Sân khấu dân tộc là hồn cốt của dân tộc Việt

19/01/2016 09:55

Theo dõi trên

Đạo diễn Cải lương Quỳnh Mai vừa được phong tặng danh hiệu NSND, hiện bà đang làm Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam. Với sự nỗ lực bền bỉ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương, việc được phong tặng danh hiệu chính là cột mốc đánh dấu cho sự nghiệp của bà.


Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NSND Hoàng Quỳnh Mai về nghề, cũng như những thăng trầm bà đã trải qua để đi tới thành công.

+ Được biết hôm 10/01 đã có 479 nghệ sĩ đã được trao danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ VIII. Là một trong những nghệ sĩ có tên trong danh sách đó, bà có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận danh hiệu này?
 
- Cũng như những nghệ sĩ khác khi được vinh danh đợt này, tôi cảm thấy trào dâng lên một hạnh phúc lớn không thể diễn tả được thành lời, bởi cuộc đời người nghệ sĩ sau những thăng trầm, trăn trở và cống hiến với nghề thì đã được ghi nhận đó là điều hạnh phúc vô cùng lớn.
 
Đối với tôi, là một nghệ sĩ trẻ được phong tặng danh hiệu cảm xúc còn được nhân rất nhiều bởi không dễ gì đạt được danh hiệu cao quý NSND. Hơn nữa, đây còn là sự động viên và may mắn trong sự nghiệp của tôi. Để có được thành công như ngày hôm nay cũng là nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các bậc thầy trong nghề, các đồng nghiệp cũng như khán giả.
 
Bước vào con đường khó khăn và khắc nghiệt là làm nghề đạo diễn, đặc biệt lại là đạo diễn nữ, tôi đã phải dành hết tâm huyết cho công việc, cống hiến hết mình cho nghề, cho khán giả và sân khấu nhưng chưa thực sự bao giờ nghĩ mình sẽ được nhận danh hiệu cao quý này. Nhưng là người trẻ được vinh danh thì cũng là một sự áp lực, bởi sau khi đón nhận danh hiệu thì mình lại phải cố gắng để gìn giữ danh hiệu đó, đây mới là điều quan trọng nhất và tôi sẽ cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với những gì mình được đón nhận.
 
+ Danh hiệu NSND, NSƯT là ghi nhận của Nhà nước đối với nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật nước nhà. Để có được điều đó, bất kì nghệ sĩ nào cũng phải nỗ lực cố gắng. Vậy việc đón nhận danh hiệu sẽ giúp gì cho bà trên con đường nghệ thuật sắp tới?
 
- Được phong tặng danh hiệu là điều mong đợi nhất của mọi nghệ sĩ, danh hiệu chính là ghi nhận của Nhà nước, đánh dấu sự nghiệp, danh hiệu còn là sự thiêng liêng và cao quý đối với những nghệ sĩ làm nghề. Tôi nghĩ, bất kể một nghệ sĩ nào cũng mong muốn được vinh danh nhưng để có được danh hiệu đó thì người nghệ sĩ còn cần phải có tài năng, sự cống hiến cũng như sức lan toả và một quá trình rèn luyện lâu dài.
 
Đối với tôi, danh hiệu là sự ghi nhận, niềm hạnh phúc nhưng không có nghĩa sau khi có danh hiệu mình sẽ dừng lại. Đây chính là động lực thúc đẩy, là mốc nhìn lại trên mỗi chặng đường cống hiến cho nghề, cũng từ đó mình sẽ lựa chọn một hướng đi làm thế nào đạt được mục đích lớn hơn. Cuộc đời người nghệ sĩ phải cống hiến, sáng tạo đến hơi thở cuối cùng. Người nghệ sĩ phải có tầm nhìn sâu rộng, vươn xa để không phụ niềm tin, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và đối với những người đi trước. Đặc biệt, mình thuộc thế hệ trẻ thì mình càng phải suy nghĩ để làm sao cho xứng đáng là thế hệ kế cận, và là chặng đường tiếp lửa cho nghệ sĩ trẻ trong tương lai.
 
+ Có được thành công, nghệ sĩ nào cũng phải trải qua quãng đường gian khó. Bà có thể chia sẻ những khó khăn bà gặp phải và bản thân đã vượt qua như thế nào?
 
- Là một nghệ sĩ trẻ may mắn được làm nghề mình yêu thích và giữ cương vị người quản lý, tôi có nhiều cơ hội được cọ sát với nghề thế nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại. Trước mỗi khó khăn như thế tôi lại nghĩ mình cần phải bản lĩnh hơn và suy nghĩ cứ đi rồi sẽ đến đích.
 
Nhiều lúc nhìn lại tôi đã ngạc nhiên với chính mình, với sức vóc bé nhỏ, lại làm nghề không mấy phù hợp với phái nữ là đạo diễn, đó là một nghề vô cùng khó và đòi hỏi sức khoẻ, tư duy sáng tạo... mà người phụ nữ phải vượt lên chính bản thân mình để làm nghề. Khi tôi lựa chọn theo nghề đạo diễn, hầu hết bạn bè, gia đình và đồng nghiệp không tin tôi có thể đứng vững được với nghề, chính vì vậy tôi càng quyết tâm theo học và tự bảo mình phải hết lòng với sân khấu.
 
