Sự hội nhập của người Hoa vào xã hội Nam Bộ

04/12/2018 15:29

Theo dõi trên

Cùng với người Khơme và người Việt, người Hoa đã tham gia vào công cuộc khai khẩn vùng đất Nam Bộ từ rất sớm. Người Hoa ở khu vực này đa số có nguồn gốc từ duyên hải phía nam Trung Quốc. Trải qua ba thế kỷ sinh sống, họ không chỉ nhận mà còn góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa khu vực này.

Vấn đề hội nhập của người Hoa vào vùng đất Nam Bộ diễn ra thực sự mạnh mẽ từ cuối TK XVII, khi phong trào di dân từ Trung Hoa vào Việt Nam trở nên ồ ạt và người Hoa có ý thức coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Người Hoa định cư theo những tổ chức xã hội của riêng mình, được chính quyền sở tại công nhận như Minh Hương xã, các hình thức bang, hội… Chính quyền nhà Nguyễn luôn sẵn sàng chấp nhận người nước ngoài đến xin tá túc tị nạn hay làm ăn, nhưng bắt buộc phải theo một quy chế tuần tự đồng hóa. Với những quy chế rộng mở, đồng hóa như vậy, Hoa kiều sang đến đời thứ hai đã được coi như người Việt, tuân theo thể chế chính trị của người Việt. Có rất nhiều người Minh Hương (như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Phan Thanh Giản…) đã trở thành sứ thần, trọng thần của triều đình nhà Nguyễn.
 

Sự hội nhập của người Hoa vào xã hội Nam Bộ bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Vào thời kỳ Pháp chiếm được lục tỉnh Nam Kỳ, chính sách chia để trị đối với người Hoa được áp dụng khiến việc mưu sinh của người Hoa không được thuận lợi. Về sau, chính quyền Sài Gòn đã thực hiện chính sách cưỡng bức hội nhập, phần nào gây mất ổn định trong cộng đồng dân cư này. Hơn nữa, đa phần người Hoa di cư đến vùng đất này đều rất nghèo khổ, họ bỏ quê hương chủ yếu để gây dựng cuộc sống tốt hơn nên dễ dàng thích nghi với văn hóa bản địa. Quá trình hội nhập văn hóa của người Hoa ở Nam Bộ thể hiện rõ nét trong lĩnh vực ăn, mặc, ở, tạo nên màu sắc văn hóa riêng biệt của cư dân vùng này.
 
Về văn hóa ẩm thực
 
Ẩm thực của người Hoa không những chỉ đáp ứng nhu cầu sinh tồn của con người mà đã được nâng lên thành nghệ thuật, chủ yếu phục vụ trong các gia đình quý tộc xưa, dần dần, nghệ thuật đó được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Người Hoa quan niệm ăn uống còn là một trong những phương pháp chữa bệnh hữu hiệu khi ứng dụng phù hợp với đặc thù của từng vùng cư trú, từng mùa trong năm hoặc từng loại bệnh cụ thể… Vì vậy, trong cách chế biến thức ăn, người Hoa chú ý đến cân bằng âm dương, cơ địa của mỗi người. Những giá trị truyền thống này được người Trung Hoa mang theo khi đến định cư ở vùng đất Nam Bộ.
 
