Quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Quảng Nam: Sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp

27/03/2015 10:15

Theo dõi trên

Mặc dù tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực để trở thành “điểm sáng” trong công tác quản lý tổng hợp đới bờ (THĐB), tuy nhiên, việc khai thác lẫn cách bảo vệ, quản lý vùng đới bờ, vùng biển chưa hợp lý, chưa có tính liên thông giữa các ngành đã hạn chế việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường biển đảo, hướng đến phát triển bền vững của địa phương.

Tín hiệu tích cực

Sở hữu hơn 125km đường bờ biển, Quảng Nam có đa dạng các nguồn tài nguyên biển đảo để phát triển nhiều ngành kinh tế quan trọng như khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch biển, giao thông vận tải biển… Chính vì tiềm năng đa ngành nên nhiều ngành kinh tế cùng khai thác, sử dụng trên một không gian bờ và biển đảo, việc quản lý tài nguyên theo mỗi ngành riêng rẽ dẫn đến xung đột về lợi ích giữa các ngành. Hậu quả là ô nhiễm môi trường biển, xói lở bờ, suy giảm tài nguyên biển… đã cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để hạn chế các tác hại, từ năm 2008 đến nay, Quảng Nam đã triển khai chiến lược quản lý THĐB trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong 4 tỉnh, thành có kế hoạch hành động quản lý THĐB sớm nhất cả nước. Hưởng lợi từ các chương trình, dự án hợp tác như Dự án song song về quản lý THĐB tại Quảng Nam (trong khuôn khổ PEMSEA); dự án quản lý THĐB thử nghiệm tại Quảng Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường… tỉnh Quảng Nam đã thực hiện 3 dự án là “Phục hồi và quản lý hệ sinh thái cỏ biển” ở xã Tam Giang (Núi Thành), “Phục hồi và quản lý hệ sinh thái rạn san hô” ở khu vực cửa biển An Hòa (Núi Thành) và “Đồng quản lý chất thải từ hoạt động du lịch và phát triển du lịch cộng đồng” tại xã Điện Dương (Điện Bàn). Sau khi triển khai, đã bước đầu hệ thống hóa các tư liệu để phục vụ lâu dài cho công tác quản lý THĐB, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp và tạo điều kiện thuận lợi để các cộng đồng dân cư ven biển chung tay tham gia quản lý THĐB.



Mô hình quản lý THĐB triển khai tại đảo Cù Lao Chàm cũng mang lại những hiệu quả tích cực

Đặc biệt, mô hình quản lý THĐB triển khai tại đảo Cù Lao Chàm cũng mang lại những hiệu quả tích cực. Đến nay, dân trên vùng đảo từ chỗ không biết nguyên nhân nào đã làm nguồn lợi suy giảm, ảnh hưởng thu nhập của cá nhân và kinh tế trên đảo, dần dần họ đã tiếp cận các khái niệm về bảo tồn biển. Họ đã hiểu được việc khai thác, đánh bắt tự do, bừa bãi; hủy hoại san hô là hủy hoại nơi trú ẩn của các loài sinh vật biển và cũng là nguyên nhân gây suy giảm nguồn lợi dẫn đến những khó khăn cho cuộc sống cộng đồng. Mô hình quản lý THĐB ở Cù Lao Chàm thành công nhờ xây dựng được cơ chế phối hợp, huy động các bên tham gia, đặc biệt vai trò trung tâm của cộng đồng được khẳng định.

Toàn tỉnh cũng đã trồng được gần 10ha rừng ngập mặn tại các khu vực ven biển, giảm thiểu các tác động xấu của biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ biển. Dự án nạo vét luồng cảng Kỳ Hà đã nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ hàng hải, cảng, hậu cần cảng và các dự án đầu tư khác trong Khu kinh tế mở Chu Lai, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Dự án sắp xếp dân cư phòng tránh thiên tai ven biển cũng sẽ di dời, sắp xếp lại hơn 10 nghìn hộ dân thuộc 15 xã, phường của 5 huyện, thành phố vùng ven biển của tỉnh. Cơ sở hạ tầng các khu định cư tập trung được xây dựng qua dự án sẽ có mức độ an toàn cao hơn, mở rộng và phát triển không gian đô thị, hiện đại hóa nông thôn ven biển của tỉnh...

Triển khai đồng bộ các giải pháp trong sử dụng tài nguyên

Tuy nhiên, đây mới chỉ là các mô hình nhỏ, sức lan tỏa chưa rộng nên hơn 125km chiều dài bờ biển Quảng Nam vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực. Theo Chi cục Biển và hải đảo Quảng Nam, khó khăn mà tỉnh gặp phải là sự nhận thức chưa toàn diện về các giá trị kinh tế - xã hội của vùng ven biển. Điều này dẫn đến sự thiếu chặt chẽ trong phối hợp hành động của các ngành, các cấp lẫn cộng đồng dân cư. Cùng với đó là thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về quy hoạch và quản lý sử dụng bền vững vùng ven biển. Các văn bản hướng dẫn thực hiện từ trung ương chưa đầy đủ. Hệ thống thông tin và dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển chưa được tổng hợp đầy đủ.

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên biển đảo, tập trung phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, địa phương nhằm tiến tới chấm dứt việc khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát, thiếu quy hoạch. Tính toán đến việc phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nguồn giống hải sản tự nhiên... kiên quyết giảm số lượng tàu thuyền có công suất nhỏ, đầu tư nâng cấp xây dựng tàu thuyền có công suất lớn... Đồng thời hoàn thiện văn bản hướng dẫn người dân khai thác và bảo vệ tài nguyên vùng bờ; hoàn thiện bộ máy và cán bộ quản lý tài nguyên vùng bờ và nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên vùng bờ….

Theo Tài Nguyên & Môi trường

Bạn đang đọc bài viết "Quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Quảng Nam: Sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.