Núi Minh Đạm - Điểm du lịch về nguồn

15/10/2015 07:32

Theo dõi trên

Từ TP. Hồ Chí Minh qua cầu Đồng Nai theo hướng quốc lộ 1 đến ngã tư Vũng Tàu rồi rẽ trái, đi về hướng biển Long Hải khoảng 30km, du khách sẽ bắt gặp một dãy núi trùng điệp. Dãy núi ấy đã chứng kiến bao trận đánh ác liệt, bao chiến công oai hùng - đó chính là Khu di tích lịch sử núi Minh Đạm.

Núi Minh Đạm - phác họa một địa danh

Núi Minh Đạm là vùng đất địa thế hiểm trở, cấu thành từ những ngọn núi có tên gọi khác nhau. Đó là núi Đá Dựng, Hòn Thung, núi Ngang, núi Điện Bà, núi Châu Viên và núi Trương Phi (còn gọi là núi Thùy Vân hay núi Kỳ Vân), tất cả cùng kỳ ngộ và hợp thành dãy Châu Long - Châu Viên oai hùng.

Núi Châu Long - Châu Viên nằm ở Đông Nam huyện Long Đất từ Đông sang Tây - Bắc dài 8km, điểm cao nhất là 355m. Ba mặt giáp biển, có nhiều hang động hiểm trở. Năm 1948, để nhớ ơn hai vị Bí thư và Phó Bí thư huyện Long Điền là ông Bùi Công Minh và ông Mạc Thanh Ðạm đã anh dũng hy sinh dưới chân núi, người dân đã đặt tên núi là Minh Ðạm. Minh Đạm còn là tên gọi căn cứ kháng chiến của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.


Hành trình cho bạn

Giàn hoa tigon thơ mộng, trải dài tắp tít ven đường sẽ đưa chân du khách vào khu di tích. Với khoảng hai phần ba đoạn đường đèo và toàn cảnh biển Long Hải bao la, sẽ tạo cho du khách cảm giác thích thú về một vùng sơn thủy hữu tình. Phía dưới là khu du lịch Thùy Dương, bãi biển Long Hải, Thùy Vân, Kỳ Vân rộn ràng tiếng sóng vỗ. Ôm lấy biển là rừng hoa anh đào đỏ thắm, tuyệt đẹp. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo lên cao dần, cao dần mở lối vào khu di tích. Nắng trải mật trên thảm hoa vàng mềm mại lung linh như nâng bước chân du khách tiến vào khám phá vẻ đẹp huyền bí nơi đây… Có nhiều cách để du khách chinh phục ngọn núi, nhưng lý thú nhất là đi bộ, bởi lẽ du khách có cảm giác trầm mình dưới những tán cây, gộp đá, nghe tiếng chim kêu, tiếng suối chảy róc rách. Cái mệt nhọc dần tan biến sau khi du khách rửa mặt, ngâm chân vào nước suối mát lạnh, tận hưởng bầu không khí trong lành của núi rừng. Dừng chân trên đỉnh núi, một quần thể kiến trúc hiện ra thật hùng vĩ và oai nghiêm nhưng không mất đi sự hài hoà, uyển chuyển.

Sau khi nghỉ trưa, khoảng 2 - 3 giờ, du khách có thể đi tham quan khắp nơi trong khu di tích. Đầu tiên, là đền thờ liệt sĩ Minh Đạm để thắp những nén hương trầm phảng phất tưởng nhớ công lao các anh hùng hy sinh vì non sông đất nước. Tìm hiểu thêm về những chiến tích lẫy lừng và nghe kể lại cuộc chiến đấu oanh liệt, về người nữ chiến sĩ vang danh Võ Thị Sáu. Độc bộ đến nhà Truyền thống để xem lại những tư liệu quý một thời đã qua. Sau đó, du khách cảm thấy lòng mình thanh tịnh, cầu an cho cuộc sống hoặc vãn cảnh chùa xin dừng chân lại Bạch Vân điện, Bạch Vân động, Tứ Sơn tự, chùa Ngọc Tuyền, nhà thờ Tổ sư Hải Bình bảo tạng… Ở những nơi này, du khách có thể tha hồ ngoạn cảnh và chiêm ngưỡng tháp chuông.

Chiều tối, du khách hoà mình vào không khí lửa trại ấm cúng và náo nhiệt. Cùng tham gia trò chơi, ngồi bên bếp lửa hát những bài hát truyền thống, những bài ca đi cùng năm tháng. Sau những giờ sinh hoạt vui vẻ ấy, nếu thấm mệt, du khách sẽ nhấp ít rượu cần rồi thưởng thức khoai lang nướng, bắp ngô nướng.



Hoàng hôn trên bãi biển Long Hải.

Bình minh hé lộ, cuộc hành trình sẽ tiếp tục bằng chuyến thám hiểm hang động, địa đạo. Căn cứ Minh Đạm được chia làm bốn khu là Chùa Viên, Đá Chẻ, Chùa Giếng Gạch, Đá Chồng. Với bốn khu này, du khách sẽ lần lượt khám phá các hang trọng yếu: Hang Quận ủy, hang Quân nhu, hang Quân đội, hang Quân báo Trung ương, hang Huyện ủy, hang B2, hang Huyện đội, hang Quân y, hang Quân giới và hang Tuyên huấn. Các hang này nằm sâu dưới lòng đất với cửa hang bằng đá tảng đã được cố định an toàn. Đường đến các hang cheo leo với cây lá, với đá ghập ghềnh, vừa đi vừa nghe tiếng chim hót, tiếng vượn hú thật vui tai nhưng cũng khiến ta có cảm giác rờn rợn, hồi hộp. Thích thú nhất là đi trên các cây nối giữa những vực sâu, khó đi. Nếu mệt thì cứ ngồi nghỉ trên các tảng đá, nếu may mắn du khách có thể được thưởng thức thêm vài loại trái cây rừng, chan chát, ngòn ngọt rất hấp dẫn.

Sau khi tham quan hang động với địa đạo, sẽ đến phần lôi cuốn nhất của chuyến dã ngoại, đó là tắm biển. Từ đỉnh núi xuống bãi biển du khách sẽ không thể nào bỏ qua ngôi chùa lớn linh thiêng của Bà Rịa - Vũng Tàu, đó là Linh Quang Tịnh Xá Hòn Một với kiến trúc độc đáo, khuôn viên rộng lớn nằm chênh vênh trên một mỏm núi với một bên là biển, một bên là ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Nếu còn thời gian du khách sẽ lại ghé qua Dinh Cô, nơi nổi tiếng những lễ hội đặc trưng của biển và cũng là nơi linh thiêng để mong ước, khấn nguyện.

Đến với biển du khách sẽ hoà mình vào bãi biển tuyệt đẹp Long Hải, Kỳ Vân, Thuỳ Vân… Sau khi tắm biển thoả thích, thì ngắm hoàng hôn trên biển là điều hấp dẫn, thưởng thức ẩm thực biển với các loại thuỷ hải sản tươi rói, nhấm nháp thêm vị cay nồng của rượu, của bia để tăng thêm phần hấp dẫn và xua tan đi cái lạnh của miền biển.

Khu di tích lịch sử Minh Ðạm hôm nay đã trở thành điểm du lịch khá lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch: leo núi, dã ngoại sinh thái và đặc biệt là nơi tìm hiểu lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên... Hãy cùng đến và trải nghiệm.

Theo Như Bình (Làng Việt Online)

Bạn đang đọc bài viết "Núi Minh Đạm - Điểm du lịch về nguồn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.