Người Hoa vốn có câu “dĩ thực vi tiên”, tức việc ăn uống là nhu cầu thiết yếu bậc nhất. Mặt khác, ở góc độ đạo đức, người Hoa lại có quan niệm “ăn chẳng cần no” (thực bất cầu bão), cho nên họ ăn uống nhẹ nhàng, chậm rãi. Tuy nhiên, người Hoa ở Nam Bộ chủ yếu thuộc thành phần lao động nên có thói quen ăn uống giản tiện, thích hợp với cuộc sống. Lương thực, thực phẩm của họ hầu hết sản vật địa phương, đôi khi có nguồn gốc nước ngoài (chủ yếu là từ Trung Quốc, Đài Loan). Thành phần chính trong mỗi bữa ăn vẫn là cơm gạo, ngoài ra, họ còn chế biến thêm mì sợi, há cảo, hoành thánh, màn thầu, bún, hủ tiếu. Ăn kèm với lương thực là các loại thực phẩm chế biến từ rau đậu, hoa quả, thịt cá… Người Hoa dùng nước dừa tươi để làm chất phụ gia nên có các món thịt kho tàu, tôm kho tàu. Ngày nay, những món ăn này đã trở thành món ăn chung của người Hoa lẫn người Việt. Cơm dừa khô, béo được người Hoa nạo, vắt lấy nước cốt để làm chất phụ gia cho các món xôi chè (1).
 
Hủ tiếu là món ăn quen thuộc của người Hoa, phổ biến ở các địa phương Nam Bộ. Hủ tiếu được người Khơme kết hợp với món cà ri quen thuộc thành hủ tiếu cà ri. Bên cạnh đó còn có món lẩu mắm, canh chua… Việc người Hoa sử dụng mắm trong bữa ăn cũng là một ví dụ cho thấy họ đã tiếp nhận, hội nhập vào văn hóa ẩm thực của vùng đất Nam Bộ (2). Ngược lại, những món ăn của người Hoa như cơm chiên Dương Châu, cơm gà Hải Nam, bánh Trung thu, bánh pía Sóc Trăng, bánh bao, há cảo, sủi cảo… cũng được cư dân bản địa ở Nam Bộ ưa thích và xếp vào những món ăn tiêu biểu cho ẩm thực Nam Bộ, thậm chí có thể sánh ngang với phở Bắc, bún bò Huế, mì Quảng…
 
Về trang phục      
 
Có thể nói trang phục là nét văn hóa mà người Hoa lưu giữ lại khá rõ nét. Hình thức trang phục truyền thống thường phản ánh địa vị xã hội của người mặc. Trước đây, nam giới người Hoa thuộc tầng lớp bình dân thường mặc quần lửng dài ngang gối, ống rộng (quần tiều), áo tay lửng (xá xẩu), đội nón đan bằng tre, rộng vành, đỉnh nón nhọn, đi guốc hoặc chân đất. Nam giới người Hoa thuộc tầng lớp trung lưu thường mặc áo quần dài màu đen, đi giày gỗ hoặc hài gấm, đội nón quả bí màu đen. Trang phục truyền thống của phụ nữ Trung Hoa là chiếc áo thân dài quá mông không có túi, cài khuy tết bằng vải bên nách phải, áo có thể dài tay hay ngắn tay, song hò vạt phải vòng qua bên phải cài nút thắt, cổ áo cao, xẻ vạt hai bên hông. Do người Hoa ở Nam Bộ đa số thuộc thành phần lao động nên trang phục thường đơn giản, thích hợp với sinh hoạt hàng ngày, vào các dịp lễ tết, hiếu hỉ họ mới mặc trang phục truyền thống.
 
Trước cách mạng Tân Hợi (1911), đàn ông người Hoa phải theo phong tục nhà Thanh, cạo bớt tóc xung quanh đầu nhưng vẫn để chỏm tóc dài thắt bím. Sau cách mạng, họ cắt bím tóc, xem cái bím là kết quả của sự nô lệ, nhục nhã. Từ đó, đàn ông người Hoa ở Nam Bộ thường cạo trọc đầu, đến khoảng năm 30 TK XX họ hớt tóc ngắn theo kiểu Tây phương.
 
