, những người khai thác kho báu sẽ "chung chi đầy đủ". Những cán bộ xã thẳng thắn từ chối lời mời hợp tác, đồng thời ngầm thông báo cho lực lượng công an địa phương tìm hiểu, theo dõi động thái của những người này.

Không lôi kéo được những cán bộ lãnh đạo xã, ngày 13 - 10 - 2013, nhóm người lạ bí mật đi thẳng vào Tà Bò tìm đến nhà ông Chau Thi. Lần này, dẫn đầu đoàn 9 người là một người phụ nữ sang trọng khác tự giới thiệu tên Y là "em Chủ tịch Nước" và nhân vật tên V. Bà Y cho biết, chú của bà tên là Phan Lê Thân -  đã hy sinh, chôn tại khu vực Tà Bò thời kháng chiến chống Mỹ. Bà đã nhờ nhà ngoại cảm xác định vị trí chôn liệt sỹ chính là nơi những kẻ bí mật đào xới ban đêm trong vườn nhà ông.

Vốn là người sinh ra, lớn lên nơi mảnh đất này, ông Chau Thi kiên quyết khẳng định suốt thời chống Mỹ không có liệt sỹ nào được chôn ở đây. Sau một hồi vòng vo, cuối cùng, bà Y tiết lộ ý định thật là đi tìm kho báu. Bà nói, khoảnh đất vườn nhà ông chứa 1 kho báu được chôn cất cách nay 4.800, từ thời… Hùng Vương. Kho báu này chứa hơn 1000 tấn vàng, 2 tấn đá quí. Bà là em Chủ tịch Nước nên "không sợ thằng nào". Nếu ông đồng ý cho khai quật kho báu, bà sẽ chia cho ông phân nửa số vàng tìm thấy.

dscf0283-1638153925.JPG
Đến nay, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy 1 người "đào trùn" xuất hiện ở khu vực cánh đồng Tà Bò

Sợ cái uy “em gái Chủ tịch nước”, ông Thi không dám từ chối đề nghị của bà Y. Một mặt, ông đồng ý cho bà Y đào bới, một mặt ông ngầm báo cho công an xã Cô Tô. Bà Y cùng nhóm người lạ rút đi và hẹn sáng hôm sau quay trở lại để bắt đầu đào bới.

Sáng ngày 14 - 10 - 2013, khi bà Y chưa kịp cho nhóm nhân công đào xới khu vực đánh dấu kho báu trên bản đồ thì lực lượng công an xã xuất hiện mời tất cả về trụ sở rồi trục xuất khỏi địa phương.

TRUYỀN THUYẾT VỀ MỘT NGÔI CHÙA CỔ

Từ bao đời nay, những người già cư ngụ ở sóc này luôn luôn kể cho con cháu nghe truyền thuyết có thật về một ngôi chùa xưa đã đã từng hiện diện trên đất sóc Tà Bó từ thuở khai thiên lập địa nhưng nay đã biến mất.

Ông Chau Sóc Oanh - Nguyên trưởng ban Nhân dân ấp Tô An cho biết: "Nhóm người lạ đào bới tìm kho báu là có lý do đấy. Ngày xưa rất xưa, nơi đây có một ngôi preakvihea chak. Không hiểu sao ngôi preakvihea chak biến mất. Hồi tôi còn nhỏ đã nghe các ông bà lão già rất già kể, dấu tích ngôi preakvihea chak là nhiều rất nhiều những viên gạch xưa rất là xưa. À cha (sư cả) chùa Chia Rom còn lấy gạch đó xây chùa. Ngôi chùa cổ Chia Som hiện vẫn còn…".

Truyền thuyết được kể bằng tiếng Kh'mer nối tiếp hết đời này sang đời khác. Những người Kinh sinh sống quanh vùng dịch nghĩa cụm từ preakvihea chak là "ngôi chùa cổ". Từ đó, mọi người đều nghĩ, Tà Bò từng tồn tại 1 ngôi chùa cổ của người Kh'mer xưa. Để chứng minh cho truyền thuyết có thật, những người già Tà Bò còn khẳng định, cách nay hàng trăm năm, sư tổ khai sáng sóc Tà Bò và ngôi chùa Chia Som còn tận dụng những viên gạch nung còn sót lại của ngôi "chùa cổ" để xây cất ngôi chùa mới. Vị sư ấy có tên là Pour, đạo hạnh cao ngất, huyền năng mãnh liệt. Ông có thể dùng phép thuật để trị tà ma, chữa bệnh. Vì vậy cư dân địa phương tôn ông là thần nên gọi là Tà Pour (tà: thần). Đó cũng là lý do sóc có tên là Tà Bò.

