Không ít người cho rằng, vì sự thiếu ý thức của một số người khi đến đây, nên chủ cây mới giận và chặt nhánh thốt nốt. Cụ thể, khi đến mọi người tha hồ chụp hình “sống ảo” rồi ăn uống vô tư, lúc về “quên” cả việc mang rác đi, vứt bừa bãi trên ruộng lúa. Trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng tỏ ra tức giận, xen lẫn những bình luận hụt hẫng, nhiều bình luận rất đồng tình với việc chặt nhánh cây này. “Nghe thấy câu xả rác bừa bãi, tôi biết ý thức của giới trẻ bây giờ…” (bạn có nickname Gacon Phung bình luận), hay “Ăn mặc đẹp tới chụp hình xong, lưu lại kỷ niệm bằng rác thải, các bạn suy nghĩ gì?” (người có nickname mt550 viết). Rất nhiều người tỏ ý không đồng tình về hành động được cho là thiếu ý thức trên và kêu gọi mọi người nên chung tay bảo vệ môi trường bằng việc đừng xả rác bừa bãi.
Hình trái tim thơ mộng khi nhánh cây thốt nốt chưa bị chặt
Từng đến địa điểm “nổi tiếng” này thời ít người qua lại, cô Phan Thủy (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho rằng: “Đó là điểm du lịch mới khá thú vị, rất thích hợp với những người trẻ, đặc biệt là các cặp đôi. Những ngày qua, biết thông tin cây thốt nốt không còn hình trái tim, tôi khá bất ngờ và tiếc nuối. Song, nghe đến việc khách đến xả rác quanh đó quá nhiều, tôi hiểu phần nào nguyên nhân dẫn đến việc phải chặt cây của người dân nơi đây. Hy vọng đây sẽ là bài học để các bạn trẻ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”.
Trao đổi với lãnh đạo xã An Tức, chúng tôi được biết, nguyên nhân xả rác chỉ là phần nhỏ cho hành động chặt nhánh cây thốt nốt. Nguyên nhân chính vì mâu thuẫn của người trồng cây thốt nốt và người chủ quán nước gần đó. Chủ tịch UBND xã An Tức Khuất Thành Phương cho biết: “Nhờ có dãy cây thốt nốt hình trái tim mà thu hút nhiều người tìm đến địa phương hơn. Nhưng chủ cây đã quyết chặt nhánh vì mâu thuẫn nhỏ, chúng tôi rất tiếc. Còn về chuyện xả rác, thật ra, cuối giờ bán, chủ quán nước đều đi thu gom, dọn dẹp nên không ảnh hưởng gì. Có điều, để nhánh cây thốt nốt ra hình dạng đẹp như ban đầu thì phải mất rất nhiều thời gian. Vì chút nông nổi nhất thời, chủ cây muốn trèo lên thu hoạch nước thốt nốt là cả vấn đề, vì không còn nhánh cây làm điểm tựa. Sau chuyện này, chúng tôi thấy cần phải nâng cao nhận thức người dân trong phát triển du lịch. Đừng vì chuyện không đáng trước mắt là mất lòng lối xóm “tối lửa tắt đèn”, sau là phá hủy vẻ đẹp hiếm có mà thiên nhiên đã ban tặng”.
Thế mới thấy, thốt nốt hình trái tim “tan vỡ” chỉ là chuyện nhỏ, bài học phía sau đó mới là chuyện đáng để suy ngẫm. Du lịch địa phương, tình làng nghĩa xóm và ý thức giữ gìn môi trường… những thứ ấy không phải tự thân mà có, đó là cả quá trình xây dựng bền bỉ, lâu dài, nhưng “chặt” đi rồi thì rất khó làm lại.
Theo Báo An Giang