Thanh Chương

Sân khấu Dù kê – món ăn tình thần không thể thiếu của người khmer Nam bộ

09/02/2017 15:37

Theo dõi trên

Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, ở Sóc Trăng nói riêng, là những người yêu thích nghệ thuật. Phần lớn họ biết hát, biết múa những bài bản dân ca, dân vũ Khmer cơ bản, đơn giản, dễ nhớ, như các điệu múa Lâm thol, Saravan, Lâm lêv,… đặc biệt, họ rất thích Sân khấu Dù kê.



Tuy nhiên, hiện nay loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ bị mai một - Ảnh: Báo Tin Tức

Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer Nam Bộ – một thể loại kịch hát dân gian đã tồn tại hơn thế kỷ nay.

Tuồng tích biểu diễn của Dù Kê được rút ra từ các trường ca của Ấn Độ. Những truyền thuyết, huyền thoại dân tộc… đồng thời còn sử dụng cả những tuồng tích, điển tích các dân tộc khác của người Việt, người Hoa…

Dù có diễn tích tuồng gì thì nội dung vở diễn thường được phn chia thành hai phái rõ rệt, tiêu biểu cho hai loại người trong xã hội: “chính diện” và “phản diện”, đại diện cho hai phái “thiện” và “ác”.

Sân khấu Dù kê là tổng hòa các loại hình nghệ thuật  như: ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa và ẩm thực… mang đặc trưng riêng của người Khmer.

Trang phục trong Dù kê choáng lộng màu sắc, đặc biệt với các diễn viên nữ chỉ cần một tấm vải chừng 6 mét là có thể tạo ra cả bộ quần áo và rất nhiều kiểu trang phục khác nhau.

Cách trang phục của diễn viên Dù kê có tính ước lệ, hoàng tử đầu đội vương miện có gắn 2 lông cò, mà người Khmer gọi là lông ma. Còn vai phù thủy thì đội vương miện thấp hơn, nhưng dưới vương miện có đội một khăn tròn và được vẽ hình cánh bướm có răng nanh.
 
Diễn viên nữ cổ tay và cổ chân đều mang vòng. Những chài công nương thì mặc áo tròn màu đen và đeo nhiều hạt cườm. Chính vì vậy, chỉ cần nhìn cách hóa trang là khán giả nhận ngay nhân vật thuộc thiện hay ác.

Khi người Khmer Nam bộ biểu diễn nghệ thuật Dù Kê, sân khấu biểu diễn thường được dựng đơn sơ trên sân chùa với những trang trí mang tính ước lệ.

Sự đơn sơ nhưng gần gũi của sân khấu biểu diễn đã nối các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật với công chúng khán giả. Điều đó khiến cho người hát như gắn với người xem làm thành một khối thống nhất.

Âm nhạc phục vụ cho những vở diễn Dù Kê chủ yếu là các nhạc cụ dân tộc Khmer như đàn Trô-sô, đàn Trà Khê, đàn Khưm, đàn Pưn-pết, kèn Srolai Rôbăm v.v…..

Những nhạc cụ này khi được tấu lên sẽ hòa thành một giai điệu mang tâm hồn dân tộc. Những giai điệu ấy khi thì vui tươi, rộn ràng, khi thì sâu lắng, bi ai nên có sự thu hút đặc biệt đối với người dân Khmer.

Theo truyền thống thì những người diễn sân khấu Dù Kê dân gian đồng thời cũng là những người dân hàng ngày gắn bó với cộng đồng. Vì thế, lời hát hay vũ điệu của họ rất gần gũi với công chúng thưởng thức nghệ thuật này.

Đây có lẽ là một nhân tố làm nên sự gần gũi giữa công chúng và diễn viên biểu diễn sân khấu Dù Kê. Tính chất gần gũi giữa công chúng và diễn viên rõ ràng là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với diễn viên sân khấu Dù Kê. Nhờ đó ngọn lửa nhiệt tình vẫn sáng mãi trong tim giúp họ nỗ lực để giữ gìn giá trị văn hóa thiêng liêng của cộng đồng dân tộc.

Và cứ thế, hằng năm, vào mỗi dịp diễn ra các lễ hội của người Khmer lại thấy xuất hiện loại hình nghệ thuật này như một món ăn tinh thần không thể thiếu.


Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Sân khấu Dù kê – món ăn tình thần không thể thiếu của người khmer Nam bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.