Say đắm vẻ đẹp “Tuyệt tình cốc” ở miền Tây

13/06/2019 15:05

Theo dõi trên

Đến An Giang không thể bỏ qua Hồ Tà Pạ - hồ nước xanh ngọc trong vắt đẹp đến nao lòng được ví như “Tuyệt Tình Cốc” của miền Tây.



Toàn cảnh Hồ Tà Pạ được ví như tuyệt tình cốc phiên bản miền Tây. Ảnh: Internet

 
Hồ Tà Pạ nằm trên đồi Tà Pạ hay còn gọi là núi Tà Pạ (thuộc xã Núi Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là một trong bảy núi với tên gọi Thất Sơn nổi tiếng, được tạo thành do quá trình khai thác đá cách đây nhiều năm.

Hồ có độ sâu 17m, tuy nhiên do trước đây từng là nơi hoạt động khai thác đá, nên bạn tuyệt đối không nên tắm hoặc lội xuống hồ để đảm bảo an toàn.

Xung quanh hồ, du khách có có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh ruộng lúa hoang sơ, gợi lên cảm giác rất mộc mạc, bình yên đến lạ.

 


Nước ở hồ Tà Pạ trong vắt. Ảnh: Internet

Mặt hồ phẳng như gương và đẹp ở mọi góc độ, đứng trên núi Tà Pạ còn có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của mảnh đất An Giang với đồng lúa kéo dài tít tắp, núi non hùng vĩ bao quanh sẽ làm bạn không thể cưỡng lại mà đưa máy lên bấm lách tách.

Được hình thành từ quá trình khai thác đá, ít ai biết rằng sự vô tình của con người đã tạo nên một tuyệt tác, có thể làm say đắm bất cứ ai.

Hôm nào trời càng nắng thì trông hồ càng sâu, có hôm lãng đãng mây bay qua thì Tạ Pạ không khác Hồ Xuân Hương- danh thắng của Đà Lạt hiện ra giữ đồng bằng. Chính vì giữa vùng núi non có một hồ nước, nên không khí quanh đây luôn mát mẻ,  tạo cho du khách cảm giác thật thoải mái.

Từ đỉnh Tà Pạ đưa mắt nhìn về cánh đồng Tri Tôn mới thật thú vị. Cánh đồng Tri Tôn được nông dân - đa phần là bà con Khmer trồng lúa. Những ô ruộng nhỏ điểm tô bằng những cây thốt nốt khẳng khiu nhưng vững chải, rải đều ra cả thung lũng.

Người dân địa phương cho hay, từ trên Tà Pạ nhìn xuống thì mùa nào cánh đồng Tri Tôn cũng đẹp, vì mỗi mùa hay mỗi khoảnh khắc sẽ tạo những ấn tượng riêng.

 
Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Say đắm vẻ đẹp “Tuyệt tình cốc” ở miền Tây" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.