Người Hoa có một kiểu nón hình dáng giống nón lá của người Việt nhưng được đan bằng mây hoặc tre, gọi là tức lối. Một kiểu khác cũng được làm bằng mây, tre, lỗ to như lỗ bội, chóp nhọn, rộng vành, ở giữa có lót lá tre. Chiếc nón này cả nam và nữ đều sử dụng. Riêng chiếc nón của người Triều Châu chóp giữa rất cao, trông giống như chiếc nón của cao bồi Texas. Cũng trong khoảng những năm 20, 30 TK XX, ở vùng đất Nam Bộ, thanh niên người Hoa con nhà giàu có khi ra đường đội nón nỉ, tay cầm ống vố, đua đòi như các cậu ấm con quan chức. Một số đàn ông lớn tuổi ra đường thường cầm một chiếc dù cán ngoéo, lợp vải đen, phụ nữ thường sử dụng chiếc dù tre, lợp giấy dầu. Còn người lao động lúc nào trên vai cũng vắt một chiếc khăn rằn đen, với chiếc khăn này, họ có thể đội đầu che bụi, lau tay, lau mồ hôi… Họ cũng thường hay đi chân đất, thỉnh thoảng có người mang dép làm bằng da trâu, guốc gỗ hoặc dép cao su.
 
Từ khi đến định cư ở vùng đất Nam Bộ, trang phục của người Hoa có khuynh hướng giản dị hơn, dần ngả qua Âu phục. Nam giới thường mặc quần áo may theo kiểu Tây phương với áo sơ mi, veston, cà vạt, khi lao động có thể mặc quần đùi, áo thun. Ngay cả trang phục tế lễ cũng được giản tiện rất nhiều, chủ tế, phó tế, các thành viên trong ban tế lễ không nhất thiết phải mặc lễ phục kiểu nhà Thanh mà có thể mặc veston màu đen và tùy theo quan hệ với người quá cố mà trang phục có dấu hiệu riêng để phân biệt thế thứ, họ hàng (3).
 
Đối với các địa phương ở xa khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, nam nữ Hoa, Việt đều ăn mặc như nhau, khó phân biệt được. Phụ nữ Hoa thường mặc quần vải, áo bà ba, đội nón lá, đi guốc gỗ như phụ nữ Việt. Chiếc áo bà ba được xem như một nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, thực ra, đây là kiểu áo được du nhập từ đảo Penang (Malaysia) của người Bà Ba, tức người Hoa Mã Lai. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam thì chiếc áo bà ba xuất hiện và phát triển ở Nam Bộ vào đầu TK XIX (4), cho đến nay vẫn được cả người Hoa và người Việt sử dụng. Có thể nói rằng, hình ảnh chiếc áo bà ba là một nét tiêu biểu cho sự tiếp thu, giao lưu văn hóa ở khu vực này.
 
Về nhà ở
 
Theo người Hoa, ngôi nhà là nơi thờ phụng tổ tiên, thờ trời, phật, thánh, thần. Ngôi nhà cũng là nơi sinh hoạt, tổ chức lao động sản xuất, tiếp khách… Mô hình ngôi nhà của người Hoa cũng khá đa dạng, thích hợp với đặc điểm cư trú, mục đích công việc. Họ thường cư trú tập trung ở những nơi giao điểm của các trục đường giao thông, thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Ở nông thôn, người Hoa làm nghề nông, chăn nuôi, dịch vụ, mua bán lẻ tẻ… nên tập trung thành từng làng, các dãy nhà được sắp xếp theo theo quan hệ dòng họ, thân tộc hay nguồn gốc địa phương. Còn ở đô thị hay các thành phố lớn, người Hoa làm các nghề buôn bán, lao động tay chân nên họ thường sống tập trung, hình thành các khu phố sầm uất, biệt lập với cư dân địa phương. Ở mỗi khu phố, người Hoa sống gần gũi, gắn bó với nhau theo quan hệ thân tộc mà trung tâm của sự liên kết là nhà thờ họ.
 
Về mặt kiến trúc, nhà ở của người Hoa ở Nam Bộ thường sâu, kín đáo, một mặt do tâm lý của dân ngụ cư, mặt khác do sự kế thừa loại hình kiến trúc của kiểu nhà xứ lạnh phương Bắc. Nhà được xây theo một quần thể: nhà chính, nhà phụ bao quanh sân, giữa sân thường có một giếng trời (thiên tỉnh).
 
