Phận người trên rác

13/12/2016 09:44

Theo dõi trên

Bãi rác Bình Tú - thuộc địa bàn thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành là nơi tiếp nhận và xử lý khoảng 300 tấn rác từ khắp nơi trong TP. Phan Thiết đổ về mỗi ngày. Ít người biết rằng, trong lòng bãi rác khổng lồ với một môi trường ô nhiễm cùng cực, gần cả trăm phận người đang bấu víu vào đây để mưu sinh.

Biết rằng hôi thối, biết rằng ô nhiễm, bệnh tật nhưng bất kể ngày đêm, mưa gió, họ vẫn phải dán mắt dưới từng bộc rác để lượm nhặt những thứ còn sót lại vẫn còn giá trị sử dụng trong mỗi chuyến xe thu gom. Bởi, họ không có điều kiện để chọn một công việc khác khả dĩ hơn để nuôi sống gia đình.


 
Vẻ mặt khắc khổ của bà Liên sau hơn 20 năm lăn lộn với nghề nhặt rác.

Hơn 20 năm bãi rác Bình Tú hình thành là ngần ấy năm bà Nguyễn Thị Liên (phường Đức Long) gắn bó cuộc đời mình với nơi này. Bà kể, trước đây còn đủ sức khỏe, bà có thể sinh sống bằng nghề buôn gánh bán bưng mỗi ngày để kiếm sống. Tuy nhiên, theo thời gian sức lực suy giảm cộng với thu nhập từ nghề không đủ sống, nên bà chuyển sang công việc nhặt rác thải tại bãi Bình Tú. Ở một môi trường làm việc ô nhiễm cùng cực, những ngày đầu bà Liên cũng ăn ngủ không nổi. Về đến nhà sau mỗi buổi chiều là mùi hôi thối cứ bám víu lấy bà cho đến lúc đi ngủ. Vậy mà, đến giờ đã hơn 20 năm, tuổi đời đã 76, lưng còng gập, bà Liên vẫn phải bán mặt cho những bãi rác để lượm nhặt những thứ phế liệu còn tận dụng được. Hôm chúng tôi tiếp xúc với bà Liên tại bãi rác cũng là lúc bà đang có bệnh trong người. Bệnh cảm! Có lẽ không quá nặng. Nhưng với người già và trong môi trường làm việc khắc nghiệt như vậy thì một cơn bệnh nhẹ cũng có thể đánh gục con người ta. Tuy nhiên, bà vẫn phải đến bãi rác từ sáng sớm để kịp thu gom phế liệu từ những bộc rác để đủ quy ra chi phí sinh hoạt cho một ngày. Cảm thông với hoàn cảnh của bà, chúng tôi thắc mắc tại sao tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng không sống nương nhờ vào con cái? Bà Liên cho biết, gia đình bà có hai người con. Một đang làm công thanh long ở huyện và một đang làm việc ở một công ty nước khoáng. Tuy nhiên do nợ nần từ nhiều năm trước tới giờ vẫn còn, nên cả gia đình bà phải bôn ba khắp nơi để kiếm sống. Riêng bà, mặc dù tuổi đã xế chiều, lưng còng gối mỏi nhưng vẫn phải làm lụng suốt. Khi chúng tôi hỏi bà dự định bao giờ sẽ nghỉ hẳn công việc ở bãi rác, bà Liên chỉ cười trừ: “Mình làm tới đâu hay tới đó, rủi có chết thì thôi. Bây giờ chưa tính được gì hết. Hễ còn sức thì vẫn còn phải làm”.

Tại bãi rác rộng 26 ha này, lúc cao điểm có khoảng gần 100 người mưu sinh bằng nghề nhặt rác. Họ hầu hết là những đối tượng mất sức lao động hoặc quá nghèo để có thể làm nghề khác. Họ là những phụ nữ không đồng vốn trong tay. Họ là những người già không còn sức lao động. Và đáng chú ý hơn ở nơi tận cùng ô nhiễm này, có không ít đứa trẻ chỉ mới lên 10 đã phải tham gia nhặt rác cùng cha mẹ chúng. Em Trần Ngọc Trường, nhà ở xã Tiến Thành cho biết, làm việc ở đây, em không biết bao nhiêu lần bị đứt tay chân, do găm phải những vật dụng sắt nhọn. Riết rồi những lần đứt tay, những mùi hôi đối với chúng đã là thứ quá quen thuộc. Bạn bè của các em, chính là những đứa trẻ có cùng hoàn cảnh khốn khó đang mưu sinh giữa bạt ngàn rác. Bữa ăn lo chưa tới, vậy nên khi được hỏi đến việc học, các em chỉ thè lưỡi, lắc đầu. Đơn giản vì đối với các em, “đi học” là khái niệm quá xa xỉ. “Con cũng thích đi học như mấy năm trước nhưng chắc không được nữa. Còn làm ở đây cũng vui vì có nhiều bạn cùng làm chung. Nhưng sợ nhất lúc đang móc bọc bị đứt chân, đứt tay, bị bò cạp cắn…” - Ngọc Trường thỏ thẻ.

Hàng ngày, những người nhặt rác tại bãi Bình Tú ăn ngủ cùng với những lều võng được mắc ngay sát những bãi rác đang nghi ngút khói. Họ làm việc trên rác, ăn nghỉ cũng ngay cạnh bãi rác. Và cuộc sống của họ cũng xoay chuyển xung quanh mỗi chữ…rác. Bởi, có rác tức là có tiền để được sống. Một ngày làm lụng vất vả của các lao động ở đây thường họ kiếm được trên dưới trăm ngàn đồng. Thu nhập từ công việc nhặt và phân loại rác thải đủ giúp họ trang trải đời sống từng ngày một. Và dù biết rằng mối nguy bệnh tật từ ô nhiễm là rất lớn nhưng bản thân họ không có lựa chọn nào khác tốt hơn. Từ khi Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận có chủ trương thí điểm thu gom rác từ ngày sang đêm, công việc những người nhặt rác tại bãi Bình Tú lại càng vất vả hơn. Mỗi khi đêm về, hàng chục con người với mỗi cây đèn pin trên tay phải lúi húi suốt đêm để lượm nhặt những thứ còn sót lại từ những chuyến xe rác vừa cập bãi. Thành quả là những chiếc lọ, cái lon… thì rất giá trị. Nhưng rủi ro kèm theo là những mảnh chai, đinh sắt vấp vào tay chảy máu cũng rất dễ.

Cuối buổi sáng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cậu bé lọt thỏm giữa núi rác reo mừng với chúng bạn. Cậu nhảy chân sáo và không giấu niềm vui với tờ giấy hai ngàn đồng cũ nát vừa mới nhặt được… Thật xót thương phận người trên rác.

(Theo Báo Bình Thuận)

Châu Tỉnh
Bạn đang đọc bài viết "Phận người trên rác" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.