Sống chậm ở đất kinh kỳ

04/11/2016 09:18

Theo dõi trên

Những cánh đồng trĩu hạt vàng, dòng sông xanh lơ đãng uốn lượn quanh những ngọn núi đá vôi xanh rì màu lá, Tam Cốc– Bích Động đúng là một điểm đến lộng lẫy bởi sự hào phóng vô cùng của thiên nhiên. Có lẽ thừa hưởng được vẻ quý phái, tao nhã của người cố đô, người xứ này từ tốn và hiếu khách, nên nơi đây làm du lịch cũng khác xa với những bát nháo thường thấy ở các khu lân cận.

Bảo rằng du lịch đến cố đô Hoa Lư của vùng đất Ninh Bình là sống chậm cũng có lý do. Bởi vì, chẳng ai có thể vội vã ở xứ này. Làm sao du khách có thể lướt nhanh qua hay hờ hững được với vẻ đẹp thiên nhiên thần tiên của Tam Cốc- Bích Động?



Chùa Bích Động ẩn mình trong núi.

Tam Cốc là ba cái hang khổng lồ xuyên những quả núi đá vôi; Bích Động là một hang động lớn được mệnh danh "Nam thiên đệ nhị động"- đứng sau đệ nhất động Hương Tích do Chúa Trịnh Sâm phong tặng. Tam Cốc– Bích Động là một phần của quần thể thắng tích Tràng An được UNESCO cộng nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới. Nếu như Tràng An được khai thác du lịch với nhiều công trình, kiến trúc vừa hiện đại, vừa cổ kính của cố đô thì Tam Cốc– Bích Động là điểm đến thuần túy thiên nhiên. Bởi thế, du khách quốc tế đến đây nhiều hơn du khách Việt. Từ đó, dịch vụ lưu trú như homestay, hostel đậm chất sinh thái, gần gũi thiên nhiên xuất hiện để giữ chân khách.

Đến Tam Cốc là một hành trình khám phá vẻ đẹp độc đáo của đất kinh kỳ. Đi qua độc đạo là dòng sông Ngô Đồng mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Chậm chạp, nhẹ nhàng trên những chiếc thuyền nan, du khách thư thái trên dòng sông mà hai bên là lúa vàng óng ả vào vụ chiêm tháng tư, tháng năm. Mùa này, lúa đã gặt xong. Dòng Ngô Đồng lại tràn ngập sắc màu của hoa sen và hoa súng lượn lờ qua những cánh đồng, cánh rừng rồi vô tư lọt vào lòng núi tạo nên dòng chảy ngoạn mục mà thi vị. Nước trong vắt như thể được tinh cất kỹ lưỡng trước khi đổ ra sông.

Hành trình thuyền nan dọc con sông này đi qua ba hang động. Trong đó, hang Cả dài 127 mét, cao hơn 20 mét, hang Hai dài 60 mét và hang Ba dài 50 mét. Đây là núi đá vôi nên lòng hang luôn có thạch nhũ qua thời gian tạo thành những hình thù, khối lớn kích thích trí tưởng tượng của du khách. Người chèo thuyền nan đều sinh ra và lớn lên tại vùng đất này nên rất am hiểu. Họ trở thành những hướng dẫn viên, những người bạn để trò chuyện trong suốt hành trình ba giờ dọc theo dòng sông xuyên lòng núi. Nơi chụp ảnh đẹp nhất của dòng Ngô Đồng vào vụ chiêm là góc nhìn từ Hang Múa – một hướng đi khác theo đường bộ theo những bậc thang dẫn lên núi, để đến sân khấu biểu diễn phục vụ vua quan từ nhiều thế kỷ trước.




Đạp xe ở Tam Cốc.

Du lịch ở đây không vội được. Ngay cả người chèo thuyền cũng không vội vàng đưa khách ra ngoài nhanh để xoay vòng khác. Họ cứ từ tốn khua mái chèo. Mỏi tay, họ chuyển sang chèo chân. Con thuyền nan như một chiếc lá dìu dặt trôi trên sông như thể họ cũng đang thưởng thức phong cảnh, tận hưởng cả đất trời dù ở đây ngày nào cũng như thế. Khách cũng không vội vã. Họ ngẩn ngơ trước non nước kinh kỳ rồi mê mẩn. Thời gian như lắng đọng, ngừng trôi. Lượt về của hành trình vẫn đi ngang đường cũ. Qua những cây cầu, góc núi, cánh đồng nhưng Tam Cốc lại mang một vẻ đẹp khác. Cứ qua một khúc quanh, một không gian khác lại hiện ra như những thước phim chậm. Để rồi dừng lại ở bến thuyền, kết thúc hành trình, du khách thấy tiếc nuối vì chưa kịp thu hết vẻ đẹp của thiên nhiên vào trong mắt mình.

Cách bến thuyền không xa là Bích Động huyền bí. Ở đó, có một ngôi chùa cổ lấy tên động, được chia bậc theo hình "chữ Tam" theo triền núi, gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Khuôn viên chùa có nhiều cây cối cổ thụ, được xem là cây tổ xứ này. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc đậm chất Á Đông, sắc màu rêu phong, cổ kính và đầy thâm nghiêm. Tiếng chuông chùa không vang vọng nhưng ngân xa và dài. Người ta bảo, đại hồng chung được đúc từ thời Vua Lê Thái Tổ; chùa liên tục được tu bổ vào các đời Vua, bắt đầu từ thời Hậu Lê. Xung quanh đó là những núi đá vôi nối tiếp nhau. Chỗ nào có dòng Ngô Đồng chảy qua, chỗ đó lại có núi rỗng chân tạo thành hang động. Người dân bản địa dựa vào thiên nhiên đó, hình thành các tuyến du lịch thuyền nan xuyên thủy động, đưa du khách khám phá hết vẻ đẹp đất cố đô mà đường bộ không thể tiếp cận được. Khi hết ba tuyến đường sông, du khách có thể đạp xe trên những con đường làng để khám phá, tận hưởng một góc nhìn khác về vùng đất không vội vã này…

(Theo Báo Cần Thơ)

Du Miên
Bạn đang đọc bài viết "Sống chậm ở đất kinh kỳ" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.