Sau Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên thiệt hại năng do mưa lũ

03/08/2015 09:47

Theo dõi trên

Mưa lũ tại Tây Bắc đã làm 3 người chết, 4 người bị thương, nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn, nhiều đoạn, tuyến đường sạt lở gây ách tắc giao thông nghiêm trọng

Theo thông tin trên báo VOV, cho đến thời điểm này, mưa lũ tại Tây Bắc đã làm 3 người chết, 4 người bị thương. Nhiều diện tích hoa màu và nhà cửa bị ngập úng, nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn, nhiều đoạn, tuyến đường sạt lở gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hiện các tỉnh trời vẫn mưa to, nước sông suối đang dâng cao, công tác phòng chống lũ quét và sạt đở đất đang được triển khai cấp bách.

Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên là một trong các địa phương chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ. Trong đó, rạng sáng ngày 2/8, mưa lớn kéo dài liên tục trong gần 5 giờ đồng hồ đã làm cho nhiều đoạn trên trục đường Võ Nguyên Giáp bị ngập úng, sâu gần 1 mét, tràn cả vào nhà dân. Do không dự đoán được tình hình, lại xảy ra trong đêm khuya nên hầu hết các hộ không chủ động được việc thu dọn đồ đạc để tránh ngập nên đã bị hư hỏng nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tại các Phường Noong Bua, Thanh Trường, 3 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở cao đã phải di dời gấp đến nơi an toàn ngay trong đêm.



 
Mưa lớn, sạt lỡ đất lam tê liệt nhiều tuyến đường.

Ông Phạm Kim, tổ dân phố 26, Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: “Chỉ trong vòng khoảng 30 phút nước đã bắt đầu tràn vào các nhà dân rồi. Khi ngập lụt thì bị ô nhiễm, nguồn nước ô nhiễm. Chúng tôi cho rằng có khả năng gây ra nhiều mầm bệnh hết sức phức tạp”.

Ngay trong khi mưa lũ xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và cứu hộ, cứu nạn thành phố Điện Biên Phủ đã đến các điểm sung yếu kiểm tra tình hình và chỉ đạo các địa phương triển khai phương án phòng chống và giúp các hộ gia đình bị ngập úng khắc phục hậu quả thiệt hại.

Về giao thông, riêng ngày hôm qua 2/8, trên các tuyến Quốc lộ 4H, 12 và Quốc lộ 6 ước tính có tới hơn 55.000m3 đất đá tràn xuống lòng đường. Tại km 121 + 570 Quốc lộ 12, 1 chiếc xe tải, biển kiểm soát 26C - 031.77 chở ngô đã bị lật xuống taluy âm. Tại tuyến quốc lộ 6, đoạn thuộc địa phận xã Pa Ham, huyện Mường Chà, mưa lũ đã làm mất phần nền đường khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Sau 1 thời gian nỗ lực khắc phục, tuyến quốc lộ 4H, quốc lộ 12 đã cơ bản thông tuyến. Riêng Quốc lộ 6 dự kiến đến chiều 3/8 mới cơ bản thông xe.

Tại tỉnh Sơn La, mưa liên tục không ngớt tại địa bàn huyện Thuận Châu, Mộc Châu, Mường La, thành phố Sơn La đã làm cho nước lũ tại các sông suối dâng cao, nhiều diện tích hoa màu ven suối đã ngập úng hoàn toàn. Đáng kể nhất là lúc 14 giờ chiều 2/8, hàng trăm m3 đất đá sạt lở gây tắc đường kéo dài tại km 258 + 700 thuộc khu vực đèo Chiềng Đông, huyện Yên Châu khiến hàng trăm phương tiện ô tô, xe máy bị ách tắc kéo dài hàng cây số, sau 5 tiếng khắc phục mới thông đường. Tuyến đường Chiềng Pấc đi xã Bó Mười, huyện Thuận Châu ngập sâu trong nước, người dân phải dùng bè để di chuyển.

Dọc theo suối Nậm La trên địa bàn thành phố Sơn La, nước lũ dâng cao, trong đêm qua, nhiều hộ dân khu vực này đã phải chuyển đồ đạc lên cao đề phòng nước lũ tràn vào.




Mưa lũ lớn lại hoành hành ở Uông Bí, Quảng Ninh.

Thông tin trên báo SGGP cũng cho biết, sáng 2-8, mưa to cũng đã quay trở lại địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiểm tra các khu dân cư và tiếp tục di dời về nơi an toàn, nếu địa phương nào để xảy ra nạn nhân thiệt mạng, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Mưa lớn từ đêm 1-8 kéo dài đến sáng 2-8 khiến khoảng 500 nhà dân ở khu vực trung tâm TP Uông Bí bị ngập sâu trong nước với mực nước từ 0,4 đến 1,5m. Lãnh đạo TP Uông Bí đã phải huy động trên 5.000 chiến sĩ lực lượng bộ đội và công an, cảnh sát cơ động cùng các lực lượng khác tổ chức cứu hộ, đồng thời cắm các biển báo và huy động 120m rào chắn cảnh báo nguy hiểm cho người dân.

Lũ trên các sông ở Bắc Bộ đang lên nhanh

Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, lũ trên các sông Thương, Cầu, Lục Nam, Kỳ Cùng và sông Thao đang tiếp tục lên nhanh. Mực nước trên sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Kỳ Cùng và sông Thao đang lên nhanh. Lúc 20h ngày 2/8, trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5,21m (xấp xỉ mức  BĐ 2), trên sông Lục Nam tại Lục Nam: 5,51m (trên BĐ 2: 0,21m); trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn là 253,81m (dưới BĐ 2: 1,2m), trên sông Thao tại Yên Bái: 30,91m (xâp xỉ mức BĐ 2); trên sông Cầu tại Đáp Cầu: 3,8m (dưới mức  BĐ 1: 0,5m).



 
Mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Dự báo lũ trên các sông Thương, Cầu, Lục Nam, Kỳ Cùng và sông Thao tiếp tục lên. Đến sáng 3/8, mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương có khả năng lên mức 5,8m (trên BĐ 2  0,5m), trên sông Lục Nam tại Lục Nam lên mức 6,1m (xấp xỉ BĐ 3: 6,3m);  trên sông Cầu tại Đáp Cầu có khả năng lên trên mức 4,5m (trên BĐ 1: 0,2m) và còn tiếp tục lên.

Sáng ngày 3/8, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên mức 31,5m (dưới BĐ 3: 0,5m), sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn lên mức 255,0m (BĐ 2).

Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Yên Bái, Lạng Sơn.


Quỳnh Trang (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Sau Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên thiệt hại năng do mưa lũ" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.