Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt

27/07/2018 22:00

Theo dõi trên

Ngày 20/7/2018, đã diễn ra Hội thảo khoa học “Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng: Văn minh - Thân thiện - An toàn”. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển…



Toàn cảnh Hội thảo

Nhân tố con người

Gần 200 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, báo chí, các doanh nghiệp… đã tham dự. Có 18 tham luận tâm huyết tham gia hội thảo. Đọc từng tham luận, bài viết, đó là những tâm tư vui - buồn, những hoài niệm, trăn trở, những tiếc nuối, những day dứt…Và, các đề xuất, “hiến kế” của những người yêu Đà Lạt, “nợ” Đà Lạt, “chịu ơn” Đà Lạt làm sao giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng của người Đà Lạt; phong cách người Đà Lạt “Thanh lịch - Hiền hòa - Mến khách” ?
 
Trong tham luận “Giải pháp xây dựng hình ảnh người Đà Lạt - Lâm Đồng Thanh lịch - Hiền hòa - Mến khách”, ông Khuất Minh Phương (nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng) nhấn mạnh: “Quốc gia nào phát triển cũng dựa vào 3 loại vốn: cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, bất động sản); vốn tự nhiên (rừng, biển, hầm mỏ…) và vốn con người. Trong 3 loại vốn đó, vốn người là quan trọng nhất”.

Theo các tài liệu nghiên cứu, những năm đầu thế kỷ 20, dân số Đà Lạt chỉ có khoảng 1.500 người (trong đó, người Kinh khoảng 500 người, DTTS 300 người; người Pháp khoảng 600 người…). Đến nay, dân số Đà Lạt tăng lên gấp 10 lần (270.000 người); cư dân từ 63 tỉnh, thành trong cả nước về đây định cư, sinh sống; hằng năm khách du lịch đến Đà Lạt liên tục tăng…đã tạo sức ép lớn đối với Đà Lạt, nhất là vùng trung tâm thành phố. Đồng thời, đi kèm với phát triển là những tiêu cực, hệ lụy phát sinh…
 
Nhiều tham luận, ý kiến tỏ ra nuối tiếc về phong cách Người Đà Lạt xưa; bức xúc với những hiện tượng xấu xí, phản cảm khó chấp nhận đang diễn ra hằng ngày. Đó là “Hai câu chuyện - một góc nhìn” mà nhà báo Văn Tòa (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng) phân tích, chia sẻ và đưa ra những lời gan ruột rằng: “Chúng ta đều rất tiếc nuối. Song, thực trạng Đà Lạt hôm nay là sự hiển nhiên bởi quy luật nghiệt ngã của sự vận động và phát triển; không thể giữ mãi một Đà Lạt trầm mặc; cũng đừng bắt người Đà Lạt cứ “đường xưa lối cũ”;…“Người lưa thưa chìm dưới sương mờ”…Phải đối diện với thực tế. Song, cần “giữ” cho được cốt cách, hồn cốt của người Đà Lạt; giữ cho được phong cách “Thanh lịch - Hiền hòa - Mến khách” người Đà Lạt trong cuộc sống hiện đại ngày nay…”.
 
Còn PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt) cho rằng: “Phải ứng xử với thiên nhiên hết sức thân thiện; xây dựng môi trường xã hội bền vững; coi Văn minh - Thân thiện - An toàn là tiêu chí mà Đà Lạt cần hướng tới trong tương lai…”.
 
Xây dựng hình ảnh du lịch Đà Lạt
 
Về tự nhiên, Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng khá nhiều lợi thế; cùng với 125 năm hình thành và phát triển, người Đà Lạt đã đóng góp bằng cả tấm huyết, trí tuệ và tình yêu để xây dựng thành phố quê hương trở thành “điểm đến” lý tưởng, lưu lại trong tình cảm bạn bè, du khách gần xa những ấn tượng tốt đẹp khó quên.
 
Tuy nhiên, trước sự phát triển của một đô thị trẻ; trước tác động mặt trái của cuộc sống hiện đại …đã làm phát sinh những hiện tượng tiêu cực, những hành vi trái với đức tính và phong cách người Đà Lạt, gây hình ảnh xấu đến ngành Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng.
 
Phải tìm giải pháp hữu hiệu nhất để giữ lại hình ảnh đẹp của Đà Lạt trong tình cảm du khách. Vấn đề này biết không phải một sớm một chiều và phải bằng nhiều cách; trước tiên, phải quan tâm yếu tố con người ! Đó là sự đồng thuận cao của các nhà khoa học tại hội thảo lần này.
 
Trong nhiều giải pháp đặt ra tại hội thảo là cần gắn giữa pháp luật với đạo đức,  đạo lý, cao hơn là lòng tự trọng của con người. Có ý kiến khác đề nghị nên hình thành “lực lượng cảnh sát du lịch”; đề cao vai trò của Cảnh sát giao thông; hay xây dựng đội ngũ lái xe taxi, xe ôm thành những sứ giả du lịch?...
 
Chung quy, các kiến nghị tâm huyết trên nhằm hướng đến xây dựng một Đà Lạt văn minh - thân thiện – an toàn, phát triển Đà Lạt bền vững. Muốn làm được vấn đề này phải tập trung phát huy văn hóa ứng xử lịch thiệp, phong nhã của người Đà Lạt trong nếp sống, trong sinh hoạt, trong giao tiếp với du khách và mọi người…

Kết luận hội thảo, Ban tổ chức đã đặt ra nhiều nhiệm vụ và kêu gọi các cấp, các ngành và mọi công dân thành phố chung sức, đồng lòng thực hiện; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong các nhà trường hình thành ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường Đà Lạt; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch; chấn chỉnh dứt điểm những hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh dịch vụ trái với đặc trưng phong cách người Đà Lạt; khách du lịch đến Đà Lạt, cũng cần tuyên truyền tạo thói quen, ý thức tham gia bảo vệ cảnh quan, môi trường của Đà Lạt…
 
Theo Báo Du Lịch

Bạn đang đọc bài viết "Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.