Ông Đoàn Thế Khánh luôn vui với công việc giúp đời
Trằn trọc vì ý tưởng
Sinh ra trên mảnh đất “xứ nhãn”, tốt nghiệp cấp 3, cậu Khánh được cử sang Trung Quốc học cơ khí, chuyên ngành sửa chữa xe tăng. Sau khi nắm vững tay nghề, người thanh niên này về nước tham gia công cuộc chống giặc cứu nước. “Chiến tranh đã cướp đi bố tôi. Anh và chị tôi cũng đã hy sinh cho công cuộc giải phóng đất nước”, ông Khánh xúc động cho biết. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Khánh tham gia quân đội với tước vị Thiếu tá. Có lẽ do được đào tạo bài bản trong quân ngũ, nên giờ mặc dù đã 72 tuổi, nhưng ông Khánh vẫn nói năng dứt khoát, đôi lúc còn chút “quân lệnh như sơn” khiến người đối diện với ông có vẻ sợ cái “uy phong” này.
Sau khi nghỉ hưu, ông Khánh về nhà “vui thú đồng ruộng”, bữa rau bữa cháo quây quần trong ngôi nhà nhỏ ấm cúm của mình. Nhưng lúc đầu sau khi “về vườn”, ông Khánh đến Quảng Ninh sinh sống cùng con. Sau đó, do nhớ quê cha đất tổ nên ông lại khăn gói về quê, cùng người vợ già tần tảo sớm hôm với cây cỏ trong vườn. Tại địa phương, ông Khánh đã tham gia tích cực nhiều công tác xã hội. Rồi tuổi già, có đôi lúc làm phiền ông. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng nhất khiến ông phải bận tâm suy nghĩ mà là một việc khác.
Chứng kiến cảnh nhiều cháu nhỏ đạp xe đạp cọc cạch đến trường. Trong khi đó, trường tiểu học Đoàn Đào ở xa, nếu tính từ thôn Đại Duy, ngót nghét cũng 5km. Hơn nữa, nếu các cháu được bố mẹ đưa đón cũng vất vả. Bởi đa số người dân ở đây nghèo, thường dùng xe đạp đưa con đến trường. Mà nếu dùng xe máy thì cả đi và về rất tốn xăng, lại gây tắc đường, nguy cơ tai nạn là rất cao. Thấy được điều đó nên ông Khánh đã âm thầm “ủ mưu” làm thế nào để có thể giải quyết được vấn đề nan giải này.
Vào một buổi trưa, một sáng kiến chợt nảy ra trong đầu ông lão, đó là tự chế ra một chiếc xe thùng chạy bằng máy, tựa như xe ba gác để đưa đón một lúc nhiều cháu học sinh. Nghĩ là làm, nên ông Khánh đã mua đồ về tự chế ra chiếc xe đưa đón học sinh. Nhưng chiếc xe vừa ra đời, chạy được vài vòng thì bị gia đình và người dân phản đối, nên ông Khánh nhanh chóng cho chiếc xe sắt này vào “sọt rác”. Ông Khánh cho biết, nếu mình dùng chiếc xe này đưa đón học sinh thì khác nào dùng xe máy, vừa ô nhiễm môi trường lại tốn xăng, nên sau khi nghe mọi người góp ý, ông Khánh đã vui vẻ dẹp bỏ chiếc xe mặc dù đã mất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian để hoàn thành.
Sau sự thất bại này, ông Khánh không những không nản lòng, mà ông lại quyết chí hơn, suy nghĩ xem nên chọn phương án nào hợp lý nhất để giúp đỡ các cháu học sinh. Trăn trở này nhiều lần ám ảnh vào giấc ngủ của ông. Lúc nào cũng vậy, ông Khánh luôn trong tâm trạng suy tư như một triết gia. Rồi bao ngày “mài rũa” suy nghĩ, cuối cùng ông Khánh cũng tìm được một phương án tối ưu nhất cho mình. Ông Khánh cho biết: “Vào một buổi tối xem tivi, tôi thấy người ta dùng xe ngựa để đưa đón khách du lịch. Hình ảnh này bao năm qua, tôi đã gặp, đã xem, thế mà mãi tối hôm đó, khi nhìn lại nó, tôi mới ngớ ra rằng, hóa ra trên đời lại có một phương tiện đi lại hữu ích, thiện cảm với môi trường như vậy, sao mình lại không áp dụng chiếc xe này để đưa đón các cháu đi học. Sau đó, tôi đã đem ý tưởng này nói với vợ và các con cũng như những người hàng xóm. Nghe tôi trình bày xong, tất cả mọi người đều vỗ tay tán đồng. Sau đó, tôi bắt tay vào thực hiện ý tưởng”.
