Đó là chứng tích của một nền văn minh sông nước. Bởi vì sông nước từ bao đời nay đã gắn chặt với đời sống miền sông nước, chúng đi vào tiềm thức con người.
Người Nam Bộ trải qua hơn 300 năm khai hoang, lập đất có sử dụng những từ ngữ rất riêng, rất đặc thù. Phương ngữ Nam Bộ có những nét khu biệt với phương ngữ Bắc, Trung Bộ mà những ngôn ngữ khác khó xâm nhập, chúng có sự thống nhất tương đối cao.
Ở các tỉnh phía Bắc, những từ ngữ để xưng hô, nơi thì gọi cha- mẹ, bố- mẹ, thầy- u, nơi gọi cậu- mợ, thầy- bu. Ở miền Nam chỉ gọi bằng ba- má, tía- dú.
Trong khi đó, để miêu tả trạng thái của thủy triều thì ở Nam Bộ có nhiều tên gọi khác nhau để chỉ rõ đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước.
Từ miêu tả trạng thái thủy triều là những từ ghép phân nghĩa được cấu tạo từ 2 hình vị trở lên, theo quan hệ chính phụ, trong đó có một hình vị chỉ loại lớn là sự vật (nước) đứng trước và là hình vị chính và một hình vị phụ, đứng sau có tác dụng phân hóa loại lớn thành những loại nhỏ hơn cùng loại nhưng độc lập với nhau và độc lập với loại lớn. Chúng là những từ ghép thực, một chiều.
Các từ ghép chỉ trạng thái thủy triều của nước lập thành những hệ thống có cùng mô hình cấu tạo: Nước + x. Thí dụ: Nước lớn, nước ròng, nước đứng, nước kém, nước rong, nước ươn, nước lụt, nước đổ,…
Hình vị thứ hai hoàn toàn tách biệt, không có sự đồng nhất nào về nghĩa với hình vị chỉ loại lớn, khi dùng một mình cũng đã mang ý nghĩa của hình vị loại lớn như lớn, ròng, kém,…
“Nước lớn” là từ phổ thông chỉ sự chuyển động của nước theo sức hút của mặt trăng, nói lên ai cũng nhận biết. Nước từ biển, từ sông cái chảy vô sông, vô rạch.
Từ ghép phân nghĩa một chiều “nước lớn” để chỉ nước nhiều và trái nghĩa là từ ghép phân nghĩa “nước kém” để chỉ nước ít.
Mực nước bắt đầu lên cao hơn so với những ngày trước, nhưng chưa gây hại cho cây trồng, vật nuôi thì dùng từ ghép chính phụ “nước lên”, “nước ngập”, có nghĩa là nước đã tràn lên sân, tràn lên vườn, tràn qua bờ ao cá và nông dân còn dùng cây chuối, rơm be bờ ao cá để cá không thoát ra ngoài.
“Nước nổi” là mực nước tràn bờ, ngập sân, ngập đường đi, ao cá nhưng không sâu, có gây hại không lớn đến vườn cây và không thể be bờ, che chắn ao cá dưới trũng được, cá có thể thoát ra ngoài.
“Nước lụt” là mực nước lên cao ngập nhà, ngập sân, ngập đường đi; làm chết cây cối, ngập ao cá và cá bị thoát ra ngoài, thiệt hại lớn đến đời sống, sản xuất, chăn nuôi.
Mực nước dâng cao hơn các ngày trước rất nhanh, nông dân không trở tay kịp, có gây tổn thất cho nông dân gọi “nước trồi”.
“Nước nhảy” là mực nước dâng cao với vận tốc cực nhanh, lưu lượng cực lớn, nông dân thật sự bất ngờ, nguy hại đến vườn cây, ao cá. “Nước đổ” là chỉ vận tốc nước chảy mạnh, lưu lượng lớn, gây khó khăn cho giao thông bằng đường thủy nội địa.
“Nước đứng” chỉ trạng thái nước ở biển, ở sông cái, ở sông, ở rạch chảy ra, chảy vô rất yếu, hình như đứng yên. Ở sông, ở rạch, nước bắt đầu chảy yếu ra biển, ra sông cái gọi là nước “đứng lớn”.
Nước từ biển, sông cái chảy yếu vô sông, vô rạch gọi là nước “đứng ròng”. Nước hơi đưa nhẹ vô gọi là nước “nhữn lớn” hoặc đưa nhẹ ra gọi là nước “nhữn ròng”.
“Nước ròng” chỉ nước từ sông, rạch chảy ra sông cái. Mực nước đã xuống thấp hơn ngày hôm trước, không gây thiệt hại cho những ngày sắp tới gọi là “nước giựt”.
Nước đang ngập nhà, ngập sân, ngập vườn cây, ao cá mà mực nước bắt đầu xuống, không còn trên sân, trên vườn cây, đường đi gọi là “nước rút”, hết gây thiệt hại đến đời sống và sản xuất.
“Nước bình” là chỉ mực nước ngày hiện tại so với ngày hôm trước không dâng cao và cũng không xuống thấp, không gây nguy hiểm ở những ngày sắp tới, còn gọi từ khác “nước nằm”.
“Nước xuống” là mực nước đã hạ xuống rất nhiều so với những ngày trước mà có thể còn ngập nhà, sân, vườn, ao cá nhưng không gây thiệt hại thêm nữa.
“Nước ươn” chỉ mực nước qua các ngày ngang nhau, không dâng cao, không chịu rút xuống, chuẩn bị cho những ngày tới nước nhiều.
“Nước chết” chỉ mực nước ngày này qua ngày khác ngang nhau, khoảng hơn nửa sông, rạch, không vào mương vườn, ao cá. “Nước bò” chỉ tình trạng nước rất kém, nước lên chậm chạp, xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất.
“Nước cạn” chỉ mực nước còn rất ít ở lòng sông, đưa mé sông xa. “Nước sát” chỉ nước đã cạn ở lòng sông. “Nước kiệt” qua nhiều ngày mà lượng nước ở sông, rạch rất ít, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất, trồng trọt và nuôi cá, gây thiếu nước.
Trong các từ ghép này, hình vị phân nghĩa như lớn, ròng, ươn, chết, cạn, kiệt, giựt, rút, đổ khi dùng một mình cũng đã mang ý nghĩa của hình vị loại lớn là nước.