1. Mở đầu
Trong quá trình phát triển quốc gia – dân tộc Việt Nam, cộng đồng 54 tộc người đã hình thành nên một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, gắn bó mật thiết với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Văn hóa của mỗi tộc người được hình thành, phát triển đều chứa đựng những giá trị tiêu biểu, đặc trưng. Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay việc bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, coi đó là một nguồn lực quan trọng, là một trong bốn trụ cột phát triển để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từ đó mang lại cả lợi ích vật chất và tinh thần cho chính con người…đã, đang được Đảng, Nhà nước, các địa phương quan tâm, khai thác và phát huy. Nghị quyết Đại hội XIII (2/2021) của Đảng đã xác định phát triển văn hóa là một nhiệm vụ trọng tâm, cần “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc... lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh, quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện nay được khẳng định không chỉ mang ý nghĩa một nền văn hóa vừa giàu bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chú ý khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hạn chế những biểu hiện tiêu cực mặt trái của nền kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế, của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư , trong đó con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm, nhất là thế hệ trẻ... Tổng Bí thư cũng đặc biệt nhấn mạnh các giá trị vì con người trong bối cảnh hiện nay không chỉ là cơm no, áo ấm, thậm chí đó là không phải chỉ là chỗ ở nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng . Vì thế phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn là nhiệm vụ hàng đầu của toàn xã hội.
Vĩnh Phúc là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú và lâu đời. Với diện tích tự nhiên 1.370km2, nằm giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc được coi là tỉnh ở đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng có điều kiện tự nhiên của ba vùng sinh thái đồng bằng, trung du, vùng núi. Quá trình “cộng cư, cộng lợi, cộng mệnh, cộng cảm” đã giúp Vĩnh Phúc tạo ra các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc trưng của văn hóa nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ với sự cổ sơ nguyên thủy của vùng văn hóa Hùng Vương xen lẫn sắc thái văn hiến phức hợp của vùng văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long. Xác định văn hóa là “nguồn lực” quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chủ trương, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện hiệu quả các phong trào xây dựng làng văn hóa, phong trào xây dựng nông thôn mới...
Mô hình “Làng Văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số các chương trình quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng “các thôn, làng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc” . Ở nội dung bài viết này chúng tôi đề cập, làm rõ một số vấn đề lí luận và nhấn mạnh đến vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” nhằm góp phần để mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” của tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai sâu rộng, có giá trị thực tiễn, bền vững và mang bản sắc văn hóa vùng.
2. Cơ sở phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”
Làng là một khái niệm rất quen thuộc đối với người Việt và từ xa xưa, "làng" được coi là một đơn vị cư dân nhỏ nhất ở nông thôn vùng đồng bằng và trung du. Làng trong quan niệm người Việt là một gia đình lớn, một xã hội thu nhỏ, là nơi tụ cư của người dân, nơi mà một cộng đồng dân cư được liên kết chặt chẽ với nhau bởi quan hệ dòng họ, huyết thống, quan hệ tín ngưỡng, nghề nghiệp, láng giềng. Làng là nơi có các nghề thủ công truyền thống, là đơn vị văn hóa – xã hội, nơi tập hợp dân cư quanh mái đình, ngôi chùa với “cây đa, bến nước, sân đình”, là nơi sinh hoạt nhiều hoạt động tín ngưỡng, lễ hội với những quy định, tập tục, hương ước, lễ nghi mang đặc trưng riêng. Làng cũng chính là “cái nôi” gắn kết mỗi con người, tạo nên khối đại đoàn kết cộng đồng, là động lực phát triển, là sức mạnh, là bản sắc văn hóa Việt Nam.
Từ bao đời nay, làng xã là đơn vị cơ sở của nông thôn Việt Nam, tồn tại bền vững qua ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (được coi là nguồn lực văn hóa) của cha ông để lại. Nông thôn Việt Nam, làng xã Việt Nam chính là nơi sản sinh, vận hành và phát triển “nguồn lực” văn hóa của dân tộc. Nguồn lực văn hóa được xây dưng trên cơ sở của vốn văn hóa truyền thống do chính con người sáng tạo và thực hành, đó là các thiết chế văn hóa, lễ hội, nghi lễ, văn học dân gian, hoạt động sinh kế, quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng... và sự tinh tế trong ứng xử, những thói quen trong cuộc sống hàng ngày. Các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa truyền thống ấy có một vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc, địa phương hay tộc người và thậm chí có thể có sự khác nhau qua các thời kì lịch sử.
