Cụ Phạm Hồng Nê bên cây đại cổ thụ trước đền thờ danh nhân Lý Thường Kiệt
Sự thực thú vị này đã đưa tôi về với dòng sông Mã và tôi đã được thỏa tò mò ở ngã ba Bông - nơi con sông Mã tách mình ra một nhánh phụ để làm nên sông Lèn. Vùng đất “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe” của xứ Thanh không chỉ cho tôi cảm nhận về những nét văn hóa - tâm linh truyền đời, mà còn được hiểu thêm về đời sông - đời người…
Từ cầu Đò Lèn trên quốc lộ 1A, đi ngược về phía Tây theo đê tả Lèn để lên ngã ba Bông, chỉ một quãng đường chừng 10km nhưng là cả một vùng văn hóa - tâm linh. Từ chùa Linh Xứng, đền thờ danh nhân Lý Thường Kiệt, lên đền Cây Thị, chùa Quảng Phúc Tự, đền Hàn Sơn, đền Cô Bơ...
Trên con đường di tích, vẻ đẹp của đền thờ danh nhân Lý Thường Kiệt đã níu chân tôi. Ngay bên đường đê tả Lèn (thôn 3, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) là không gian tĩnh lặng, cổng tam quan cổ kính rêu phong, cây đại cổ thụ bung hoa rơi vương mặt đất… Cụ Phạm Hồng Nê (87 tuổi, người trong thôn) ngồi bên cổng tam quan, thấy người lạ, cụ cười, chào: “Đền đang được tu sửa, tôi đang ra coi mọi người cần giúp gì không”.
Tôi được cụ Nê đưa vào trong khuôn viên đền, mặc dù đang trong quá trình phục dựng nhưng không gian đền vẫn toát lên vẻ linh thiêng, trầm mặc. Ông Phạm Ngọc Quỳ (thủ từ đền) cho biết, đền thờ danh nhân Lý Thường Kiệt nằm dưới núi Ngưỡng Sơn, trước mặt là sông Lèn, phía trên là chùa Linh Xứng. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2004. Năm 2016, đền được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phục dựng lại. Ông Quỳ kể, theo như các cụ truyền lại thì trước khi có đền, nơi đây được gọi là nghè. Người dân lập nghè sau khi danh nhân Lý Thường Kiệt mất, để ghi ơn công đức của ông với đất nước và với xứ Thanh. Ngày xưa nghè thiêng lắm. Người dân trong vùng thường đến nghè để cầu mưa. Buổi sáng cầu thì buổi chiều hiệu nghiệm. Sau này, người của 3 làng là làng Đề, làng Chợ và làng Bùi đã cùng nhau góp công, góp của, xây dựng nên đền thờ danh nhân Lý Thường Kiệt (trong dân gian vẫn còn gọi là nghè Ba Làng). Đền đã có tuổi đời 487 năm. Hàng năm, vào ngày 25 tháng Giêng Âm lịch, đền tổ chức khai ấn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi...
Ông Quỳ đưa tôi đi giới thiệu về nghệ thuật chạm trổ trong ngôi đền. Ông bảo: “Các cụ ta thật tài hoa”. Quả nhiên, mặc dù đang phục dựng nhưng xem đi xem lại những họa tiết được chạm trổ trong đền mới cảm nhận được sự công phu, tinh tế của ông cha xưa. Rất nhiều hình thù từ hoa lá, muông thú đã được tạo tác bởi những bàn tay tài hoa. Đặc biệt, tại đền có hình tượng thú vị là rồng đội lá sen, hình tượng này đang được các chuyên gia phục dựng lại.
Buổi sáng ở ngã ba Bông khá yên tĩnh, bà lái đò Nguyễn Thị Minh (65 tuổi, xã Định Công, huyện Yên Định) thiu thiu ngủ trên cánh võng móc gá trên đò. Thấy tôi lên đò, bà hỏi, về đâu; tôi đùa, không biết về đâu, vì từ bến này đi sang được mấy huyện; bà Minh cười ra vẻ đồng tình. Bà Minh kể, lấy chồng về Định Công đã 40 năm nhưng cũng chưa đặt chân đến đủ mấy huyện bên cạnh, mặc dù làm nghề lái đò, chỉ cách nhau bến sông. Trước kia, gia đình bà cũng làm nghề sông nước, đi hàng ra tận Hải Phòng, Quảng Ninh, 5 năm trở lại đây, bà về chạy đò kiếm sống giữa bến xã Định Công và bến xã Hà Sơn (huyện Hà Trung).