 
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu - Bình Dương. Ảnh Tuấn Minh 

Người Hoa ở các đô thị, thành phố lớn quan niệm rằng chỉ cần chọn một vị trí thuận lợi để làm ăn, sinh sống nên không cần có những ngôi nhà quy mô, tráng lệ mà thường là những ngôi nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu không khí, nằm trong các hẻm sâu, ngoằn ngoèo. Đây còn là nơi sản xuất, giao dịch hàng hóa, nơi để nguyên liệu, thành phẩm… Trong thực tế, nhiều người Hoa giàu có nhưng vẫn ở trong những ngôi nhà bình thường, thậm chí khá luộm thuộm, bất tiện trong sinh hoạt.
 
Nhà của người Hoa ở thôn quê có nhiều nét giống với các dân tộc cộng cư ở Nam Bộ, thường xây tường bằng đá, gạch mộc hay trình đất, ít cột hoặc không có cột, mái lợp ngói âm dương, có khi lợp bằng lá quế, phên nứa, lá dừa nước. Trước đây, nhà vệ sinh, nơi tắm rửa của người Hoa thường chỉ là một ô nhỏ được che tạm bợ gần các kênh rạch. Về sau, họ đã xây nhà vệ sinh, nhà tắm một cách kín đáo, chắc chắn, sử dụng hệ thống nước sinh hoạt sạch của địa phương.
 
Nếu như trước đây, người Hoa chú trọng phong thủy, xem ngày tháng để xây cất nhà thì đến nay họ chỉ cố gắng xây dựng nhà cho chắc chắn, thoáng đãng, thuận lợi cho việc sinh hoạt và làm ăn buôn bán. Cho dù việc xây cất nhà cửa có những thay đổi nhất định so với truyền thống nhưng vẫn giữ được những nét khác biệt như bàn thờ thần thánh, tổ tiên gia đình, trước nhà, cổng nhà, cửa chính… từ ngoài vào trong đều có các băng giấy màu đỏ viết chữ Hán bằng nhũ vàng hoặc mực Nho đen ghi những lời chúc mừng, cầu nguyện (5). Những ngôi nhà người Hoa trên phố Lương Nhữ Học, Trần Văn Kiểu, Triệu Quang Phục, các dãy nhà quanh chùa Ông, chùa Bà Chợ Lớn… ở quận 5 TP.HCM vẫn còn lưu lại dấu vết của các “lý”, “hạng” (giống như ngõ xóm). Đó là hình ảnh của thời kỳ hình thành những cụm dân cư người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu tiên. Những ngôi nhà trong hẻm thường nhỏ bé, chật chội, phần lớn hình ống, một trệt, một lầu. Trải qua nhiều năm tháng, những ngôi nhà cổ này đã xuống cấp trầm trọng, cộng với sự tăng nhân khẩu khiến cho khu vực cư trú càng trở nên chật chội hơn. Một số ngôi nhà của người Hoa ở mặt tiền, chủ là những người khá giả đã phá bỏ xây dựng theo kiến trúc đô thị hiện đại. Cũng trong buổi đầu hình thành các cộng đồng dân cư ở Sài Gòn - Chợ Lớn, người Hoa thường tập trung cư trú quanh những cơ sở tín ngưỡng, hội quán của các bang, hội. Các bang, hội cũng có những lô đất là tài sản chung và xây nhà cho những người mới nhập cư thuê ở tạm.
 