Như đã đề cập, cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó tỉnh Vĩnh Phúc đều hình thành, phát triển từ vùng nông thôn, vì thế các giá trị văn hóa gắn bó mật thiết với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết 26- NQ/TƯ, ngày 5/8/2008 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có một vai trò to lớn, một vị trí quan trọng trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Hiện nay và nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Việc đẩy mạnh, phát triển phong trào “Làng văn hóa” được triển khai đồng bộ, hiệu quả thời gian qua gắn liền với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới bởi vấn đề cơ bản của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng và hiệu quả các thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa lành mạnh, bảo vệ thuần phong mĩ tục nông thôn, kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực của xã hội... do kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa tác động. Chương trình Nông thôn mới có năm nội dung cơ bản (1) nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; (2) sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa; (3) đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao; (4) bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy; (5) xã hội nông thôn được quản lí tốt và dân chủ. Có thể nói trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa được xác định là một yếu tố quan trọng mang tính nền tảng cho sự phát triển của văn hóa nông thôn, là nền tảng, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này. Vì thế xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trở thành khẩu hiệu, thành phương châm cho phong trào xây dựng nông thôn mới trong cả nước ...
Trong quá trình thưc hiện Chương trình Nông thôn mới, các xã, thôn đã triển khai nhiều hoạt động có liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống thông qua nhiều đề án, phong trào khác nhau, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng nông thôn mới gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; “Tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới”...Nhằm nghiên cứu mô hình làng, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của làng đã có nhiều quyết định, quy chế được ban hành và tổ chức sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Cụ thể như năm 2006, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 62/2006-QĐ-BVHTT, ngày 23/6/2006 về việc ban hành quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Năm 2011, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL, ngày 10/10/2011 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”; “Làng Văn hóa”; “Ấp văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”. Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”; “Làng Văn hóa”; “Ấp văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”... Từ các phong trào, các cuộc vận động này mà nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được phục hồi, phát huy và đẩy mạnh trong cộng đồng làng xã, cộng đồng thôn bản, vừa có giá trị thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần, song lại góp phần phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội, tạo ra những bản sắc riêng, độc đáo cho từng địa phương, từng vùng cụ thể, không chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phúc. Tất cả những yếu tố này là cơ sở, là tiền đề để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh xây dựng, phát triển “Làng văn hóa kiểu mẫu” mang đậm giá trị văn hóa vùng, bản sắc Vĩnh Phúc.
3. Phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng “Làng văn hóa” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Là tỉnh có bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng, nhiều di tích, địa danh nổi tiếng. Về lịch sử, Vĩnh Phúc xưa thuộc bộ Văn Lang thời đại các vua Hùng, một vùng đất thuộc xứ Đoài xưa nên văn hóa mang đậm bản sắc của người Việt cổ. Với địa hình miền núi thuộc sơn mạch Tam Đảo và một số núi thấp cùng với địa hình đồng bằng châu thổ của các sông Hồng, Lô, Phó Đáy và các sông, suối ngắn phát nguồn từ dãy Tam Đảo đã tạo nên vùng khí hậu thiên nhiên, cảnh quan và môi trường sống khá đa dạng và phong phú, những yếu tố cốt lõi đầu tiên để hình thành nên con người và di sản văn hóa Vĩnh Phúc. Hiện nay Vĩnh Phúc có 41 tộc người sinh sống trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các dân tộc Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 2 thành phố (Vĩnh Yên và Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên); 136 xã, phường, thị trấn. Trong lịch sử phát triển, các tộc người cư trú và sinh sống ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, vừa mang đậm yếu tố văn hóa của cư dân làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ song vừa có những riêng biệt. Những giá trị văn hóa đó được coi là nguồn di sản văn hóa góp phần vào sự phát triển của cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam.
