Núi Bà xanh

19/12/2016 10:48

Theo dõi trên

Xoài lúc lỉu trái treo ngay bên con đường bộ lên núi. Sung xanh cũng chi chít từng chùm bên vách đá cheo leo. Và chuối! Hầu như bất cứ lúc nào trong năm ta cũng thấy các vườn chuối nhoi nhách mọc lên từ kẽ đá. Bên Ma Thiên Lãnh, thế nào cũng gặp những chiếc xe máy phăm phăm chở nhiều quày chuối, hoặc chở lá chuối xuống bán cho người ta gói bánh hoặc làm lá lót cho những sọt mãng cầu vừa thu hái...



Núi Bà Đen - nhìn từ cánh đồng ven thành phố Tây Ninh. Ảnh: P.TKTS

Giờ thì đã có những con đường bao vòng quanh chân núi. Nên, ta có thể chạy xe máy từ từ chung quanh mà ngắm núi Bà Đen. Nhớ, mùa khô, điển hình là dịp tết, cây cối vẫn xanh rờn. Xoài lúc lỉu trái treo ngay bên con đường bộ lên núi. Sung xanh cũng chi chít từng chùm bên vách đá cheo leo. Và chuối! Hầu như bất cứ lúc nào trong năm ta cũng thấy các vườn chuối nhoi nhách mọc lên từ kẽ đá. Bên Ma Thiên Lãnh, thế nào cũng gặp những chiếc xe máy phăm phăm chở nhiều quày chuối, hoặc chở lá chuối xuống bán cho người ta gói bánh hoặc làm lá lót cho những sọt mãng cầu vừa thu hái. Và nữa, rừng cây giá tỵ bên sườn Tây cũng rừng rực hoa vàng, điểm trang thêm cho núi những hoà sắc vàng mơ nhìn không chán mắt.

Mùa khô còn thế, nói chi đang ở giữa mùa mưa. Nhất là năm nay mưa nhiều, lũ lớn. Nên thoạt nhìn chỉ thấy núi xanh um. Rừng cây chân núi trước mắt nõn xanh màu lá và càng lên cao thì núi cũng ngả dần sang xanh tím- màu chàm. Khoảng 15 năm trở lại đây, núi càng thắm xanh hơn. Đấy là nhờ công sức của con người chăm chút mỗi ngày cho núi. Ban Quản lý rừng đặc dụng trồng rừng. Ban Quản lý khu du lịch thì chăm chút cho từng mảng xanh trong khu di tích.

Ai từng đi cáp treo thế hệ đầu vào dịp lễ vía Bà 5.5 âm lịch sẽ nhớ ngay thôi! Đấy là hoa phượng vĩ đỏ rực la đà ngay sát ca-bin, gần đến nỗi giơ tay ra là túm được. Và ngay dưới tán phượng là những tán trứng cá sum suê xoè ra như những chiếc dù che trên dốc đá chen chúc người đi. Hoa phượng giờ đây còn được trồng dọc theo tuyến cáp treo mới công nghệ châu Âu, đi mỗi lượt lên xuống chỉ còn 5 phút. Từ trong ca-bin cáp kín bưng kín mít, có thể còn chưa nhận rõ, nhưng nhìn từ phía con đường vào Dương Minh Châu bên mé sườn Đông của núi thì rõ lắm.

Tháng 6, màu hoa đỏ phượng thành một vệt dài từ chân núi lên tận chùa Bà. Ai không lên núi, mà chỉ tha thẩn trong khu du lịch chân núi thôi, cũng thấy bát ngát màu xanh do con người hôm nay tạo dựng. Bên con đường vào là rừng dương xanh thẳm. Là thảm cỏ nõn xanh trong các ô vườn và lan xuống tận mép nước hồ xanh. Con đường đá lát khấp khểnh men lối vào động Kim Quang cũng rợp bóng mát cây trồng, nay đã có vóc dáng hiên ngang cổ thụ. Bên các sân vườn của hai khu ga dưới cáp treo cũng tươi tốt đủ loài cây kiểng.