Về cơ bản, nhà ở của người Hoa có hai loại hình chính là nhà đất và nhà sàn. Loại hình nhà đất xuất hiện tiêu biểu ở Quảng Ninh và một số nơi thuộc Trung du Bắc Bộ. Nhà hình cái ấn (một kiểu nhà phổ biến ở phía nam Trung Quốc) ở khu vực này cũng dần bị mai một, một số ngôi nhà còn lại cũng cho thấy về bình đồ, kết cấu bộ khung nhà, cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt cũng xa dần nhà cổ truyền Trung Hoa. Nhiều nhà không còn bộ khung cột mà thay thế vào đó là các cột bằng tường, trình hoặc được xây bằng gạch mộc, nếu còn cột thì chỉ là cột hiên. Người nhà làm kèo theo kiểu vì kèo tam giác (hai kèo, một quá giang, một trụ chống nóc), đầu quá giang gác ngay trên đầu tường. Còn về nhà sàn, theo tác giả Nguyễn Khắc Tụng thì “đây là loại hình nhà ở không thấy ở Trung Quốc mà chỉ có ở những ngôi nhà của người Hoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà thôi. Không chỉ khác về mặt loại hình mà ngay cả vật liệu xây dựng cho đến kết cấu bộ khung nhà, tường vách, mái nhà… hầu như không còn một yếu tố cổ truyền nào của nhà cổ truyền Trung Hoa” (6). Bộ khung nhà làm theo kiểu vì kèo nhà người Việt cùng địa phương. Tường vách bằng ván mỏng hoặc được che bằng lá dừa nước. Mái lợp lá dừa nước hoặc bằng ngói, móc, tôn… Cách bố trí trên mặt bằng cũng tương tự như nhà của người Việt.
 
Do phải thích nghi với điều kiện môi sinh ở vùng đất Nam Bộ, những yếu tố Việt hóa trong loại hình kiến trúc nhà ở của người Hoa cũng được thể hiện khá đậm nét. Kiểu hình nhà cái ấn tối tăm, bịt bùng rõ ràng không còn thích hợp với điều kiện môi sinh của Nam Bộ, buộc phải nhường chỗ cho các kiểu nhà thích hợp hơn như nhà sàn.
 
Nói chung, Việt Nam và Trung Hoa đã bắt đầu diễn trình giao lưu, hội nhập văn hóa từ rất sớm, vì vậy, việc hình thành cộng đồng Hoa ở Việt Nam đã sớm được định hình. Từ thân phận là kiều dân, những lưu dân Trung Hoa đã trở thành thần dân của các triều đại phong kiến Việt Nam xưa kia cũng như là công dân của nước Việt Nam về sau này. Từ cuối TK XVII, sau thất bại của phong trào phản Thanh phục Minh, những lưu dân người Hoa đã tìm đến mưu sinh tại xứ Đàng Trong, nơi các chúa Nguyễn đang cai quản. Người Hoa đã được cộng đồng các dân tộc ở Nam Bộ đón nhận chân tình bởi lẽ đại bộ phận người Hoa là những người lao động, là nông dân, thợ thủ công nghèo khổ, phải ly hương đi tìm đất sống.
 
Song song với quá trình cộng cư là sự hội nhập văn hóa của người Hoa vào xã hội Nam Bộ. Trong quá trình sinh sống với người Việt, Khơme, Hoa không chỉ nhận mà còn có những đóng góp để làm nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa tộc người, góp phần vào sự hình thành những đặc điểm của vùng văn hóa Nam Bộ. Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong phong trào cách mạng những năm 1930 - 1975, đã có không ít bà con người Hoa tham gia, có những đóng góp về sức người, sức của vào công cuộc dựng nước và giữ nước Việt Nam.
 
_______________
 
1, 3. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM, Đặc khảo văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2012, tr.64-65, 74-80.
 
2, 5. Phan An, Góp phần tìm hiểu văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, TP.HCM, 2006, tr.198-199, 101.
 
4. Sơn Nam, Đất Gia Định xưa, Nxb TP.HCM, 1997, tr.194.
 
6. Châu Thị Hải, Người Hoa Việt Nam và Đông Nam Á: Hình ảnh hôm qua và vị thế hôm nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.121.
 
Lê Thuỵ Hồng Yến
Tạp chí VHNT số 403

Bạn đang đọc bài viết "Sự hội nhập của người Hoa vào xã hội Nam Bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.