Giá trị, bản săc văn hóa truyền thống các tộc người tỉnh Vĩnh Phúc được thể hiện qua nhiều chiều cạnh khác nhau như các thiết chế văn hóa cơ sở (cảnh quan, không gian cư trú làng xã, đình, chùa, miếu...), chợ làng, các giá trị văn hóa sản xuất, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần được thể hiện rõ nét qua hệ thống nghi lễ, tín ngưỡng được thực hành trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, lễ hội cộng đồng, mối quan hệ, ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng làng xã, hương ước, nghề thủ công truyền thống...gắn với nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi tộc người cư trú, sinh sống trên địa bàn. Theo Thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay tỉnh vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích, di chỉ khảo cổ, hiện vật, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian… phong phú và độc đáo, có hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt; 420 di tích cấp tỉnh, đã công bố danh mục 571 di sản, trong đó có 7 di sản được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, trong gần 500 làng cổ ở Vĩnh Phúc hiện nay còn lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú.
- Phát huy các giá trị văn hóa của Kiến trúc công cộng dân gian: Khi nói về không gian cư trú, sinh hoạt văn hóa và cơ sở để hình thành nên tính cố kết cộng đồng làng xã, nhất là đối với người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ người ta thường nhớ đến hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình”.
Ở mỗi một làng quê Việt Nam, trong đó có các thôn làng của tỉnh Vĩnh Phúc đều có các công trình công cộng dân gian với nhiều loại hình kiến trúc khác nhau, gồm các kiến trúc mang tính lịch sử, kiến trúc mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng. Theo quan sát của chúng tôi, các loại hình kiến trúc công cộng dân gian đang tồn tại khá phổ biến trong cộng đồng thôn làng tỉnh Vĩnh Phúc là đình, chùa, đền, miếu, tháp, nghè, am, lăng, từ đường, chợ làng...và mỗi một công trình kiến trúc này đều có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống văn hóa của người dân địa phương . Trong hệ thống di tích Vĩnh Phúc, kiến trúc công cộng dân gian là những công trình kiến trúc xây dựng với mục đích làm nơi thờ cúng, sinh hoạt chung của một làng hoặc một cộng đồng dân cư, thể hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc ở địa phương qua các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử, bảo tồn đến ngày nay. Trong văn hóa của người Việt, từ đường không chỉ là nơi linh thiêng thờ cúng tổ tiên của cả dòng họ lớn, trong những ngày giỗ chạp, lễ tết, là nơi tập trung con cháu để thực hiện các nghi thức tế lễ quan trọng. Từ đường được xây dựng để duy trì, phát triển, kết nối các thế hệ con cháu, có giá trị giáo dục văn hóa gia đình, dòng họ, giáo dục lòng biết ơn, tưởng nhớ, yêu thương, cố kết cộng đồng.
Đình làng là nơi thờ cúng thành hoàng làng, vị thần bảo hộ của mỗi làng Việt và là nơi họp hành của cả dân làng, đình làng trở thành trung tâm vui chơi của cả làng, nhất là vào những ngày hội làng. Đình làng là nơi diễn ra các hoạt động biểu diễn, văn nghệ, múa hát, diễn trò, tế lễ với những nghi thức trang trọng, thiêng liêng... do đó, đình là được coi là một công trình kiến trúc đa năng và tổng hợp ... nó có vai trò kết nối, đoàn kết, tương trợ các thành viên trong cộng đồng làng xã, kết nối giữa thế giới của hiện tại với thế giới tâm linh. Chùa trong quan niệm của người Việt có một ý nghĩa linh thiêng, việc xây chùa bao giờ cũng là việc