Phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương

07/04/2015 08:10

Theo dõi trên

Là một trong những nội dung chính trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong những năm qua, phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đạt được những chuyển biến tích cực, góp phần to lớn trong việc đẩy mạnh sự phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống trong nhân dân trên toàn tỉnh.


 
Phong trào TDĐKXDĐSVH đã mang tới những đóng góp tích cực trong việc phát triển toàn diện KT-VH-XH trên địa bàn tỉnh Hải Dương (Nguồn: internet)

Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo và chính quyền địa phương, cùng sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân, phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa của tỉnh Hải Dương đã và đang được phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh và trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thường xuyên chỉ đạo việc tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức sâu rộng về nội dung, tầm quan trọng của phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa tới toàn thể nhân dân thông qua Hội thảo nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, các hoạt động văn nghệ, truyền hình, cùng các phương tiện thông tin đại chúng với phương thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà” làm cho cuộc vận động đến với từng người, từng nhà và dần dần trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

Công tác tuyên truyền, vận động, đăng ký xây dựng danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa được tổ chức thực hiện công khai, dân chủ. Đến nay, thành phố có gần 70% số làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa. Bên cạnh đó, các quy ước đều có sự kế thừa, chọn lọc, thực hiện đúng quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được đưa vào cuộc sống và được nhân dân tích cực thực hiện, tạo thành ý thức tự quản chặt chẽ ở cơ sở. Qua đó, phát huy được những thuần phong mỹ tục tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục trong ma chay, cưới xin lễ hội, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh.

Cuộc vận động xây dựng làng văn hóa trong những năm qua đã góp phần làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Điển hình trong công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao luôn được các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, tổ chức đa dạng về hình thức, hấp dẫn về nội dung; thiết chế nhà văn hóa được quan tâm nâng cấp và xây mới với số tiền hàng chục tỷ đồng; việc thực hiện lành mạnh hóa việc cưới, việc tang, lễ hội được cụ thể hóa bằng các điều khoản trong quy ước và được nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Công tác khuyến học được quan tâm từ các gia đình, dòng họ đến cộng đồng làng, xã. Đến nay, 100% các làng có quỹ khuyến học. Số lượng học sinh đạt khá giỏi ngày càng cao.

Ngoài ra. cán bộ và nhân dân đặc biệt quan tâm chú trọng và tìm nhiều biện pháp để nâng cao kinh tế địa phương thông qua việc thực hiện chuyển giao kinh nghiệm sản xuất, đẩy mạnh phát triển ngành nghề, phát triển nông sản hàng hóa. Nhờ vậy, trong năm qua, 100% hộ đã có nhà mái bằng, nhà xây kiên cố. Các ngành nghề phụ, ngành nghề truyền thống ở nhiều làng, khu dân cư văn hóa được khôi phục và phát triển, hạ tầng giao thông được nâng cấp, hơn 800 làng và khu dân cư được công nhận là an toàn về an ninh trật tự.

Như vậy, có thể nói phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo cơ sở vững chắc cho xây dựng nông thôn mới. Bởi lẽ đó, bên cạnh việc tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, chính quyền địa phương cần tiếp tục đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực; lồng ghép với phong trào “Xây dựng nông thôn mới”; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với từng nhà và với mọi người dân; đồng thời kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, các gia đình điển hình tiên tiến và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình. Xây dựng gia đình văn hóa là yêu cầu khách quan và điều kiện cơ bản để đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn tỉnh trong tương lai.

CN
Theo Cinet.vn

Bạn đang đọc bài viết "Phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.