Quỳnh Lập: “Thay da đổi thịt” sau chương trình xây dựng nông thôn mới

21/12/2015 09:03

Theo dõi trên

Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) là xã miền biển, địa hình phân chia hai khu vực. Khu vực Minh - Thanh cách xa trung tâm, được quy hoạch khu công nghiệp Đông Hội thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, do vậy việc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện địa phương đã nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình từ Ban chỉ đạo tỉnh, thị xã, các phòng ban chuyên môn, sự đồng thuận từ phía nhân dân, hiện nay đã đạt được những kết quả nhất định.

“Lấy dân làm gốc”

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Vân - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết: “Kế thừa và phát huy nhiều bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình mục tiêu, các phong trào quần chúng trước đây để vận dụng sáng tạo vào xây dựng nông thôn mới. Trong đó có bài học xuyên suốt “lấy dân làm gốc” phải được quan tâm hàng đầu, các công trình xây dựng, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần nguồn vốn huy động sức dân, phải để dân được biết, bàn và kiểm tra”.



Trụ sở UBND xã

Để huy động tốt nội lực Đảng bộ xã Quỳnh Lập đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tác động vào nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau: Trực tiếp qua các hội nghị Đảng bộ, hội nghị các tổ chức đoàn thể, hội nghị nhân dân ở 13 thôn, qua đài truyền thanh xã. Tuyên truyền trực quan tại cụm cổ động "Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới". Tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới vào ngày 30/8/2011 tại nhà Văn hoá xã Quỳnh Lập, cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới tại xã và tham gia thi cụm. Xã đã tổ chức hội thi tuyên truyền toàn dân chung tay xây dựng NTM vào năm 2012 có 13/13 thôn tham gia.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền xã thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đặc biệt khuyến khích phát triển kinh tế biển, phát huy thế mạnh của địa phương. Từng bước chuyển các loại tàu thuyền máy nhỏ, nâng dần số tàu to có thiết kế vỏ, công suất máy lớn bảo đảm vươn khơi, khai thác có hiệu quả, khẳng định chủ quyền Biển đảo. Năm 2013 phát triển 29 tàu (trong đó có 13 tàu đóng mới). Năm 2014 phát triển 17 tàu (trong đó đóng mới 16 tàu, 1 tàu dự án Hà Tĩnh, 01 tàu dự án Quảng Ngãi). Tổng số tàu có công suất trên 90CV tại địa phương là 146 chiếc, bảo đảm cho 2.190 lao động có việc làm thường xuyên. Từ năm 2011 đến 2015 tổ chức được 13 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng thuyền viên cho 1921 ngư dân, đặc biệt năm 2011, năm 2013 tổ chức 4 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng IV cho 175 ngư dân, bảo đảm tàu công suất trên 400CV được đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản. Tập huấn mô hình máy dò ngang, mô hình hầm bảo quản, mô hình chuyển đổi nghề từ lộng ra khơi cho 350 lượt ngư dân. Bình quân thu nhập đầu người năm 2015 đạt 25.000.000 đồng, tăng 11.700.000 đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh năm 2015 giảm còn 3,36% (2010 là 8,51%).

Kinh tế ổn định, nguồn thu nhập tăng lên nên khi thực hiện xây dựng nông thôn mới nhân dân đã hiến đất và tài sản ngày công lao động để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, đóng góp nguồn vốn thu gom xứ lý rác thải, chất thải, mỗi hộ đóng góp phí 20.000 đồng/tháng...

Đã “thay da đổi thịt” về mọi mặt

Trong 5 năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, nhất là cơ sở hạ tầng trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang và đầy đủ các phòng học chức năng đảm bảo cơ sở vật chất, đồ dùng cho việc dạy và học, bên cạnh đó chất lượng dạy và học được nâng lên, y tế, văn hóa môi trường đã đạt chuẩn, chất lượng khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được bảo đảm tốt, văn hóa - xã hội và môi trường ban đầu đạt được khá toàn diện, nhất là công tác thu gom xứ lý chất thải vệ sinh môi trường ngày càng được quan tâm chú trọng, sức khỏe nhân dân được tốt hơn.



Trạm y tế khang trang, sạch sẽ

Đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, trong 5 năm qua giáo dục xã nhà tiếp tục phát triển, tỷ lệ huy động trẻ vào học đạt trên 99%, chất lượng phổ cập trung học cơ sở đạt cao; Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên trung học phổ thông, bổ túc và đào tạo nghề đạt 85%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên đạt 27%. Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (Theo tiêu chí mới) giai đoạn 2 vào năm 2015. Nhà làm việc của trạm y tế được xây mới 2 tầng, đảm bảo tiêu chuẩn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng mạnh đạt 55,5% tăng gần 15% so với khảo sát ban đầu. Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng, đạt 87% năm 2015. 10/13 thôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa giai đoạn 2011 - 2013.

Người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường bằng nhiều hành động thiết thực. Tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ đạt tiêu chí về môi trường. Rừng phòng hộ được trồng bổ sung, cây xanh các công sở, nơi công cộng được quan tâm trồng và chăm sóc đảm bảo. Nghĩa trang được quy hoạch và xây dựng khang trang. Chất thải, rác thải được thu gom, xử lý, rác thải rắn được chuyển về bãi rác, vệ sinh môi trường ngày càng được đảm bảo, chất lượng hơn.

Những con đường đất, lầy lội nay đã được cứng hóa, bê tông hóa, rộng rãi, sạch  sẽ. Giao thông, đi lại trở nên dễ dàng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế...


PV

Bạn đang đọc bài viết "Quỳnh Lập: “Thay da đổi thịt” sau chương trình xây dựng nông thôn mới" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.