trọng đại đối với người dân ở mỗi làng quê Việt Nam. Chùa là một quần thể kiến trúc văn hóa thường ở vị trí có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có sự gắn kết hài hòa giữa thiên nhiên và xã hội. Kiến trúc chùa thường đa dạng, được thể hiện qua không gian, phong cách kiến trúc của địa phương, văn hóa của vùng miền. Miếu là một bộ phận của kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, được xây dựng ở những vị tri có liên quan đến các sự tích, truyền thuyết. Chợ làng là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, giao lưu của cả làng và nhân dân quanh vùng. Chợ làng không chỉ là địa điểm buôn bán mà còn mang nhiều giá trị văn hóa xã hội. Khi xã hội ngày càng phát triển thì không gian kiến trúc công cộng dân gian cũng biến đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và công nghệ thông tin ngày càng phát triển tác động mạnh mẽ đến từng gia đình, con người… nên ý thức tham gia các hoạt động cộng đồng cũng ngày một ít đi, điều đó sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tính cố kết, tương trợ cộng đồng và ý thức tự hào về văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa, Làng văn hóa kiểu mẫu... cần tính toán để làm sao tạo ra được sự kết nối hài hòa giữa không gian công cộng truyền thống (đình, chùa, miếu...) với các thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay là các nhà văn hóa tại mỗi thôn, làng, đồng thời linh hoạt trong các chức năng sinh hoạt (vừa phục vụ hoạt động hội họp, vừa tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, văn nghệ của cộng đồng) ... tạo không gian sinh hoạt thuận lợi để người dân giao lưu, gặp gỡ và gắn kết cộng đồng, để các hoạt động văn hóa tại nhà văn hóa cộng đồng có sự hòa trộn, kết hợp giữa các hoạt động văn hóa mới và các hoạt động văn hóa truyền thống. Đồng thời, việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở... nên chú ý sự đa dạng trong kiến trúc, nghệ thuật, yếu tố thẩm mĩ, văn hóa của từng tộc người, gắn với quá trình đô thị hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong phát triển hạ tầng bền vững.
- Phát huy giá trị tích cực của văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ và văn hóa cộng đồng.
Vốn hình thành từ một xã hội nông nghiệp cổ truyền nên nếp nghĩ, nếp sống của cư dân nông nghiệp đã ăn sâu, thấm đẫm vào văn hóa của cộng đồng cư dân tỉnh Vĩnh Phúc, nó được thể hiện rõ qua quan điểm, suy nghĩ, thực hành các nghi lễ trong gia đình, trong dòng họ, trong cộng đồng... Chính những giá trị văn hóa đó tạo thành hệ thống những liên kết bền vững theo từng cấp bậc, gắn mỗi cá nhân vào mỗi cộng đồng, gắn lợi ích cá nhân vào lợi ích tập thể, từ đó giáo dục tinh thần vì cộng đồng và tình yêu thương nhân loại trong mỗi con người . Hạt nhân của xã hội là gia đình, gia đình là tế bào của làng xã, mọi việc trong làng các gia đình đều có trách nhiệm phải tham gia và các thành viên của gia đình đều phải tuân thủ quy định, phong tục, tập quán do làng xã quy định. Đối với người Việt Nam nói chung, các tộc người ở tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, mối quan hệ gia đình, dòng họ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất, nó là nơi duy trì và trao quyền các giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra ý thức về cội nguồn, tổ tiên, giống nòi, ý thức về duy trì, bảo vệ tri thức sản xuất, làng nghề, đồng thời cũng là nơi tạo dựng cơ sở cho sự trật tự, ổn định xã hội, hình thành nhân cách con người. Gia đình thực hiện chức năng duy trì nòi giống, chức năng kinh tế, chức năng xã hội.