Câu chuyện hầu như chẳng có ý nghĩa giáo dục gì đối với người dân sóc. Họ kể câu chuyện truyền khẩu này chỉ vì 1 một mục đích duy nhất là giải thích cho thế sau biết lý do khu vườn và những miếng ruộng gần lổn nhổn những mảnh đất nung khiến việc cày bừa khó khăn.

Truyền thuyết dần trở thành chuyện có thật bởi hàng trăm năm nay, thỉnh thoảng người dân sóc Tà Bò lại nhặt được 1 món cổ vật bằng vàng ròng khi đào đất chăm sóc vườn cây hoặc làm ruộng. Tuy nhiên, do không biết giá trị, người dân đem đi bán ve chai hoặc đổi gạo.

Căn cứ vào hiện trạng vùng đất, người ta thấy nền ngôi "chùa cổ" trên gò đất nổi cao ở giữa, xung quanh trũng thấp ngập nước. Người ta suy luận: Theo phong tục tập quán xưa của người Kh'mer thì ngôi chùa nào trước khi xây dựng đều phải chôn một số châu báu, vàng, bạc gọi là dâng lễ cho "thần đất". Từ suy luận đó, người ta đoan chắc rằng, vị trí ngôi "chùa cổ" chắc chắn sẽ có một kho báu chứa ít nhất 1000 lượng vàng ròng. Lời đồn đoán này râm ran ngầm thành một "thông tin mật" gây sốt trong giới sưu tầm đồ cổ.

Khoảng năm 1980, một người dân tên Trí, cư ngụ tại thị trấn Tri Tôn vào sóc Tà Bò đào trùn đất làm mồi câu cá. Ông ta đã nhặt được nửa chiếc vòng tay bằng vàng cổ, trọng lượng hơn 5 chỉ. Nguồn tin nhanh chóng được phát tán rộng ra khắp thị trấn. Ngay trong ngày, hàng trăm người vác cuốc ra cánh đồng Tà Bò "đào trùn đất" như trẩy hội. Một vài người trong số đó đã nhặt được 1 số mảnh vụn vàng cổ. Như một quả bom gây ảo giác, thông tin Tà Bò có kho vàng "chùa cổ" thu hút hàng ngàn lượt người đến cánh đồng Tà Bò để "đào trùn tìm vàng" suốt mấy tháng trời.

dscf0313-1638154008.JPG
Biên bản lời khai của bà Y tại cơ quan Công an địa phương

Người ta hăm hở cuốc đất với niềm tin sẽ tìm được vàng. Người ta đào như bị lên đồng. Chính quyền đuổi chỗ này họ sang chỗ khác đào. Chính quyền đành bó tay. Cả một cánh đồng lúa bị băm nát. Suốt mấy tháng trời đào đào cuốc cuốc, không tìm được gì cả, người ta thưa dần rồi tự giải tán.

Cơn sốt đào vàng vừa lắng xuống vài tháng thì một người dân sóc Tà Bò đi làm đồng lại nhặt được một bức tượng phồn thực bằng đồng đen. Bức tượng diễn tả cảnh 1 cặp nam nữ đang ôm cứng nhau trong tư thế ngồi.

Người nhặt được bức tượng là cha ruột chị Chau Thi Salinh cư ngụ tại Tà Bò. Ông đã đem bức tượng nặng khoảng 2 kg đi bán ve chai mua được 5 kg gạo.

Cha chị Salinh nhặt được tượng đồng đen không tạo thành cơn sốt "đào trùn" nhưng khởi đầu cho một loạt hiện tượng lạ xảy ra trong vùng đất Tà Bò. Một số đêm trăng, trẻ con sóc Tà Bò tái xanh mặt mày khi trông thấy bóng ma chập chờn trong khu vườn cây. Một số đêm khác, đám chó trong sóc cứ ngoác miệng sủa về hướng khu vườn cây để rồi sáng hôm sau chúng lăn đùng ra chết. Những buổi sáng ma quái đó, người ta lại phát hiện dấu tích đào xới trong khu vườn.

Người dân Tà Bò thật thà chân chất đã nghĩ rằng những người đào vàng đã làm thần linh vùng đất thức giấc giận dữ. Thần linh đã tạo ra những dấu đào xới trong vườn. Thần linh đã vật chết những con chó hỗn xược.

Họ không hề hay biết, khu vườn Tà Bò đang bị những tay săn cổ vật bí mật dò tìm dấu tích kho báu ngôi "chùa cổ" của người Kh'mer mà truyền thuyết đã đề cập đến./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Sự thật kho báu ở Tri Tôn, An Giang - Khu vườn bí ẩn ở sóc Tà Bò (Kỳ I)" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.