Phát triển Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đồng bằng Sông Cửu Long

05/02/2015 08:01

Theo dõi trên

Những năm gần đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được quan tâm thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả.

Khu vực ĐBSCL hiện có hơn 1,4 triệu đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Hoa, Khmer sinh sống, chủ yếu ở các tỉnh: An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Trong những năm gần đây, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Đặc biệt, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng.



Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Vụ Địa phương 3, Ủy ban Dân tộc cho thấy, các trí thức là người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy nhà nước ngày càng nhiều; đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ đảng viên là dân tộc thiểu số tăng nhanh, năm 2006, chỉ có hơn 7.000 người, nhưng đến năm 2011 đã tăng lên hơn 14.400 người và hiện nay đã tăng lên hơn 15.300 người, chiếm hơn 3,1%.

Tại ĐBSCL hiện có 28 trường dân tộc nội trú, đảm bảo phục vụ nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Với điều kiện ngày càng thuận lợi, trình độ của con em đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao, từ năm 2009 đến nay có hơn 200.000 học sinh dân tộc thiểu số theo học tại các trường phổ thông trong khu vực ĐBSCL; riêng ở bậc học đại học có hơn 2.500 sinh viên là người dân tộc thiểu số. Tại trường Đại học Cần Thơ, trung bình mỗi năm số sinh viên dân tộc thiểu số tăng từ 80 - 300 sinh viên.

Do làm tốt công tác xây dựng Đảng mà trọng tâm là công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho quần chúng, trong đó có đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ dân tộc thiểu số tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và được kếp nạp vào Đảng năm sau luôn cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên cho đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL cũng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, tăng cường lực lượng nòng cốt, thực hiện chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, tạo sự phấn khởi, tin tưởng đồng thuận của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…

TH
Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Phát triển Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đồng bằng Sông Cửu Long" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.