Văn hóa ứng xử là hạt nhân gắn kết mọi thành viên trong gia đình, dòng họ và tất cả những tinh túy của truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc cũng từ nguồn cội này mà ra. Khi nói về vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Giáo dục trong gia đình, là mỗi người nhắc nhở, dạy bảo nhau, các cụ phụ lão thi đua, đốc thúc con cháu tham gia mọi công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn, vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo. Bác cũng nhắc nhở trong gia đình các bậc cha mẹ phải gương mẫu trước con em, trẻ em hay bắt chước cho nên các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Trong xã hội hiện nay còn tồn tại nhiều tệ nạn, những cám dỗ đối với trẻ em, gia đình chính là nơi bảo vệ và giúp cho con em mình duy trì được lối sống văn hóa. Gia đình Việt Nam với tất cả các mối quan hệ bên trong của nó đang biến đổi trong thời đổi mới, vừa kế thừa truyền thống vừa hướng tới xây dựng gia đình hiện đại. Xây dựng gia đình nề nếp, có văn hóa, xây dựng "gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới. Vì thế không phải ngẫu nhiên trong các Văn kiện Đại hội Đảng xác định: Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, thủy chung tôn trọng kỷ cương, phép nước, cần cù lao động và học tập làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Và gần đây nhất, trong bài viết của mình khi yêu cầu “chấn hưng” văn hóa Việt Nam hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định cần nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người trong thời kì mới, trong đó hệ giá trị văn hóa, con người phải đảm bảo hai tiêu chí tổng quát là vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển . Trên thực tế, phong trào thi đua “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” ở tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã mang lại những tác động tích cực đối với các gia đình hiện đại, nhất là các gia đình ở khu vực đô thị hóa giúp cho tình cảm gia đình ngày càng được củng cố, thắt chặt và bền vững. Các phong trào ấy không chỉ tác động đến từng gia đình mà còn tác động đến sự phát triển thôn, xã, làng, bản...làm tăng tính cố kết cộng đồng, nhiều hoạt động văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng làng xã được phục hồi, phát huy. Toàn tỉnh có 91,84% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 93,85% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa Có thể khẳng định, trong sự phát triển của làng xã, gia đình và dòng họ là hai yếu tố không thể tách biệt, đối lập với làng xã mà nó hòa quện vào làng xã, tạo nên đặc trưng của văn hóa làng xã, cộng đồng làng xã...Do đó, để xây dựng được “Làng văn hóa kiểu mẫu” mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, thôn bản tỉnh Vĩnh Phúc cần phải chú ý đến mối quan hệ này.
- Phát huy các giá trị văn hóa lễ hội cộng đồng.
Lễ hội cổ truyền là một loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian tổng hợp, bắt nguồn và phát triển rất lâu đời từ thực tiễn hoạt động của đời sống xã hội của cộng đồng, nó có tính độc đáo, đa dạng và phong phú. Lễ hội cổ truyền là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hoá dân gian của dân tộc. Bởi lẽ, trong lễ hội cổ truyền bao hàm hầu như đầy đủ các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, như: về văn học dân gian, có truyền thuyết, văn tế, văn bia, hoành phi câu đối, ca dao hò vè,…; về nghệ thuật biểu diễn dân gian có diễn xướng, sân khấu dân gian, các làn điệu dân ca,…; về tôn giáo có phong tục và tín ngưỡng dân gian gồm các nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn, trò chơi dân gian, tục lệ, đối tượng thờ cúng.
Lễ hội truyền thống của các tộc người ở tỉnh Vĩnh Phúc được hình thành và nuôi dưỡng trong môi trường làng xã của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Là một tỉnh ở vùng châu thổ sông Hồng có điều kiện tự nhiên của ba vùng sinh thái đồng bằng, trung du, vùng núi, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ, là nơi sinh sống của 41 tộc người… đã giúp cho tỉnh Vĩnh Phúc có sự phong phú về các lễ hội cổ truyền. Theo thống kê, Vĩnh Phúc hiện tai với hơn 500 làng cổ, trong đó có khoảng 520 lễ hội cổ truyền đã và đang được bảo tồn. Hầu hết các thôn, làng ở tỉnh Vĩnh Phúc đều có lễ hội của mình, gắn tâm thức dân gian “Trống làng nào làng ấy đánh; Thánh làng nào làng ấy thờ” . Lễ hội cổ truyền diễn ra quanh năm ở các thôn làng, trong số đó tập trung chủ yếu vào mùa xuân, mang tính đặc thù của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, phản ánh sự thích nghi, lối ứng xử của cộng đồng cư dân đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Lễ hội cổ truyền phong phú về quy mô loại hình, đa dạng trong tổ chức, nghi lễ, lễ vật dâng cúng, trò diễn,… đã phần nào phản ánh được sự đa dạng văn hoá của cộng đồng cư dân Vĩnh Phúc.
