Quảng Nam: Góp ý về phân cấp quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị di tích

05/06/2015 10:38

Theo dõi trên

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với Sở VHTTDL, UBND các huyện, thị xã, thành phố để nghe báo cáo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh và lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và danh thắng Quảng Nam.


 
Phố cổ Hội An. Ảnh: internet

Theo báo cáo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hiện nay, trên địa bàn Quảng Nam có 03 di tích quốc gia đặc biệt, 60 di tích quốc gia, 300 di tích cấp tỉnh được phân bổ ở 17 huyện, thành phố. Thực hiện Đề án tu bổ di tích cấp tỉnh trên địa bàn Quảng Nam, từ năm 2011 đến 2015,  tỉnh đã đầu tư dựng bia và tu bổ 85 di tích các loại với tổng kinh phí thực hiện 36,5 tỉ đồng từ các nguồn hỗ trợ của tỉnh, ngân sách huyện đối ứng và xã hội hóa.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý di tích, thời gian tới tỉnh sẽ có sự phân cấp, phân công và những cơ chế rõ ràng; chọn những di tích cần đầu tư tu bổ và di tích nào chỉ lập bia, cắm mốc bảo vệ. Song song với đó tiến hành rà soát, quy hoạch tổng thể các di tích trên địa bàn tỉnh để làm thủ tục công nhận giá trị từng di tích, hạn chế di tích bị xâm hại.

Theo dự thảo Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đối với di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc tu bổ, phục dựng các yếu tố gốc của di tích, UBND các huyện, thành phố thực hiện việc tu bổ, phục dựng những công trình hỗ trợ và xây dựng, sửa chữa phần hạ tầng liên quan đến di tích. Trong trường hợp các huyện, thành phố có cơ quan chuyên môn đủ năng lực và có tư cách pháp nhân về tu bổ di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo xin chủ trương UBND tỉnh cho phép ủy quyền UBND huyện, thành phố thực hiện công tác tu bổ các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Đối với di tích cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố thực hiện việc tu bổ, phục dựng các yếu tố gốc và những công trình hỗ trợ để phát huy giá trị di tích; UBND xã, phường, thị trấn thực hiện việc sửa chữa, xây dựng phần hạ tầng liên quan đến di tích. Riêng với hai di sản Hội An và Mỹ Sơn vẫn giữ nguyên mô hình quản lý như trước đây.

Việc đánh giá thực trạng và triển khai xây dựng quy chế mới về quản lý, bảo tồn di tích sẽ góp phần gìn giữ, ngăn tình trạng xuống cấp, bảo vệ bền vững những di tích hiện có và phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn.

Theo Cinet.vn

Bạn đang đọc bài viết "Quảng Nam: Góp ý về phân cấp quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị di tích " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.