Những năm qua, huyện Cái Nước thường xuyên kết hợp với ngành chuyên môn mở lớp tập huấn cho các tài tử học tập và tổ chức giao lưu. Qua đó, không chỉ củng cố các CLB đờn ca tài tử khóm, ấp mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hoá, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia sinh hoạt, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, từ đó phong trào đờn ca tài tử huyện nhà không ngừng phát triển.
Hiện toàn huyện có trên 80 CLB đờn ca tài tử ở các khóm, ấp, trung bình mỗi CLB có từ 15 - 20 thành viên tham gia và được tổ chức sinh hoạt thường xuyên.
Tại liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ lần này, các đơn vị xã, thị trấn đã tuyển chọn các tài tử đờn và tài tử ca ở các CLB ấp, khóm để thành lập đội tuyển tham gia. Ðây là những nông dân tay lấm chân bùn, nhưng được tập luyện thường xuyên và có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, hình thức.
Các đội tham gia liên hoan đã tái hiện không gian tài tử mang đậm nét cây nhà lá vườn, gắn với phong cách biểu diễn giàu hình tượng nghệ thuật, kết hợp những giọng ca ngọt ngào, sâu lắng, được hoà quyện với ngón đờn điêu luyện, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc dạt dào khó quên, nhất là những người đam mê loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử.
Nghệ sĩ Ưu tú Minh Hoàng, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan Ðờn ca tài tử Nam Bộ huyện Cái Nước lần thứ 5 năm 2016, nhận xét: "Liên hoan đờn ca tài tử lần này, chúng tôi thấy rằng, hầu hết các đội tham gia dự thi rất nhiệt tình, chất lượng chuyên môn cao. Có những đội ngoài ca hát còn tổ chức rất tốt về hình thức như: mặc áo dài, đồng phục rất đẹp, mang dáng vóc rất chuyên nghiệp, nhiều diễn viên thể hiện thanh sắc rất chuẩn, tạo sự hấp dẫn cho người xem. Qua liên hoan đờn ca tài tử lần này, chúng tôi không chỉ chú ý về mặt khả năng của các thí sinh để chấm điểm, mà còn thấy được sự phát triển của phong trào đờn ca tài tử của huyện Cái Nước rất tốt, cần duy trì và phát huy".
Điểm nổi bật ở liên hoan lần này là các tài tử tuy ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng có chung niềm đam mê cháy bỏng về loại hình nghệ thuật độc đáo này, góp phần cho liên hoan thành công rực rỡ.
Ông Trần Hoàng Nam, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện, Trưởng Ban Tổ chức, đánh giá: "Các tài tử tham gia liên hoan là những nông dân, nhưng khi đứng trên sân khấu đã trở thành người nghệ sĩ thực thụ, biểu diễn một cách chuyên nghiệp qua các tiết mục ca ra bộ, bài ca vọng cổ. Tất cả các ban nhạc tham gia liên hoan đều có ý tưởng chọn các điệu thức, bài ca để kết thành một sâu chuỗi rất mạch lạc, nhịp nhàng, truyền đạt đến người nghe những cảm xúc của nghệ thuật bộ môn đờn ca tài tử.
Kết thúc liên hoan, giải Nhất toàn đoàn được trao cho đơn vị thị trấn Cái Nước; giải Nhì thuộc về đơn vị xã Tân Hưng Ðông; đồng giải Ba thuộc về đơn vị xã Hưng Mỹ và Ðông Thới. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải A, B, C và Khuyến khích cho các cá nhân.
Liên hoan không chỉ là dịp để các CLB đờn ca tài tử trong huyện có điều kiện gặp gỡ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần mà còn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc../.
(Theo Báo Cà Mau)