Những bước đi đầu tiên chập chững đến với nghề, tôi may mắn được theo học các cây cổ thụ của sân khấu Việt Nam như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng…
 
Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, tôi đã phải giá nhiều như nhan sắc, sức khoẻ… Nhìn lại thì chặng đường mình đã qua không hề dễ dàng chút nào, thế nhưng tôi có đam mê với công việc, có tài năng và đã luôn không ngừng rèn luyện phấn đấu, cộng với tâm niệm mình được “tổ nghiệp đãi”, được ban lãnh đạo cơ quan quan tâm tạo điều kiện nên tôi đã cố gắng vượt qua những khó khăn. Tôi luôn nghiêm khắc với chính bản thân, nỗ lực học tập một cách nghiêm túc. Hiện tại, tôi đang học tiếp làm nghiên cứu sinh chính nghề mình đang làm, học để lấy kiến thức và để thấy mình còn thiếu sót gì để bổ sung.
 
Có nhiều lúc mệt mỏi, muốn buông xuôi, nhất là khi sân khấu truyền thống gặp khó khăn và thoái trào, đặc biệt là đối với sân khấu cải lương, thế nhưng với sự yêu nghề và được đồng nghiệp động viên, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua khó khăn. Mỗi vở diễn dựng lên đều là thành quả của cả một tập thể, có được thành công là động lực cho những người làm nghề như chúng tôi bước tiếp. Trong mỗi thành công đó còn có phần đóng góp đáng kể của các khán giả, sân khấu không có khán giả thì không gọi là sân khấu và khán giả còn kỳ vọng, yêu mến thì người nghệ sĩ sẽ phải có trách nhiệm và cống hiến hết mình.
 
+ Hiện nay, sân khấu cải lương đang vắng bóng khán giả và giới trẻ không mấy mặn mà. Bà có suy nghĩ sao về thực trạng này?
 
- Tôi luôn trăn trở, bản thân mình và nhiều nghệ sĩ luôn lao động để sáng tạo, nỗ lực hết mình giữ lấy nghiệp tổ, nhưng không khỏi chạnh lòng khi thấy khán giả không mấy mặn mà với sân khấu cải lương, nhất là khán giả trẻ bởi ngoài khán giả trung niên yêu thích sân khấu dân tộc thì thế hệ khán giả tiếp nối phải quan tâm thì sân khấu mới có thể tiếp tục tồn tại. Thế hệ khán giả trẻ chính là tương lai của sân khấu, vì thế phải tìm hướng cho họ tiếp cận và đón nhận sân khấu truyền thống. Đó là trọng trách của người nghệ sĩ trong giai đoạn này.
 
Bên cạnh đó, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có sự quan tâm đến sân khấu dân tộc nhiều hơn. Cần có các chính sách đầu tư cho người nghệ sĩ làm nghề, đào tạo và giữ gìn nghề. Tiếp đó là việc đưa các loại hình sân khấu nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, múa rối, là hồn cốt tạo nên văn hóa Việt đến với công chúng. Tôi được biết đã có đề án đưa sân khấu dân tộc vào học đường, để từ bậc tiểu học các em đã được tiếp cận với các bộ môn nghệ thuật dân tộc này, đó là hướng đi đúng đắn để tạo sự bền vững khi giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống.   
 
+ Trên cương vị là người lãnh đạo, đồng thời là một nghệ sĩ tâm huyết với cải lương, bà có thể cho biết dự định của mình thời gian tới?
 
- Trong năm 2016, tôi vẫn đi dựng vở về sân khấu cải lương. Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn sẽ làm được các loại hình sân khấu khác như tuồng, chèo. Tôi cũng đã dựng được vở ở lĩnh vực dân ca. Đối với một người trẻ thì những loại hình nghệ thuật khác sẽ là sân chơi, thử sức để mình học tập và với vai trò mới, thể loại mới thì hy vọng mình sẽ trưởng thành hơn.
 
Bên cạnh đó, trên cương vị Phó Giám đốc của Nhà hát, mỗi năm tôi cùng đồng nghiệp sẽ đóng góp và sáng tạo một tác phẩm, mang đến cho công chúng những vở diễn hay theo đúng phong cách của nhà hát Trung ương. Dù có sóng gió khó khăn thế nào đi nữa thì Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn luôn đứng vững.
 
+ Bà có điều gì muốn gửi gắm các bạn trẻ quan tâm và theo con đường cải lương chuyên nghiệp?
 
- Nếu các bạn trẻ yêu thích nghề và muốn đến với cải lương thì hãy dành cho sân khấu cải lương một tình yêu lớn, sự quan tâm cũng như hiểu biết nhiều hơn. Bộ môn sân khấu cải lương cũng là một trong những niềm tự hào của văn hoá Việt, vì thế tôi tin các bạn sẽ không bao giờ quay lưng lại với nó. Các bạn hãy quan tâm sâu sắc đến sân khấu nói chung và sân khấu kịch hát dân tộc truyền thống, trong đó có sân khấu cải lương. Đó là di sản quý giá của ông cha để lại. Và các bạn chính là điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của sân khấu dân tộc sau này.
 
+ Xin chân thành cảm ơn NSND Hoàng Quỳnh Mai!
 
Ngọc Hà Lê (toquoc.vn)

Bạn đang đọc bài viết "Sân khấu dân tộc là hồn cốt của dân tộc Việt" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.