Phát hiện bộ linh vật Linga - Yoni lớn nhất từ trước đến nay

06/05/2017 17:16

Theo dõi trên

Sau khi khai quật khảo cổ tháp Núi Bút (Quảng Ngãi), các chuyên gia khảo cổ phát hiện bộ linh vật Linga-Yoni lớn nhất của văn hóa Chămpa.

Đó là những thông tin được các nhà khảo cổ công bố tại cuộc họp báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tháp Núi Bút, TP.Quảng Ngãi, do  Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, ngày 4/5.

Cụ thể, theo TS Vũ Quốc Hiền - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, người phụ trách khai quật, di tích này chỉ còn là phế tích, phần tường tháp hầu như đã bị mất hoàn toàn.

Sau 1 tháng khai quật trên diện tích 400 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện 109 hiện vật, bao gồm các loại chất liệu đất nung, gốm sứ có men, đá và gần 2.000 mảnh vỡ hiện vật. Trong đó, hiện vật chất liệu đất nung chiếm số lượng lớn nhất, chủ yếu là các loại gạch xây dựng và trang trí tháp. Chất liệu đá có một đầu tượng rắn Naga, một số mảnh trang trí góc tháp...

Đặc biệt, các nhà khoa học đã tìm thấy bộ Linga - Yoni có kích thước lớn gần như còn nguyên vẹn. Linga có đường kính 40 cm, cao 43 cm. Yoni dài 168 cm, rộng 124,4 cm, dày 25,5 cm.




Bộ linh vật Linga - Yoni được phát hiện tại tháp Núi Bút.

Các nhà khoa học nhận định rất có thể do biến cố, tháp sụp đổ đã nhấn chìm tại chỗ bộ Linga - Yoni này.

"Đây là bộ sinh thực khí đầu tiên và duy nhất của cả hai phong cách Chuyển tiếp và Bình Định được phát hiện ở tháp núi Bút rất quan trọng cả về khoa học và thực tiễn. Bộ Linga- Yoni này xứng tầm là một bảo vật quốc gia", ông Hiền nhận định.

Tháp núi Bút nằm tại địa bàn phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi, hầu hết phần tường tháp đã mất hoàn toàn. Cấu trúc gồm cửa tháp dài 1m, tiếp đến là gian tiền sảnh dài 3,14m, rộng 4,66m. Tháp có 3 cửa giả rộng từ 3,90-4m, dày 1,61-1,87m và gian thờ hình vuông.

Qua so sánh sơ bộ bình đồ cũng như hiện vật với những ngôi tháp trong nước, các chuyên gia khảo cổ nhận định tháp núi Bút thuộc giai đoạn cuối phong cách Chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1(thế kỷ X) sang phong cách Bình Định (thế kỷ XII-XIV), niên đại khoảng cuối thế kỷ XI.

Và những hiện vật điêu khắc trang trí đá và đất nung phát hiện được tại tháp Núi Bút là những hiện vật đẹp và hiếm gặp. Qua những hiện vật này có thể nghiên cứu, phân tích, so sánh để xác định niên đại và phong cách cho di tích tháp Núi Bút.

Do vậy, TS Vũ Quốc Hiền mong rằng, tỉnh Quảng Ngãi cần có biện pháp bảo tồn, sớm phục hồi nguyên trạng một cách khoa học bình đồ móng tháp Chăm núi Bút.

“Có thể xây dựng tại núi Bút một ngôi đền để đặt và bảo vệ Linga-Yoni tháp núi Bút, cùng với một số hiện vật có giá trị để du khách và nhân dân tới chiêm bái, thờ phụng”, Tiến sĩ Hiền cho biết.

Đồng thời, sớm xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận bộ Linga-Yoni, tháp núi Bút là bảo vật quốc gia.

Tại cuộc họp, TS Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Ngãi, cho hay Sở đã kiến nghị các cơ quan chức năng đưa di tích tháp Bút vào trong quy hoạch công viên Thiên Bút để có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích, sớm tạo nên điểm du lịch văn hóa tâm linh.

Thời gian tới, Quảng Ngãi có thể phục dựng lại tháp núi Bút bằng kỹ thuật ánh sáng; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận tháp núi Bút là di tích khảo cổ, nghệ thuật kiến trúc Chăm cấp quốc gia; lập hồ sơ công nhận bộ Linga- Yoni tháp núi Bút là bảo vật quốc gia.

Trước đó, năm 2015, Ekamukhalinga/Linga có một đầu thần Siva (Niên đại: đầu thế kỷ VIII, hiện lưu giữ tại Ban Quản lý di tích lịch sử và du lịch Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam) cũng đã được công nhận là bảo vật quốc gia, vì được coi là một trong những cổ vật quý hiếm của nghệ thuật Chăm pa, cũng là cổ vật độc đáo nhất từ trước đến nay của thánh địa Mỹ Sơn, dù thiếu mất Yoni.


Sơn Ca

Nguồn: Đất Việt
Bạn đang đọc bài viết "Phát hiện bộ linh vật Linga - Yoni lớn nhất từ trước đến nay " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.