Sản xuất, buôn bán thuốc giả phải được coi là tội ác

07/10/2017 08:02

Theo dõi trên

Gần đây, các cơ quan chức năng của ngành y tế cũng như công an đã phát hiện rất nhiều những vụ sản xuất, vận chuyển, buôn bán thuốc tân dược giả. Dù đã có những chế tài xử phạt rất nặng về hành vi này nhưng dường như vấn nạn này vẫn không ngừng gia tăng cả về số vụ và số lượng thuốc giả bị bắt giữ.

Ngày 5/10, phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (PC46) Công an TP.HCM đã triệt phá thành công một vụ buôn bán thuốc tân dược giả với số lượng lớn và tiến hành bắt giữ 6 đối tượng có liên quan để phục vụ công tác điều tra. Cầm đầu đường dây này là Trần Thị Minh Hằng, Trần Hữu Đồng (chồng Hằng, cùng SN 1962, ngụ quận 11, TP.HCM) cùng 4 đối tượng có liên quan khác là Dương Hồng Sơn (quê tỉnh Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (quê tỉnh Bình Định), Trần Hữu Tâm (ngụ quận 3, TP.HCM) và Võ Văn Thao.
 
 
Đối tượng Trần Thị Minh Hằng tại cơ quan điều tra

Theo cơ quan điều tra, sự việc bị phát hiện khi tối 20/9/2017, các trinh sát PC46 đã bắt quả tang Trần Hữu Tâm chạy xe máy chở 230 hộp Vitamin C giả một nhãn hiệu lớn của nước ngoài. Tâm khai nhận thuốc từ bà Hằng để bóc tem cũ, dán nhãn mới do nước ngoài sản xuất lên rồi bán sỉ cho khách. Tâm bị phát hiện khi đang giao thuốc cho Dương Hồng Sơn. Cảnh sát khám xét nhà Tâm thu được 350 hộp thuốc giả nhãn hiệu thuốc giảm đau, kháng viêm, 253 kg bao bì giả các loại thuốc cùng số lượng lớn vật liệu để làm thuốc giả. Lần theo manh mối này, công an đã tiến hành bắt giữa vợ chồng Hằng, Đồng.

Vợ chồng Hằng, Đồng khai nhận từ năm 2010, các  đối tượng này đã đặt thiết kế các loại tem, bao bì, hộp thuốc, giấy hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc nhãn hiệu nước ngoài như Becozyme, Voltaren, Laroscorbine... Rồi mua các loại thuốc bổ, giảm đau, vitamin... tại Trung tâm dược phẩm ở quận 10. Sau đó, gỡ nhãn mác và gắn tem giả các nhãn hiệu thuốc của nước ngoài lên. Các loại thuốc giả được đem bán cho một số đại lý ở TP.HCM, Nam Định và một số tỉnh, thành khác với giá cao.

Đây là vụ việc có liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh gần nhất được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây. Tội sản xuất, buôn bán, lưu hành, sử dụng thuốc giả có những chế tài xử phạt rất nặng nhưng hàng năm vẫn có hàng trăm vụ liên quan đến vấn đề này bị bắt giữ, xử phạt…

Chúng ta có thể nói rằng ma trận thuốc giả cũng đang là vấn nạn khiến nhiều người bệnh cũng như nhiều cơ quan ban ngành hoang mang lo lắng. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 13/175 quốc gia trên thế giới về tốc độ tăng trưởng mức chi tiêu cho dược phẩm. Ngành công nghiệp dược phẩm cũng đang phát triển mạnh mẽ với trên 2.300 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Song song với đó nạn sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả cũng phát triển nhanh chóng với các hành vi ngày càng tinh vi và đang diễn biến rất phức tạp và khó kiểm soát trên nhiều tuyến, địa bàn trên phạm vi cả nước và có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Bởi, sản xuất, buôn bán thuốc giả được coi là mảnh đất “ siêu lợi nhuận” có thể thu lời hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần giá vốn bỏ ra ban đầu.

Các chuyên gia y tế đều nhận định rằng, thuốc giả cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh khi sử dụng. Đồng thời nó còn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, tinh thần của người bệnh, thân nhân người bệnh khi phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”. 
 
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội - Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM cho rằng sản xuất, kinh doanh thuốc giả là tội ác. Bà lan cho rằng: “Sản xuất, nhập khẩu thuốc kém chất lượng không đơn thuần là vi phạm hành chính mà đó thật sự là tội ác. Sức khỏe con người là quý nhất nhưng khi bệnh cần sử dụng thuốc lại uống phải thuốc kém chất lượng, như vậy còn gì là sức khỏe nữa. Thuốc giả có ảnh hưởng tới sức khỏe tùy thuộc vào việc làm giả ở cấp độ nào. Có loại giả hoàn toàn, chỉ có bột mì không thôi, có loại hàm lượng không bảo đảm. Nói chung là không đảm bảo chất lượng điều trị”. Bà lan khẳng định thêm: “Với những loại bệnh nhẹ, sẽ không khỏi bệnh, nhưng với bệnh nhân bệnh nặng sẽ rất nguy hiểm, vì như vậy là không chữa trị kịp thời. Chưa kể với kháng sinh, nếu là thuốc giả theo kiểu không đủ hàm lượng, thì giống như dùng “vũ khí” không đủ mạnh để đối phó với vi khuẩn, dẫn đến nhờn thuốc, không bảo đảm hiệu quả điều trị, có thể gây chết người”.

TS Huỳnh Hiền Trung - Trưởng khoa Dược BV Nhân dân 115 cho biết thêm: “Nếu dùng phải thuốc giả thì sự nguy hiểm rất khó lường. Người bệnh có nguy cơ biến chứng bệnh, nếu nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong vì thiếu thuốc, bởi uống thuốc giả thì có cũng như không”.

Bởi vậy, hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả cần thiết phải  có các chế tài xử phạt thật nặng mới đủ khả năng răn đe. Bởi, hành vi này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân và vấn đề an sinh xã hội không chỉ riêng một địa phương hay một quốc gia nào.

Luật Dược Việt Nam định nghĩa về thuốc giả như sau:

Thuốc giả là thuốc không có dược chất, dược liệu.

Có dược chất nhưng không đúng với dược chất ghi trên nhãn, hoặc không đúng với tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành, không đúng với thông tin trong giấy phép nhập khẩu.

Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành, không đúng với thông tin trong giấy phép nhập khẩu (ngoại trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng xảy ra trong quá trình bảo quản, lưu thông, phân phối).


Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, quốc gia sản xuất hoặc quốc gia xuất xứ.
 
Phạm Sinh

Bạn đang đọc bài viết "Sản xuất, buôn bán thuốc giả phải được coi là tội ác" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.