Hiện nay, khi nhắc đến lễ hội của tỉnh Vĩnh Phúc, người ta biết đến nhiều lễ hội lớn mang đặc trưng riêng của vùng đất này, trong đó phải kể đến (1) Lễ hội Tây Thiên diễn ra vào 3 tháng mùa Xuân, chính hội là ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, được tổ chức tại Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, đây là lễ hội lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ cáo, lễ rước và lễ dâng hương. Phần hội là các trò chơi dân gian, trò diễn của các cư dân bản địa, các làn điệu dân ca của hai dân tộc Kinh, Sán Dìu đang sinh sống tại vùng đất Tam Đảo. Lễ hội Tây Thiên là một phần quan trọng của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, nhằm tưởng nhớ công ơn và tỏ lòng thành kính đối với Quốc Mẫu Tây Thiên, qua đó thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta; (2) Lễ hội đền Ngô Tướng Công- một danh tướng của dân tộc chống giặc Minh thời nhà Hồ, khi bị bắt ông đã tuẫn tiết ở vùng cửa biển. Lễ hội được dân làng Phúc Thắng, Tân Âp tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng giêng với phần lễ trang nghiêm theo lễ thức xưa, phần hội thật vui với các trò: đấu vật, đánh đu chọi gà, hát chèo; (3) Lễ hội Đúc Bụt diễn ra vào ngày 8 tháng giêng hàng năm được nhân dân xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) tái hiện hình ảnh Ngọc Kinh công chúa chiêu tập quân sỹ, rèn đúc vũ khí tụ nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng… Trong lễ hội, dân làng diễn cảnh bà Ngọc Kinh cho đúc một pho tượng, dân quen gọi là “đúc Bụt”, đồng thời diễn ra trò trình nghề sỹ, nông, công, cổ ở vòng ngoài. Kết thúc phần hội là trò cướp chiếu của Bụt quyết liệt, biểu tượng sinh con trai – một nghi thức phồn thực…và một số trò chơi dân gian khác như đấu vật, chọi gà; (4) Lễ hội kéo Song (kéo co) tổ chức từ ngày mồng 3 đến 5 tháng giêng bên sông Cánh, gần với quốc lộ 2 thuận lợi cho du khách thập phương. Lễ hội còn diễn ra một số hoạt động bơi chải trên sông Cánh, đấu vật, thi nấu cơm; (5) Lễ hội Đả cầu cướp phết diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng tại đền Đông Lai xã Bàn Giản, nhằm tưởng nhớ về một thời Vua Hùng, nhân dân đã giữ đất, trấn ải, luyện quân đánh giặc giữ nước; (6) Lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) của người Cao Lan xã Quang Yên (huyện Sông Lô) được diễn ra vào mùa xuân với ý nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Sau nghi thức lễ cúng trang nghiêm là các trò diễn như cấy lúa, thi ném còn, hát múa dân ca, dân vũ nhịp nhàng. Đây là một trong nhiều di sản quý của đồng bào Cao Lan góp vào kho di sản văn hóa phong phú của Vĩnh Phúc; (7) Lễ hội chọi trâu tổ chức ở xã Hải Lựu (huyện Sông Lô) vào ngày 16-17 tháng Giêng và đây được coi là lễ hội cổ nhất ở tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội chọi trâu bắt nguồn từ tục hiến tế thần linh của cư dân lúa nước trong đời sống tâm linh, cùng với truyền thống giữ nước gắn liền với tên tuổi Thừa tướng Lữ Gia đánh quân nhà Triệu.Lễ hội được bắt đầu từ lễ trình trâu tháng 8 năm trước và lần 2 vào 15 tháng giêng năm sau. Thực hiện lễ hội này người ta phải cử một đoàn lên Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ kính cáo. Đến ngày 16-17 thì tổ chức nghi thức chọi trâu. Luật đấu thật khắt khe. Ông Cầu được cả một tập thể chăm sóc. Người trực tiếp chăm sóc phải là gia đình có văn hóa. Ông Cầu đương nhiên là khỏe mạnh, đạt các tiêu chuẩn cao về vóc dáng, thần thái…Đặc biệt, khi vào trận phải đấu trực diện, nhưng không được tàn sát khi đối phương thua. Trâu thắng được giải, sau đó mổ “khao quân” như thời Lữ Gia…
Thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đồng thời xác định rõ “nguồn lực văn hóa” trong phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các lễ hội cổ truyền. Vai trò của Lễ hội cổ truyền được khẳng định là thời điểm kết cố sức mạnh cộng đồng, là dịp để con người ôn lại truyền thống lịch sử của đất nước, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, đối với nhứng người có công với đất nước, với quê hương, làng xã, cùng nhau thực hiện tốt những giá trị văn hoá được trao truyền từ thế hệ trước; là môi trường lành mạnh để các thế hệ gặp gỡ, cộng cảm, kể cả với thần linh, tổ tiên… đó chính là hình thức sinh hoạt mang tính vẹn toàn về văn hoá tâm linh, giúp con người hoà nhập với cộng đồng và không đứt đoạn với truyền thống dân tộc . Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu của văn hoá dân tộc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hoá dân tộc ấy, là nơi để trang phục truyền thống, ẩm thực các tộc người được phát huy, là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều cộng đồng, nhiều địa phương… nhất là trong điều kiện xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá và toàn cầu hoá hiện nay. Vì thế, để hình thành các mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với những sắc thái riêng, điểm nhấn riêng... sẽ là rất thiếu sót khi không phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của lễ hội truyền thống.