Ngã ba Bông nằm ngay trước mặt đền Cô Bơ. Đây là nơi con sông Mã tách nhánh. Nhánh chính xuôi xuống hướng Hoằng Hóa, Sầm Sơn; nhánh phụ tách ra thành con sông Lèn hướng về biển theo địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn. Anh lái đò Nguyễn Ngọc Hải (thôn 4, xã Hà Sơn, Hà Trung) đưa tôi xuống bến đò để ra gần ngã ba sông. Nghe tôi hỏi, anh Hải cười lớn: “Ồ, đúng đây chính là ngã ba sông “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”. Nó nổi tiếng cũng vì thế, chứ dễ gì có ngã ba sông nào có tới 6 huyện cùng chụm vào”. Nói rồi, anh giới thiệu, chỗ bến thuyền nơi anh neo đậu là xã Hà Sơn (huyện Hà Trung), chếch về tay trái theo hướng sông Lèn là xã Hoằng Khánh (huyện Hoằng Hóa) và xã Châu Lộc (huyện Hậu Lộc), phía tay phải bên kia sông Mã là xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc), xã Định Công (huyện Yên Định) và xã Thiệu Quang (huyện Thiệu Hóa).
Trong tiếng thở dài lẫn vào tiếng sóng, anh Hải bảo, sông nay cũng “thay tính đổi nết” nhiều lắm. Trước anh làm nghề đánh cá, nhưng đã bỏ nghề 15 năm nay rồi. Ở ngã ba Bông này, ngày xưa nhiều cá chép và tôm ngon nức tiếng. Thời ông nội anh, đoạn sông Lèn chảy qua trước đền Hàn Sơn vẫn còn một đoạn lạch. Mỗi lần thuyền qua đây, mọi người phải xuống dùng dây kéo và “dô tả dô tà”, “dô ta dô huầy” mới vượt được. Ở đoạn sông này, ông anh thường xuyên đánh bắt được cá ghé nặng 12-13kg. Ngày trước, ngã ba Bông rộng mênh mông, mỗi khi nước lên có gió to là rờn rợn, nhưng khi nước xuống thì có thể lội được qua sông Mã. Thuở ấy, cây bàng lớn trước đền Cô Bơ nằm cạnh mép sông, nhưng chỉ khoảng 10 năm nay sông đã bồi lên khoảng 100m. Cũng cách đây 7-8 năm, có người lấy nước sông nấu nước chè thì phát hiện nước có vị lạ, sau mới phát hiện ra là nước lợ. Đây là chuyện trước giờ chưa xảy ra. Nước biển đã ngược nguồn! Sau đó, người dân đánh cá thì bắt được cá đuôi gà, cá mòi (2 loài vốn chỉ sống ở nước lợ). Rồi bên bãi sông chạy lổn nhổn những con cáy, rồi cây đay cũng không biết theo đâu mà về, mọc trên bãi bồi…
Anh Hải vừa đong đưa võng, không nhìn sang tôi mà như nói một mình: “Nhiều đêm gió lên, nằm trên thuyền chòng chành khó ngủ, tôi tự hỏi không hiểu làm sao mà sông lại thay đổi nhiều đến thế. Mặc dù cũng nghe đài, đọc báo, thấy nói do nạn hút cát, thủy điện nên sông mới thay đổi. Nhưng có lẽ con người ta phải tác động đến sông nhiều cách khác nữa, tác động ghê gớm lắm thì mới khiến con sông cả ngàn đời không thay đổi phải thay đổi nhanh đến thế…”. Tôi không biết trả lời anh thế nào. Quay sang anh, nửa đùa nửa thật: “Giờ không có gà gáy để thử cảm giác 6 huyện cùng nghe, hay nhờ anh cất lên đôi câu hò sông Mã cho 6 huyện cùng nghe vậy?”. Anh Hải cười rung theo sóng: “Cái này phải nhờ các cụ. Thế hệ chúng tôi chạy thuyền máy rồi, không còn cần “dô ta dô huầy” nữa”.