Trong đời sống, bà con nông thôn dùng thân cây dừa để cất nhà ở, họ lựa những cây dừa già có tuổi đời từ 40 năm tuổi trở lên để lấy thân xẻ gỗ làm cột, kèo, xiên, đòn tay, đố, vách để làm nhà và lợp mái bằng lá dừa nước, rất mát. Cây dừa Bến Tre trước năm 1975, diện tích vườn dừa có trên 20.000ha. Do chiến tranh tàn phá, đến ngày sau giải phóng, cây dừa Bến Tre chỉ còn lại 16.000ha; khi khôi phục lại kinh tế sau chiến tranh, cây dừa vẫn bám chặt với người dân nơi đây. Đến năm 2005 sau 30 năm, diện tích vườn dừa tăng hơn gấp đôi và đạt 37.595 ha. Đến năm 2012, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 53.000 ha dừa và hiện nay diện tích vườn dừa khoảng 67.000 ha, chiếm hơn 1/3 diện tích vườn dừa trên cả nước, được mệnh danh là quê hương Xứ Dừa.
Có được danh hiệu đó bởi Bến Tre sở hữu khoảng 30 giống dừa, trong đó có nhiều nhóm; nhóm dừa lùn như: dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, dừa xiêm lục, dừa xiêm lửa, dừa xiêm núm, dừa tam quan, dừa ẻo nâu, dừa ẻo xanh, dừa dứa,...; nhóm dừa cao có: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa sáp, dừa Mã Lai,...; nhóm dừa lai như: dừa lai PB121, dừa lai JVA1, dừa lai JVA2,...
Trong cuộc sống hằng ngày của người dân quê hương Bến Tre ẩm thực không thể thiếu chất dừa, nó đã gắn bó và in sâu vào tâm, huyết người dân nơi đây; bởi nước dừa nạo là loại nước tinh khiết, ngọt, mát, dùng để uống mà hiện nay khách du lịch đến Bến Tre không thưởng thức nước dừa xiêm là điều thiếu sót; đặc biệt ngày nay có thêm loại dừa xiêm dứa nước uống thơm mùi lá dứa. Nước dừa già (người dân Bến Tre gọi dừa khô) còn làm ra thạch dừa để sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo khác để xuất khẩu, nước dừa già cũng dùng nấu xắc lại (thắn nước màu) làm nước màu dừa dùng để cho các bà nội trợ kho thịt, cá có một màu tươi đỏ, đẹp mắt. Sữa dừa là nước cốt lấy từ cơm của trái dừa khô để chế biết ra trên 200 loại thức ăn, thức uống mà thông dụng nổi tiếng du khách thường dùng như: thịt kho nước dừa, lươn um dừa, gà ca ri nước cốt dừa, tép đất rang dừa, cơm trong trái dừa, rau câu dừa, gỏi tủ hủ dừa, kẹo dừa, mứt dừa, bánh tráng, bánh phồng và nhiều loại bánh dân gian khác tại Bến Tre đều có nước cốt dừa...
Cây dừa ngày xưa là cây nông nghiệp, ngày nay không những là cây công nghiệp cho ra lượng dầu thô rất lớn để cung ứng khắp các nước mà các nhà đầu tư đã cho ra đời nhiều sản phẩm từ dừa như: nước dừa tươi đóng lon, nước cốt dừa đóng lon (bột sữa dừa), dầu dừa tinh luyện và dầu dừa nguyên chất, mặt nạ dừa dùng làm đẹp cho phụ nữ, than hoạt tính, than thiêu kết... đã được các khách hàng khó tính từ Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đón nhận.
Ngoài ra, hàng trang mỹ nghệ đã sử dụng gỗ thân dừa, gáo dừa, cọng bông dừa, kể cả dừa điếc không bán được, tất cả sử dụng để ra đời hàng trăm sản phẩm lưu niệm để làm quà cho khách du lịch khi đến Bến Tre. Cọng lá dừa các làng nghề làm chổi và làng nghề đan giỏ cọng dừa sử dụng làm ra sản phẩm cung ứng cho thị trường. Vỏ trái dừa đập ra lấy sợi chỉ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu làm từ chỉ xơ dừa như thảm, vỏ đựng đồ, dây thừng,..; mụn dừa thì làm đất sạch xuất khẩu ra nước ngoài và làm phân trồng cây cho các nhà vườn trong nước....
Du lịch Bến Tre đang khai thác lợi thế này để phát triển du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long bởi tất cả các tỉnh, thành đều có điểm chung là miền sông nước; tuy nhiên du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Xứ Dừa vẫn là nét đặc thù riêng vốn có của Bến Tre mà ông cha đã gìn giữ, lưu truyền để ngày nay nét văn hóa này trở thành cơ hội cho du lịch Bến Tre phát triển bền vững.
(Theo baodulich.net.vn)