- Phát huy các giá trị văn hóa của Làng nghề thủ công truyền thống.
Làng nghề thủ công truyền thống là một phần không thể thiếu của làng xã nông nghiệp cổ truyền, nó phản ánh đầy đủ các thuộc tính tự cung, tự cấp và tính khép kín cố hữu của làng xã nông nghiệp song bên cạnh đó làng nghề lại biểu hiện tính năng động, sáng tạo của người nông dân trong quá trình thích ứng với điều kiện địa lí, kinh tế - xã hội nhất định, thể hiện rõ yếu tố mở của xã hội tiểu nông . Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều nghề thủ công truyền thống như Nghề gồm, nghề đan lát mây, tre, nghề mộc, nghề trồng hoa cây cảnh, nghề chế biến bông vải sợi, nghề nuôi rắn… Các nghề thủ công truyền thống này gắn bó với đời sống của cư dân tỉnh Vĩnh Phúc, vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị trao đổi, mua bán. Chẳng hạn như làng nghề mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch) được hình thành từ thời nhà Nguyễn, người dân thường đan từ tre, mây để tạo thành các sản phẩm phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, rổ, rá, dần, sàng, gàu tát nước, một số dụng cụ đánh bắt hải sản. Nhiều năm trở lại đây, phục vụ cho hoạt động du lịch, xuất nhập khẩu đã tạo ra một số mẫu mã mới như chao đèn, lẵng hoa, hộp đựng, làn... Hay như làng gốm Hương Canh vốn đã nổi tiếng trong vùng từ 250 năm trước, với các sản phẩm gắn liền với đời sống nông nghiệp như chum, vại, chĩnh, chậu... được làm từ những đôi bàn tay khéo léo của người nghê nhân, có độ bền chắc, tinh xảo. Làng đá Hải Lựu được hình thành khoảng 100 năm, nó thể hiện được đôi bàn tay khéo léo, thẩm mĩ, sự tinh tế, sáng tạo của các nghệ nhân dân gian. Nhiều sản phẩm được hình thành như cối xay giã, đá mài dao, đế cột kê nhà, lọ hoa, tượng Phật, tượng sư tử... Trong quá khứ cũng như hiện tại, các ngành nghề thủ công truyền thống vẫn và đang có vị trí to lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống của nhân dân. Việc bảo tồn và phát huy làng nghề thủ công truyền thống cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn văn hóa, cùng với đó sự hồi sinh của nghề thủ công truyền thống nhiều hoạt động kinh tế khác sẽ được mở rộng, sẽ góp phần hình thành, phát triển có hiệu quả “Làng văn hóa Kiểu mẫu” tỉnh Vĩnh Phúc.
4. Một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người ở tỉnh Vĩnh Phúc gắn với xây dựng “làng văn hóa kiểu mẫu” trong thời gian tới
Trong bối cảnh CNH-HĐH,toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Văn hóa được coi là hồn cốt của dân tộc. Kế thừa các kết quả, thành tựu của quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thời gian qua, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 30 – NQ/TƯ ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 30- NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết 19- NQ/TU ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 thời gian tới cần tập trung vào một số định hướng và giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn quyết tâm, thống nhất trong tư duy và hành động thực hiện tốt các Nghị quyết, các chủ trương, chính sách, các đề án, phong trào đã đưa ra. Việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” cần phát huy các kết quả đạt được của chương trình xây dựng Nông thôn mới, phong trào Gia đình văn hóa, Làng văn hóa.
