“Số phận” của Nguyễn Khắc Phê

17/01/2017 22:45

Theo dõi trên

Có thể nói, tự truyện “Số phận không định trước” của Nguyễn Khắc Phê (NXB Hội Nhà văn, 2016) là bức chân dung tự họa của một nhà văn đã lớn lên, trưởng thành từ cái nôi văn hóa của gia đình, dòng tộc, quê hương…, gắn liền với những biến cố lịch sử đầy biến động trong suốt chiều dài ngót hai phần ba thế kỷ.

Non 500 trang sách với một lối kể chuyện giản dị, chân thành, tác giả đã dẫn người đọc dõi theo con đường của anh: Con đường của một cậu ấm con quan mà chẳng hề được lên xe xuống ngựa, chẳng biết đến nhung lụa. Vừa ra đời đã phải nếm trải những nghịch cảnh, phải vượt qua những thử thách nơi đầu sóng ngọn gió… để rồi trở thành một nhà văn của công chúng, có một vị trí đáng trân trọng trong lòng bạn đọc.
 
Ở tác phẩm này, Nguyễn Khắc Phê còn tự “phỉ báng” mình là một kẻ “cục mịch”, “xấu trai”, “ít học” (có chỗ tác giả dùng từ “vô học”), không có năng khiếu gì về văn chương. Vậy mà con người ấy đã thành một nhà văn.
 
Giải thích điều tưởng như nghịch lý ấy như thế nào?
 
Không ít nhà văn, ta thấy có một khoảng cách (đôi khi khá xa) giữa con người và tác phẩm của họ. Riêng với Nguyễn Khắc Phê, nguyên lý “Văn là người” là một đúc kết chuẩn. Với tự truyện “Số phận không định trước” lại càng chuẩn.
 
Một tác phẩm văn học (tự truyện cũng là một thể loại văn học) tất nhiên phải có sự chọn lọc, sáng tạo nhất định. Nhưng đọc văn anh, người ta có cảm giác như là một bản sao.

Anh cứ thật thà kể về đời mình từ cuộc tha hương để mưu sinh đến cuộc chiến đấu sinh tử của một cán bộ giao thông trên tuyến lửa Quảng Bình; những cảnh sinh hoạt, những trang nhật ký, thư từ của bè bạn… chân thật đến từng chi tiết có dịp sống lại trong tác phẩm của anh. Cứ thế, anh dẫn dắt người đọc từ những trang đời đến trang viết.
 
Mọi nhà văn thường phải trải qua những cuộc nhận đường. Con đường đó thường không bằng phẳng. Phần lớn các nhà văn tên tuổi ở Việt Nam đều có khuynh hướng từ cái riêng đến cái chung rồi lại quay về với cái riêng. Nguyễn Khắc Phê không nằm trong “quy luật” đó.
 
Anh bắt đầu đời văn từ “đề tài lớn” của thời đại, những tâm hồn lớn, thành công lớn bằng cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi một thời. Những tác phẩm về sau này anh mới quan tâm nhiều đến những thân phận, những bi kịch cá nhân; đến tự truyện “Số phận không định trước” cái tôi Nguyễn Khắc Phê mới hiện lên khá rõ nét.
 
Ai đã có dịp sống gần Nguyễn Khắc Phê đều dễ nhận diện tính cách của anh: Một con người khiêm nhường, giản dị, hiền hòa, vui tính, tận tụy, cần kiệm đến mức cực đoan, bao giờ cũng thủy chung với cách sống “ăn cỗ đi sau, lội nước đi trước”, luôn luôn nhận phần khó về mình…
 
Đọc tự truyện của anh, ta còn nhận ra một Nguyễn Khắc Phê đầy kiêu hãnh, khá dí dỏm, tinh tế, thông minh, đa cảm. Những trang viết về quê hương, gia đình, đồng đội là những trang viết chan chứa nghĩa tình.
 
 
Cái tôi vốn đáng ghét. Thế nhưng, cái tôi trong tự truyện Nguyễn Khắc Phê thật đáng yêu, đáng nể, lại dễ gần.
 
Sức hấp dẫn của tác phẩm Nguyễn Khắc Phê nói chung, tự truyện “Số phận không định trước” nói riêng, là sự chân thành, giản dị, sâu lắng, tinh tế, không kể đến sức chứa khổng lồ của những sự kiện, những số phận. Một điều cũng thú vị là trước nhiều vấn đề, trước nhiều biến cố của dân tộc hoặc trong gia đình tác giả, Nguyễn Khắc Phê đã đưa ra những cách nhìn nhận khác nhau (nói theo ngôn ngữ các nhà phê bình là “điểm nhìn đa chiều”) và dành quyền “phán xét” cho bạn đọc và… thời gian!
 
Gạt đi vài tiểu tiết còn hạn chế, “Số phận không định trước” là một tác phẩm giá trị, đáng quý, làm sống lại một thời, khẳng định chỗ đứng và vị trí của nhà văn trong cuộc đời, đề cao tinh thần trách nhiệm và sự gắn bó máu thịt của nhà văn đối với đời sống dân tộc…
 
Nga Vũ

Nguồn: nld.com.vn
Bạn đang đọc bài viết "“Số phận” của Nguyễn Khắc Phê" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.