Anh Thạch cho biết ban đầu các bạn đã góp kinh phí cùng với sự hỗ trợ của một vài Mạnh Thường Quân để thực hiện mỗi tháng 4 lần vào những ngày đầu và cuối tháng. Mỗi đợt các bạn nấu khoảng 200 suất cơm chay có đầy đủ từ 2-3 món chính, cơm và canh có giá trị thực từ 12.000-15.000 đồng và bán với mức đồng giá 2.000 đồng/suất. Khách hàng quen thuộc của quán cơm này là những người tàn tật, người nghèo, những người bán hàng rong, buôn ve chai, bán vé số, chạy xe ôm… Nhiều người dân ở Hội An ban đầu tò mò ghé quán xem thử, sau đó trở thành Mạnh Thường Quân, thường xuyên hỗ trợ cho nhóm. Có người thì tới mua cơm 2.000 đồng ăn thử, sau đó tự nguyện bỏ thùng đóng góp đến vài trăm ngàn cho bữa cơm tiếp theo.
“Bếp trưởng” của quán cơm chay 2.000 đồng là Nguyễn Trường Tín - vốn là nhân viên nhà hàng của một khách sạn lớn. Tín cho biết hơn 10 bạn tình nguyện viên cùng xúm lại để đi chợ, nấu ăn, dọn hàng quán,… May mắn là khi biết được ý tưởng của nhóm, nhiều hàng bán nguyên liệu ở chợ đã cung cấp cho các bạn với giá rẻ, hoặc cho thêm để bữa cơm thêm phong phú.
Có thời điểm, mặt bằng quán tại đường Lý Thường Kiệt bị lấy lại, các bạn phải tập trung về nhà người quen nấu rồi tỏa đi khắp phố phường để thông báo cho những người có nhu cầu tìm đến. Chính cái tình ấm áp, thái độ trân trọng của các bạn trẻ khiến những người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến quán cơm thấy ấm lòng, không mặc cảm.

Anh Thạch tâm sự: Khi quán cơm dần ổn định, nhiều Mạnh Thường Quân đã tìm đến hỗ trợ và đề nghị giấu tên, họ tin tưởng giao tiền với yêu cầu là phải có được những suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Mỗi suất cơm 2.000 đồng giúp người mua có thể tiết kiệm thêm được một khoản tiền nho nhỏ vào mỗi tháng. Số tiền ấy, có thể không nhiều, nhưng là sự sẻ chia thực sự, là sự đồng cảm để giảm bớt gánh nặng mưu sinh cơm áo cho những người dân lao động nghèo. Nhiều bạn sinh viên ra trường, đi làm có tiền cũng tiếp tục tham gia cùng nhóm. Nếu không có thời gian tham gia nấu ăn thì các bạn ủng hộ bằng cách góp tiền mặt để duy trì quán.
“Từ khi tham gia quán cơm này, em đã được chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, học thêm nhiều điều mà trước đây em không hình dung được. Mỗi khi quán hoạt động, tụi em tập hợp từ lúc sáng sớm, cùng đi chợ, nấu ăn, tận tay trao suất cơm cho các cô chú lớn tuổi mà vẫn còn vất vả mưu sinh, tụi em nhận ra rằng, hạnh phúc chính là cùng biết sẻ chia”, bạn Như Quỳnh (sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) chia sẻ.
(Theo Báo Văn Hóa)