Thứ hai, các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư cần nhận thức một cách rõ ràng các giá trị văn hóa truyền thống được coi là bản sắc riêng, chủ động, linh hoạt để khai thác, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo hài hòa giữa truyền thống – phát triển...để “Làng văn hóa kiểu mẫu” phù hợp với đời sống hiện đại. Bên cạnh sự thống nhất cần tạo ra bản sắc riêng của mỗi thôn làng, phát huy được vai trò của chủ thể văn hóa trong công tác lựa chọn các giá trị văn hóa, thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đó, tránh áp đặt trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa và hình thành các “Làng văn hóa kiểu mẫu” theo mô tuýp chung.
Thứ ba, xây dựng các quy ước nếp sống mới trong bối cảnh đô thị hoá hiện nay đối với việc gìn giữ bản sắc văn hoá tộc người. Thông qua hương ước, quy ước, nếp sống văn hóa gia đình, thôn bản để xây dựng các tiêu chuẩn hợp lí, tích cực vừa bảo tồn các giá trị văn hóa vừa phát huy được các giá trị văn hóa tích cực ấy trong đời sống tinh thần hiện nay.
Thứ tư, Phát huy sức mạnh tối đa chính chủ thể văn hóa trong các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa, đặc biệt là những người có uy tín, thế hệ trẻ.
Thứ năm, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương cần một dành một khoản kinh phí nhất định để nghiên cứu, xây dựng phát triển các “làng văn hóa kiểu mẫu” phù hợp với thực tiễn, với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Thứ sáu, Trong thực hiện các phương thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nhất thiết phải thông qua cơ cấu xã hội của bản làng, phải làm tuần tự, có quy trình, có chọn lựa, tránh phát triển đại trà, chắp vá, triển khai các hoạt động theo lối giải ngân, có thành tích, mang tính ngắn hạn và không chú ý đến phát triển bền vững.
Thứ bảy, gắn kết việc bảo tồn, phát huy các giá tri văn hóa với phát triển du lich, chú ý lựa chọn những di sản văn hóa tiêu biểu của từng tộc người, từng thôn làng để thiết kế thành các tuor du lịch theo kiểu du lịch công đồng, du lịch nghiên cứu với sự kết hợp của người dân, công ty du lịch và nhà quản lý. Đối với việc phát huy các làng nghề truyền thống cần chú ý đến đầu ra sản phẩm cho người nông dân để đảm bảo phát triển bền vững.
4 .Kết luận
Văn hóa có một tầm quan trọng trong sự phát triển, được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bởi vậy văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, người dân có nhiều cơ hội để lựa chọn các giá trị văn hóa cho mình nhằm phù hợp với điều kiện sống mới, và điều đó cũng là nguyên nhân khiến một số giá trị văn hóa bị mai một, biến đổi. Chính vì vậy, việc nhận diện những vấn đề về biến đổi văn hóa truyền thống và xác định những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng với thực tiễn hội nhập của đất nước hiện nay là hết sức cần thiết.
Tài liệu tham khảo
1.Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sư thật, Hà Nội, 2021.
2.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong Tác phẩm Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022.
3.Đặng Nghiêm Vạn (2010), Văn hóa Việt Nam đa tộc người, Nxb Văn học.
4.Nguyễn Thị Phương Châm, Nguồn lực văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, trong Kỉ yếu Hội thảo văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Bắc Ninh, 2022.
5.Nguyễn Thị Song Hà, Chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, tháng 7.2023.
6.Nguyễn Ngọc Thanh, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng Nông thôn mới, Hà Nội, 2015, Nxb Hồng Đức
7.Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2030.
8.Vũ Trung, Văn hóa làng nghề truyền thống (qua dẫn liệu làng nghề gỗ Sơn Đồng, gốm Bát Tràng Hà Nội và chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình, Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học: Việt Nam hội nhập và phát triển, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
9.https://dulichvinhphuc.gov.vn.