Và còn thêm nhiều màu sắc các loài hoa mà nhất là hoàng anh và bông giấy. Sang Ma Thiên Lãnh bên phía Tây của núi, ta sẽ còn bắt gặp những mảng màu tươi non của các loài rau như diếp cá, rau cần, cải xoong trong từng ô ruộng bậc thang xếp đá mà thành. Sườn bên này có lẽ chính là nơi mà sách “Gia Định thành thông chí” miêu tả: “nước thấm thía chảy ra” thành nguồn cho các con suối nhỏ góp nước về cho rạch Tây Ninh. Ở nơi nào có nước thấm ra lộ thiên, hoặc thành từng “mội nước” thì người dân xếp đá chung quanh rồi cày xới, dọn bớt đá đi và đổ thêm đất tạo thành từng ô ruộng nhỏ.

Nước từ núi đá thấm ra lạnh toát, nên một số loại rau quê miền ôn đới cừ ngờm ngợp tốt tươi trong bất cứ mùa nào. Bên này cũng ngằn ngặt xanh các vườn xoài, vườn chuối do người dân xới đất, lật cỏ trồng lên từng khe đá nhỏ. Và còn có một loạt hồ ao lớn nhỏ, do khai thác đá mà nên. Có hồ sâu hút dưới cheo leo vách đá, nước màu xanh thẫm. Lại có hồ nông nên màu nước nhạt hơn, chỉ hoe hoe màu sắc cỏ non. Những cái hồ nông này là “di tích” của hầm đá ong vài chục năm về trước. Nay thì cá lội lăn tăn đớp ngọn rau dừa.

Các “câu thủ” Tây Ninh thường đến đây thong thả buông cần. Các bạn trẻ ưa đi phượt gần đây đã đặt tên cho mấy hồ sâu là hồ Mây Núi. Nghe thì có vẻ chung chung, nhưng đọc vài lần thấy cũng hay hay. Bởi nước hồ sẫm xanh nên mây trắng mỗi ngày đều đến tắm. Vậy nên các đôi tân hôn tới chụp ảnh cưới thường được soi mình giữa núi và mây. Chà! Cái vách núi dựng đứng kia, giá ai làm thêm cho cái cầu nhảy vươn ra hồ thì chắc chắn sẽ là nơi thú vị cho người ưa du lịch mạo hiểm với môn nhảy cầu. Nếu cao sang hơn nữa thì môn dù lượn cũng là thích hợp.




Núi Bà Đen- nhìn từ cầu Máng kênh Tây (xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh).

Núi Bà xanh! Đi vòng quanh ngắm kỹ cũng chỉ thấy còn vài ba vệt đá mồ côi màu trắng xoá. Một vệt ở ngay phía Đông Nam, cắt ngang hai tuyến cáp treo. Nghe nói do lũ Nhâm Thìn 1952, nước xối lở đá mà thành. Còn vệt nhỏ nữa là ở bên sườn Đông, phía xã Phan, huyện Dương Minh Châu nhìn lại. Vệt lớn nhất, có lẽ do con người là ở phía Bắc, từ chùa Khe-Đon nhìn rất rõ. Đấy là do việc nổ mìn khai thác đá từ mấy chục năm qua. Nay việc khai thác đá đã bị cấm nhưng mới đây, dân Khe-Đon phản ánh việc nổ mìn khai thác đá vẫn còn tiếp diễn. Bằng chứng là đây: ngôi chùa Khe Đon mới hoàn thành bị nứt và rơi từng mảng điêu khắc gắn trên bộ mái. Các nhà sư thường phải leo lên gắn lại.

Mùa mưa nay, dịp Tây Ninh kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển, càng nhiều người lên viếng núi hơn. Tôi có dịp tháp tùng đoàn làm phim của VTV lên núi vào một ngày vừa nắng, vừa mưa. Núi xanh thì đương nhiên rồi, thôi không nói nữa. Nhưng bất ngờ nhất với cả đoàn là lúc lên tới ga thượng giáp cáp treo công nghệ châu Âu. Đúng lúc nắng. Nên, ối chà! Cả một vùng non nước phía Đông bừng sáng. Ruộng rẫy từng ô như bức tranh thêu hai sắc xanh vàng.

