Sinh ra và lớn lên giữa vùng được gọi là sông nước Miệt Vườn, bà Lý Thị Thu Thủy thừa hưởng, tiếp nối truyền thống gia đình, không ngần ngại đầu tư để phát triển sản xuất và kinh doanh các loại bánh kẹo đặc sản miệt vườn miền Tây như kẹo dừa sáp, kẹo dừa nướng, kẹo thập cẩm, kẹo chuối, bánh dừa, bánh tráng sữa…
Với 2 cơ sở 1 và 2 tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trung bình hàng tháng cho ra thị trường hơn 20 tấn sản phẩm bánh, kẹo các loại, tạo điều kiện cho hơn 60 lao động tại địa phương có công việc làm ăn ổn định.
Truyền thống nối tiếp truyền thống, Phạm Lý Nhựt Trường rất tích cực, năng nỗ đứng ra quán xuyến mọi hoạt động của hai cơ sở Hồng Vân bằng bản chất siêng năng, cần cù, chân chất, đặc tính vốn có của người thanh niên miệt vườn, dù tuổi đời vừa quá đôi mươi. Không chỉ cần cù, tháo vát trong công tác điều hành sản xuất và kinh doanh bánh kẹo, ông chủ nhỏ của cơ sở Hồng Vân cũng rất mê làm làm công tác từ thiện với suy nghĩ rất đơn giản là “nếu mình có điều kiện thì chia sẻ với những người khốn khó, có gì đâu mà phải đắn đo”. Và Nhựt Trường đã chuyển ý nghĩ đó thành hành động thiết thực, gần như đều đặng, các ngày rằm tháng giêng, tháng 7 tháng 10, tại hai cơ sở 1 và 2 của Trạm dừng chân Hồng Vân thường có khoảng 200 - 300 phần quà tặng giá trị khoảng 300 ngàn/phần dành cho những người già yếu neo đơn hoặc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài việc làm từ thiện tại cơ sở kinh doanh của gia đình, Trường còn là thành viên của nhóm “Bạn hữu” gồm hơn 20 thành viên. Hàng tuần, mỗi thành viên trong nhóm “Bạn hữu” đóng góp ít nhất là 200.000 đồng để chung tay để gây quỹ, giúp đỡ bằng cách trao tận tay đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh nghèo hiếu học…
Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Lối sống, suy nghĩ và hành động của người thanh niên trẻ miệt vườn Phạm Lý Nhựt Trường là niềm tự hào cho gia đình bà Thủy, đồng thời là điểm sáng cho Trạm dừng chân Hồng Vân.