Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống

15/11/2022 16:21

Theo dõi trên

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6 và 16). Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân là làm tốt bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

131122-vhtt-1-1668474891370999559963-1668504016.jpg
Lớp dạy hát then - đàn tính tại Nhà Văn hóa huyện Bình Liêu.

Góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa

Sau gần 12 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của các địa phương trong tỉnh đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn ngày càng nâng cao. Kết quả đó có được xuất phát từ quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhiều giải pháp nhằm triển khai hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đồng thời gắn chặt với công tác gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống địa phương.

Cuối tháng 10 vừa qua, tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên tổ chức Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng miền Soóng cọ năm 2022 và khánh thành công trình Nhà Văn hóa xã Đại Dực gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ, huyện Tiên Yên. Nhà văn hóa mới nằm trên khuôn viên 1,1ha, đáp ứng tốt nhu cầu tổ chức lễ hội, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao cộng đồng.

Ông Nịnh Xuân Cường, thôn Khe Lặc, xã Đại Dực phấn khởi chia sẻ: Công trình được xây dựng và hoàn thành trong niềm mong chờ, vui mừng hân hoan của người dân trong xã. Cùng với công trình phục vụ kinh tế xã hội thì các công trình văn hóa phục vụ cho sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa đặc sắc rất quan trọng. Bởi đây là nơi để bà con nhân dân hội họp, sinh hoạt, truyền dạy văn hóa. Hơn thế nữa, công trình còn là điểm nhấn cho bộ mặt nông thôn mới của xã, là động lực để xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, để người dân tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cùng với công trình Nhà Văn hóa xã Đại Dực, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng. Các địa phương đã chủ động xã hội hóa các nguồn lực, cân đối, bố trí từ nguồn xây dựng NTM để thực hiện các công trình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, tạo điều kiện, môi trường để nhân dân phát huy trách nhiệm gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống.

Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu Vi Ngọc Nhất, cho biết: Cụ thể hóa các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Liêu đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục lạc hậu. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi gắn với các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa. Qua đó, vừa tạo môi trường cho nhân dân sinh hoạt văn hóa vừa tạo dấu ấn đặc sắc thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Từ đây, tạo nguồn thu nhập cho nhân dân đồng thời tạo thêm nguồn lực để tiếp tục đầu tư trở lại cho xây dựng nông thôn mới.

131122-vhtt-2-1668474940139161977793-1668504061.jpg
Các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được duy trì tổ chức hằng năm đảm bảo văn minh, trang trọng mang đậm bản sắc văn hóa. Trong ảnh: Phần thi giã bánh dày tại Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng Soóng cọ năm 2022. Ảnh: Trần Hoàn (Trung tâm TT-VH Tiên Yên)

Nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM

Thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh đều quan tâm, tăng cường nguồn lực củng cố và phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hóa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Theo đó, các địa phương chủ động bố trí nguồn lực lồng ghép vào các chương trình, đề án như: Đề án 196, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới... và huy động các nguồn lực xã hội hóa, vận động nhân dân địa phương thông qua việc hiến đất tạo mặt bằng, góp ngày công, kinh phí để sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa...

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa, nâng cấp gần 600 nhà văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, thôn, khu. Phần lớn nhà văn hóa các thôn được xây dựng theo cấu trúc đa năng có diện tích từ 60m đến 200m2; được trang bị những trang thiết bị thiết yếu như phông, màn, bục, tủ sách, báo, loa truyền thanh, bàn ghế, loa máy... Cùng với đó, tỉnh và các địa phương cũng chú trọng đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, cấp xã... Từ đây, hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp huyện, xã đến thôn khu được quản lý và vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân, tạo điều kiện để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.

Việc quan tâm thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới không chỉ nâng cao mức hưởng thụ về đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho văn hóa, các địa phương cũng tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua phong trào đã thúc đẩy nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi rộng khắp... Đến nay, toàn tỉnh có 95% số hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 95% khu dân cư đạt danh hiệu "Thôn, khu phố văn hóa".

Để góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, Sở Văn hóa - Thể thao đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố định kỳ hằng năm tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa thể thao cho các đối tượng là cán bộ phòng văn hóa, cán bộ văn hóa xã, phường, ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn, khu. Đồng thời, tăng cường đi kiểm tra, hướng dẫn tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh, xây dựng các mô hình điểm...

Sở Văn hóa - Thể thao cũng trình UBND tỉnh thẩm định cho ý kiến dự thảo một số đề án như: Đề án xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh; Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030; Đề án tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án hỗ trợ đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, tiếp tục tạo cơ sở, động lực thực hiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.

Theo quangninh.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.