Ông Khánh bên con hồng mã
Đưa đón học sinh miễn phí
Nhưng để hiện thực hóa làm một chiếc xe ngựa không phải là điều đơn giản với cụ ông đã 72 tuổi. Ông sẽ phải đi tìm được cho mình một con ngựa hiền lành, cũng như cần học cách chăm sóc một con ngựa như thế nào cho khỏe, cho nó thuần nhất. Bởi con ngựa này không phải phục vụ cho việc chở vật liệu, mà là chở những “mầm non” tương lai của đất nước. Đây cũng là điều trằn trọc khiến ông Khánh phải khổ tâm. Để có một chú ngựa tốt, ông Khánh phải khăn gói lên tận vùng Tây Bắc, đi thăm nhiều gia đình nuôi ngựa, “ăn dầm nằm dề” nhiều ngày ở đây cho đến khi nào tìm được một con ngựa “lọt mắt xanh” mới thôi.
Tình cờ, trong một lần ra chợ, ông Khánh gặp lại người bạn chiến đấu năm xưa. Người này đã dẫn ông đến một gia đình nuôi ngựa tốt nhất. Vừa thấy con ngựa màu mận đỏ, ông Khánh liền có cảm tình, rồi nghe qua những tướng tốt về chú ngựa này, ông Khánh liền gật đầu, rồi thuê xe đưa chú “hồng mã” về nhà. Để đỡ sức nặng cho chúa ngựa, ông Khánh làm thùng xe 3 bánh. Với chiều rộng, dài, và 3 hàng ghế, chiếc xe ngựa một lúc có thể chở được hơn 30 em đến trường.
Tuy nhiên, khi mọi thứ đã xong xuôi, ông Khánh chưa vội đi đưa đón học sinh mà còn phải thuần dưỡng ngựa một thời gian cũng như để nó quen với việc kéo thùng xe. Đến khi chú ngựa nghe ông ra lệnh, lập tức tuân lệnh, “người phu ngựa” mới cho đi để thực hiện việc làm cao cả. Tính ra, xe ngựa bắt đầu công việc đưa đón học sinh và tuần đầu tháng 10/2014. Lúc đầu, các em học sinh chưa quen, nên chỉ có 5 đến 6 em đi xe ngựa đến trường. Cả đi và về, mỗi ngày ông Khánh và chú hồng mã phải đi đến 8 lượt. Mặc dù vậy, nhưng ông Khánh lại rất vui vẻ.
Cứ mỗi sáng sớm, chiếc xe ngựa của ông lão tóc bạc lại rong ruổi khắp các ngả đường quê đầy rơm rạ. Để cho tiện, ông Khánh còn lắp một chiếc kèn cho xe ngựa. Đi ngang qua nhà nào có học sinh đi học, ông lại bấm kèn. Từ lâu, tiếng kèn này đã trở nên quen thuộc, thân thương với người dân nơi đây. Một em nhỏ đi xe ngựa, hớn hở: “Nghe tiếng kèn xe ngựa là cháu đeo cặp chạy ra. Từ ngày có xe ngựa, cháu không sợ trời mưa, trời nắng nữa. Cháu cũng thích đi học hơn”.
“Sau khoảng hơn 1 tuần, không biết thế nào, mà có đến hơn 30 em đòi đi xe ngựa của tôi. Thấy các cháu đi nhiều, tôi càng hứng khởi hơn với công việc của mình. Quê tôi nghèo, gia đình nào không làm ruộng thì đi làm thợ may. Nên để có thời gian đưa con đi học thì thật khó, nếu đưa đi được thì phải dùng xe máy, không thì phải nhờ ông bà dùng xe đạp đưa đến trường. Dù thế nào, tôi thấy cũng không ổn lắm. Chi cho bằng, giờ mình rảnh rỗi, nên giúp bà con lối xóm một tay”, ông Khánh vui vẻ, tâm sự.
Một phụ huynh có con đi học bằng xe ngựa, cho biết: “Chồng tôi mất sớm, tôi làm công nhân may sáng đi tối về. Nên việc đưa con đi học đều nhờ bố mẹ, nhưng họ già yếu, mỗi ngày 4 lượt đưa đón cháu đến trường bằng xe đạp rất vất vả, vì từ trường tiểu học Đoàn Đào đến nhà tôi cũng 5km. Từ ngày bác Khánh đưa đón các cháu học sinh đi học, tôi đã tin tưởng gửi gắm cháu cho bác. Mong sao bác mãi khỏe mạnh để chúng tôi được nhờ”. Bà Doãn Thị Lâu (88 tuổi, ngụ thôn Đại Duy), cho biết: “Tôi rất khâm phục ông Khánh, ông ấy già rồi mà vẫn cố gắng giúp được bao nhiêu các cháu học sinh”.
Ông Khánh cho biết, ban đầu công việc đưa đón học sinh bị nhiều người chê trách. Chắc ông Khánh về già gàn dở nên sinh chuyện, rỗi hơi hay sao mà đi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mặc cho những lời đàm tiếu không hay, hàng ngày ông Khánh vẫn dậy sớm cho ngựa ăn, rồi cùng nó thực hiện công việc ý nghĩa. Nói thêm về việc làm của mình, ông Khánh chỉ cười tủm tỉm: “Tôi già rồi, giúp được ai thì giúp. Đó cũng là niềm vui cuối đời của tôi”.
Vũ Gia Hà