Hồ Dầu Tiếng luênh loang nước bạc với những nhánh dài miên man không dứt. Mờ xa đảo dài, có lẽ là đảo Nhím. Lại cũng mờ xa núi Cậu giăng ngang như một bức tường thành. Chợt nhớ một ý tưởng lãng mạn của công ty nào đó chuẩn bị đầu tư vào đảo Nhím làm dự án du lịch. Là họ sẽ bắc một cáp treo nối đảo Nhím giữa lòng hồ tới đỉnh núi Bà Đen. Chao ôi! Nếu ý tưởng ấy thành hiện thực thì chắc người cả nước sẽ nô nức đến Tây Ninh. Cả nước làm gì có nơi nào có cáp treo dài cả chục cây số lướt trên cả núi lẫn một hồ nước rộng bao la như biển.

Bà Nà, hay Phan-xi-păng chắc cũng phải chào thua. Ngay sát chân núi còn một cái hồ nhỏ xinh xinh như một chiếc gương soi nhỏ. Đó là hồ trên đường vào khu di tích Suối Môn- căn cứ của lực lượng cách mạng Dương Minh Châu những năm chống Mỹ. Nhìn tấm gương này, ta lại nhớ còn có một màu xanh ký ức lẫn trong bạt ngàn xanh của núi hôm nay. Xa, như cục đá trùm khăn đỏ thờ trong miếu ông Tà bên cạnh Điện Bà, gợi ký ức của một thời tín ngưỡng Bà-la-môn thờ những chiếc lin-ga cả mấy ngàn năm trước. Gần, là tấm bia kỷ niệm của Liên đội 7 anh hùng suốt 13 năm bám núi đánh giặc ở ngay cạnh chùa Hang. Ngắm những hồ quanh núi bây giờ, lại nhắc nhớ những trang viết của Trịnh Hoài Đức, quan Hiệp tổng trấn thành Gia Định gần 200 năm trước. Đấy là: “Trên núi có chùa Vân Sơn, dưới có hồ chằm, cảnh trí thanh u, hang rừng sâu thẳm... Tục truyền trong hồ có khi thấy chiêng vàng, những truyện: khánh nổi trên bến, được chuông dưới sông, nhưng gần đây lại mất rồi...”.




Những cánh đồng trải rộng, nhìn từ Điện Bà

Hai trăm năm sau, núi vẫn cảnh trí thanh u, hang rừng sâu thẳm... mà hồ chằm còn nhiều hơn nữa. Nhưng còn đâu cảnh khánh nổi, chiêng vàng. Đoàn làm phim VTV kể trên có một cô sinh viên người Hàn Quốc khá rành tiếng Việt. Lần đầu tiên cô tới Tây Ninh và lên núi Bà Đen. Tò mò lắm và vui thích lắm. Nhưng có lẽ cô vui nhất khi đứng trước hang Gió sau một hồi leo vài chục bậc đá mồ hôi mướt mát. Hang Gió được phục hồi tự khi nào chẳng biết mà gió mát rượi từ đâu cứ thông thốc thổi ra làm khô nhanh những giọt mồ hôi.

Về tới quán Cò Lả, cô được các bạn đãi một bữa ăn Việt Nam đúng chuẩn, với một chai rượu Tây Ninh chuối hột. Hỏi thêm về món đặc sản này, cô gái được trả lời: đây cũng là chuối hột của rừng trên núi Bà Đen. Rượu đỏ nhưng xuất xứ thì từ màu xanh của núi. Núi Bà xanh, xanh đến nhiều ngõ ngách tâm hồn không chỉ với người Tây Ninh, mà cả với người từ mọi miền đất khác.      

(Theo Tây Ninh Online) 

Bạn đang đọc bài viết " Núi Bà xanh " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.