Phát hiện thêm nhiều hiện vật tại di chỉ đình Khuê Bắc

18/05/2017 10:35

Theo dõi trên

Nhằm bổ sung các luận cứ khoa học về di tích và di vật của di chỉ vườn đình Khuê Bắc, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc với diện tích 50m2



Những chiếc rìu đá có niên đại khoảng 3.000 đến 3.500 năm, là công cụ lao động của người Tiền Sa Huỳnh.

Dự kiến công tác khai quật kéo dài đến hết tháng 6. Qua khai quật ban đầu, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số rìu đá, bàn mài, hòn kê và hàng ngàn hiện vật gốm.

Từ đó, các nhà khảo cổ, nghiên cứu xác định di chỉ thuộc vào thời kỳ Tiền Sa Huỳnh, có tính chất tương tự như các địa điểm Bàu Trám, Bãi Ông (tỉnh Quảng Nam), niên đại khoảng 3.000 đến 3.500 năm.

Đáng chú ý, trong số các di chỉ của giai đoạn Tiền Sa Huỳnh, hiện nay chỉ còn di chỉ Bàu Trám và vườn đình Khuê Bắc là xác định được địa tầng nguyên vẹn. Do vậy, đây là di chỉ rất quan trọng không chỉ trong việc nghiên cứu lịch sử văn hoá của vùng đất Đà Nẵng nói riêng mà còn của nền văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung nói chung.




Các nhà khảo cổ học đang phân loại các hiện vật gốm.

Di chỉ vườn đình Khuê Bắc được cố Giáo sư Trần Quốc Vượng và các giảng viên Bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát hiện năm 2000.

Ngay sau đó, năm 2001, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tiến hành khai quật lần thứ nhất và phát hiện được các di tích (mộ nồi) và di vật (công cụ đá, đồ gốm).

Năm 2015, Trung tâm Quản lý di sản văn hoá Đà Nẵng phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật lần thứ 2 với diện tích 100m2.

Cuộc khai quật đã phát hiện được số lượng lớn các công cụ đá, đồ gốm góp phần quan trọng vào việc nhận diện tính chất và niên đại của địa điểm này.


Ngọc Hà

Nguồn: Báo Đà Nẵng
Bạn đang đọc bài viết "Phát hiện thêm nhiều hiện vật tại di chỉ đình Khuê Bắc" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.