Nông dân "phất lên" nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm

07/02/2017 08:49

Theo dõi trên

Vài năm trở lại đây, với nhiều cách thức nuôi tằm mới cùng với nhiều giống dâu cho năng suất, chất lượng cao đã giúp người nông dân trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Hà nâng cao đời sống.



Nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp gia đình chị Dương Thị Thắm trở nên khá giả - Ảnh: H. Y

Người dân giàu nhờ nghề dâu tằm
 
Cây dâu - con tằm luôn đi song hành với nhau trong việc sản xuất ra những chiếc kén trắng tinh đầy tơ vàng óng và hiện nghề trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại thu nhập cao và ổn định.
 
Chị Nguyễn Thị Ngát (thôn Tiền Lâm, Đông Thanh) cho hay, nhà chị có 3 sào đất trông dâu, thế nhưng diện tích lá dâu kém, phải trồng từ 3 đến 4 sào dâu mới đủ cho 1 hộp kén tằm. Nhất là khi thời tiết không thuận, sâu bệnh nhiều, việc thiếu lá dâu đã khiến nhiều gia đình phải thu hẹp việc nuôi tằm. Thiếu dâu đã khiến gia đình phải bớt việc nuôi tằm lại dù giá kén ổn định, từ 130 - 140 ngàn đồng/kg và thời gian thu hoạch nhanh từ 17 - 20 ngày/lứa. Nhưng với việc ra đời của hai giống dâu nội địa VA-201 và S7-CB thì việc thiếu dâu cho tằm ăn đã không còn là vấn đề khó giải quyết. Hai giống dâu nội địa này đã mang lại niềm hy vọng mới cho vùng dâu tằm Lâm Hà, nơi đang là trọng điểm dâu tằm của tỉnh. “Từ khi được chuyển giao giống dâu mới với diện tích trên mỗi tháng gia đình chị nuôi được 4 hộp tằm/lứa” - chị Ngát cho biết thêm.
 
Gia đình chị Dương Thị Thắm (thôn Tiền Lâm, Đông Thanh) chỉ cần khoảng 3 sào dâu là đáp ứng đủ cho việc nuôi 3 hộp tằm/lứa. Gia đình chị cũng trồng 2 giống dâu mới, dâu VA-201, theo chị là loại “dâu cành”, cây đẻ nhánh rất nhanh, lá nhỏ mềm, thích hợp cho tằm nhỏ và dâu CB-07, chị gọi là “dâu lá”, ít cành nhưng nhiều lá, lá rất to, dày và năng suất cao dùng cho tằm lớn. Chị Thắm cho biết: “Dâu giống mới này năng suất cao, dâu cành thì cắt cả cành bỏ vào cho tằm ăn, dâu lá thì hái lá nhưng vì lá to nên đỡ tốn công hái. Giống dâu này cứ 40 ngày hái được một lứa, tôi cũng không phải tốn nhiều phân tro, thỉnh thoảng phải phun phòng trừ nấm bệnh và lâu lâu bỏ ít phân chuồng cho dâu là dâu rất tốt”.
 
Tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Hiển - một hộ nông dân tiêu biểu tại Tổ dân phố Đông Anh 5, thị trấn Nam Ban, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” nhờ cây dâu, con tằm. Theo anh Hiển, ước tính hàng năm anh thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ ứng dụng chuyển giao giống dâu cao sản, ứng dụng kỹ thuật mới nuôi tằm trên sàn mà sản lượng kén tằm tăng lên rõ rệt.
 
Hình thành vùng dâu tằm
 
Hiệu quả kinh tế của cây dâu, con tằm ở Lâm Hà đã được khẳng định. Để tiếp tục là vùng dâu tằm tập trung lớn nhất tỉnh và cây dâu thực sự là cây trồng mũi nhọn, từ nay tới năm 2020, Lâm Hà đang nỗ lực từng ngày để xây dựng và phát triển làng nghề dâu tằm.
 
Nông dân các xã Liên Hà, Hoài Đức và Đông Thanh của huyện Lâm Hà đã đưa cây dâu tằm “chiếm ngôi” cây cà phê về thu nhập cao nhất trong các loại cây công nghiệp dài ngày. Đây là lời giải của hơn 3 năm chuyển giao nguồn giống dâu cao sản S7-CB và VA-201, ứng dụng kỹ thuật mới nuôi tằm gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tơ lụa ở địa phương. Ông Đào Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết, trước đây, diện tích dâu tằm của xã chỉ vào khoảng 80 ha, chủ yếu là giống dâu cũ năng suất lá thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu nuôi tằm trong khi địa phương có tiềm năng rất lớn về nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng từ khi xã được dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà” đã làm cho nhận thức về trồng dâu nuôi tằm ở xã thay đổi, tạo nên bước ngoặt lớn. Từ 20 ha giống dâu mới được dự án hỗ trợ, đến nay diện tích này đang tăng lên nhanh chóng, thay dần cho giống dâu bầu đen năng suất thấp cũng như giống Sa Nhị Luân nhiều bệnh. Hiện xã đã phát triển được hơn 300 ha với hơn 800 hộ dân trồng dâu nuôi tằm với năng suất đạt 3 tấn kén/ha/năm. Nhờ giá kén ổn định, nên đời sống bà con thay đổi rõ nét, từ hộ nghèo thành hộ khá, từ hộ khá thành hộ giàu. Việc trồng dâu nuôi tằm bên cạnh cây cà phê đã giải quyết số lao động nông nhàn của xã.
 
Ông Vũ Bá Yêu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Hà cho biết, so với năng suất và mặt bằng giá cà phê và giá chè cành trong cùng thời điểm 3 năm vừa qua, thì trên 1 ha trồng dâu nuôi tằm giống mới ở Lâm Hà bằng các biện pháp kỹ thuật nêu trên, mỗi năm thu lợi nhuận cao hơn từ 2,28 đến 2,71 lần đối với cà phê và chè cành. Lâm Hà đã và đang hình thành các vùng trồng dâu, nuôi tằm tập trung, trở thành một trong 3 cây mũi nhọn của địa phương, bước đầu hình thành các làng nghề ươm tơ dệt lụa tại vùng Tân Hà và thị trấn Nam Ban.
 
Hiện nay, tổng diện tích cây dâu toàn huyện đạt 1.820 ha, năng suất bình quân đạt 165 tạ/ha, sản lượng đạt 24.503 tấn, tổng sản lượng kén đạt 2.200 tấn.
 
Người dân đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức chăn nuôi và trồng dâu giống mới như S7-CB, VA-201... diện tích dâu giống mới đạt 1.200 ha, chiếm 66,67% diện tích dâu toàn huyện. Thời gian qua, giá kén tằm khá cao, ổn định trên 100.000 đồng/kg nên đây là nguồn thu nhập ổn định của người nông dân, nhất là đối với các hộ gia đình nghèo, có diện tích đất canh tác nhỏ.
 
“Lâm Hà đang triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ổn định vùng nguyên liệu tơ tằm với diện tích 3.000 ha, sản lượng kén sản xuất đạt 31.070 tấn/năm; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất giống dâu, giống tằm, hỗ trợ thiết bị và kỹ thuật cho các hộ kinh doanh tằm giống, đồng thời huy động mọi nguồn vốn đầu tư để xây dựng 2 nhà máy ươm tơ công nghệ tự động công suất 1.500 tấn tơ/năm tại Đinh Văn và Nam Ban, tiếp tục chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống”, ông Yêu cho biết.     
 

Hoàng Yên

Nguồn: Báo Lâm Đồng
Bạn đang đọc bài viết "Nông dân "phất lên" nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.