1. Nếu “Chinh phụ ngâm” (nguyên tác Đặng Trần Côn, dịch giả tương truyền là Đoàn Thị Điểm) là tiếng lòng nức nở của người chinh phụ ở độ tuổi “đương chừng niên thiếu”, “hương lửa đương nồng” vì chiến tranh phong kiến mà bị rơi vào cảnh ngộ “Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây” thì trích đoạn “Nỗi nhớ thương của người chinh phụ” thể hiện xuất sắc một phương diện của những tiếng lòng nức nở ấy. Đọc trích đoạn này người ta sẽ thấy các tác giả không còn dừng lại ở việc tái hiện một tâm trạng cô đơn; một nỗi nhớ chồng da diết; một khát khao tình yêu, một mong ước về hạnh phúc của người chinh phụ. Hơn những thế, qua các nét đặc tả tâm trạng, hai nhà thơ Đặng - Đoàn đã làm hiện lên trước mắt người đọc những nỗi oán hận chiến tranh dường như đang chất chứa, trào dâng trong lòng người chinh phụ để rồi từ đó chuyển thành một tiếng nói phê phán, lên án những cuộc chiến phi nghĩa đang nở rộ trong xã hội đương thời. Đoạn trích “Nỗi nhớ thương của người chinh phụ” (nhan đề đoạn trích này do các tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 2, bộ sách Chân trời sáng tạo đặt) như sau:
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Tuyết mai trắng bãi, phù dung đỏ bờ.
Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy
Sớm đã trông nào thấy hơi tăm?
Ngập ngừng lá rụng cành trâm
Buổi hôm nghe rậy tiếng cầm xôn xao.
Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ
Chiều lại tìm nào có tiêu hao
Ngập ngừng gió thổi áo bào
Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông.
Tin gởi đi người không thấy lại …
Hoa Dương tàn đã trải rêu xanh
Rêu xanh mấy lớp xung quanh
Chân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ!...
Thư thường tới người chưa thấy tới
Bức rèm thưa lần dãi bóng dương
Bóng dương mấy buổi xuyên ngang
Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai.
Thử tính lại diễn khơi ngày ấy
Tiền sen này đã nẩy là ba
Xót người lần lữa ải xa
Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài.
(Theo “Giảng văn Chinh phụ ngâm”, Đặng Thai Mai, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, 1992)
2. Đoạn trích “Nỗi nhớ thương của người chinh phụ” đặt trong chỉnh thể của tác phẩm thì được bắt đầu từ câu thơ thứ 125 và kết thúc ở câu thơ 152. Có thể thấy đây là một trong những “đoạn trường” tâm trạng của người chinh phụ. Trước đoạn trích này, các nhà thơ đã từng tái hiện lại những cảnh tượng gian khổ, thê lương, hãi hùng, nguy hiểm của người chinh phu diễn ra trong tưởng tượng của người chinh phụ. Đó là:
- Hơi gió lạnh người rầu mặt rạn
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon
Ôm yên gối trống đã chồn
Nằm vùng cát trống, ngủ cồn rêu xanh
- Non Kỳ quạnh cõi trăng treo
Bến phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng vòi vọi soi
Chinh phu sĩ tử mấy người
Nào ai mặc mặt nào ai gọi hồn.
- Xông pha gió bãi trăng ngàn
Tên treo đầu ngực, pháo ran mặt thành.
Phải chăng dựng lên những cảnh tượng này các tác giả đã để cho người chinh phụ đồng hiện cái “kiếp chàng” đang phải đối diện với những hiểm nguy, gian khó với cái “phận mình” cùng bao nỗi tủi hờn, đắng cay để mà tự nó cất lên tiếng nói oán trách, phê phán gay gắt, mạnh mẽ như thể: “Xanh kia thăm thẳm từng trên/ Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?”. Và đây cũng chính là tư tưởng, chủ đề của khúc ngâm, từng được thể hiện ngay ở những câu mở đầu của tác phẩm.
3. Đoạn trích “Nỗi nhớ thương của người chinh phụ” có 28 câu với bảy khổ song thất lục bát câu. Nhìn tổng thể có thể chia thành hai phần. Phần thứ nhất là lời trách của người chinh phụ với người chinh phu, gồm 24 câu thơ (sáu khổ thơ song thất lục bát đầu). Phần thứ hai là nỗi xót thương người chinh phu của người chinh phụ, 4 câu thơ cuối cùng (khổ song thất lục bát cuối cùng). Trong đó Phần thứ nhất gồm có ba ý nhỏ: ý thứ nhất là trách lỗi về thời gian hẹn (8 câu thơ đầu - hai khổ song thất lục bát đầu), ý thứ hai là trách lỗi về nơi hẹn (8 câu thơ tiếp theo - hai khổ song thất lục bát ở giữa), ý thứ ba là trách lỗi về tin, thư hẹn (8 câu thơ cuối - hai khổ song thất lục bát cuối). Có thể nói thành công nổi bật trong đoạn trích này chính là nghệ thuật biểu hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đọc đoạn trích (nhất là phần thứ nhất) chúng ta thấy tâm trạng của người chinh phụ là một khối mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa thực tế cay đắng và hy vọng hão huyền. Người chinh phụ hy vọng sẽ gặp được người chinh phu do những lời hứa hẹn trước lúc chia tay nhưng thực tế lại đầy cay đắng và phũ phàng bởi “Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai”. Nhìn bề ngoài người ta cứ ngỡ là người chinh phụ trách người chinh phu. Nhưng không phải vậy, ngẫm cho cùng, cái sự xa cách ấy, cái lỗi sai hẹn ấy nguyên nhân không phải là do người chinh phu quyết định được. Cái quyết định ấy là do “Xanh kia thăm thẳm từng trên”, do chiến tranh phi nghĩa gây ra, do các phe phái phong kiến đương thời làm nên. Còn trong thâm tâm người chinh phụ phải chăng do nhớ quá, lo quá, thương quá … ; do hy vọng quá nhưng bị thất vọng nhiều … mà thành trách hờn người chinh phu chăng? Thể hiện thành công những nét tâm trạng này của người chinh phụ chính là một đặc sắc nghệ thuật trong bút pháp diệu kỳ của các tác giả và dịch giả trong việc khắc họa tâm trạng nhân vật.
4. Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu về nghệ thuật biểu hiện tâm trạng trong phần thứ nhất. Xét trên giác độ nghệ thuật chúng ta có thể thấy cách thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình trong phần trích này được các nhà thơ triển khai trên các phương diện: thời gian, không gian và kết cấu nghệ thuật.
Về thời gian, đoạn trích này nói riêng và toàn bộ khúc ngâm nói chung không phải là thời gian mang tính lịch sử, sự kiện mà là thời gian mang tính ước lệ tượng trưng thông qua các hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng. Ở ý thứ nhất thông qua các hình ảnh tiêu biểu của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông các tác giả đã gợi lên trong lòng người đọc sự chuyển động tuần hoàn của thời gian cùng với sự ngóng trông, chờ đợi được gặp lại người chinh phu của người chinh phụ như những lời đã hẹn với nhau. Người chinh phu lên đường ra trận vào cuối mùa đông và hẹn mùa hè sẽ về nhưng mùa hè đã đến và đi qua, rồi sang cả mùa thu nữa mà vẫn chưa thấy người chinh phu trở lại (oanh chưa bén liễu – ý nói là chưa đến mùa xuân vì oanh chưa đến bên cây liễu hót; ước nẻo quyên ca – ý nói khoảng mùa hè vì chim thương kêu vào mùa hè; ý nhi lại gáy – chim én, ý nói là mùa thu vì chim én hay hót vào tiết thu). Hay một lần khác người chinh phu lên đường vào cuối mùa thu, hẹn mùa xuân sẽ về nhưng rồi mùa xuân, mùa hè, mùa thu cũng đi qua và mùa đông đã đến mà người chinh phụ vẫn chưa người chinh phu quay về (mai chưa dạn gió - ý nói chưa đến mùa xuân; độ đào bông - ý nói vào khoảng mùa xuân; tuyết mai - ý nói đã sang mùa đông; phù dung – cây sen, ý nói là mùa hè). Tác phẩm chỉ kể về một cặp chinh phu và chinh phụ hẹn nhau. Chỉ có một người chinh phu hẹn một người chinh phụ vậy mà đoạn trích có tới hai lời hẹn ở hai mùa khác nhau. Vậy điều này có ý nghĩa gì? Phải chăng cách thể hiện lặp lại và khác nhau như thế để nhấn mạnh nỗi nhớ triền miên, chồng chất, vô bờ đang diễn ra trong lòng người chinh phụ. Cùng với nỗi nhớ chúng ta còn thấy, các tác giả đã để cho tất cả những lời hẹn và sự sai hẹn ấy lặp đi lặp lại. Cách thể hiện này cũng nhằm mục đích nhấn mạnh một điều: tất cả sự tin tưởng, hy vọng của người chinh phụ trong quá khứ đã bị hiện tại xóa sạch. Có thể nói, với cách dùng thời gian ước lệ như thế đoạn trích đã gợi lên trong lòng người đọc một tâm trạng thất vọng đến nặng nề, đau đớn đang làm tan nát cõi lòng của người chinh phụ.
Cũng giống như thời gian, không gian trong đoạn trích cũng là không gian mang tính ước lệ, tượng trưng. Đó là một không gian mang tính nghệ thuật, được sử dụng như một biện pháp nghệ thuật để diễn tả tâm trạng nhân vật. Không gian này được nhìn qua lăng kính chủ quan của nhân vật, giúp cho nhân vật trữ tình bộc lộ được những nỗi niềm tâm trạng. Các không gian này thường được mượn từ các điển tích, điển cố trong kho tàng văn học Trung Hoa. Điều này chúng ta có thể thấy trong ý thứ hai của phần thứ nhất. Đó là hai điển tích chỉ vị trí mà người chinh phu hẹn đón người chinh phụ: núi Lũng Tây và cầu Hán Dương. Cũng lại một người hẹn một người mà có tơi hai nơi. Hai nơi cách xa nhau đến hàng ngàn dặm: Lũng Tây nham ở tỉnh Thiểm Tây, cầu Hàm Dương ở tỉnh Hồ Bắc. Trong thực tế sẽ phi lý với mỹ học phương Tây nhưng với phương Đông thì rất hợp lý. Các nhà thơ mượn hai địa danh này để tập trung thể hiện một nỗi lòng của người chinh phụ là đang chồng chất nỗi nhớ mong và khát khao hy vọng được gặp lại chồng. Với nỗi niềm đó thì dù có hẹn đón nhau ở Thiểm Tây hay Hồ Bắc thì người chinh phụ cũng sẽ tìm đến. Các nhà thơ đã mượn điển tích để tái hiện người chinh phụ đã sớm, chiều lên núi Lũng Tây hay xuống cầu Hàm Dương đón chàng chinh chiến trở về nhưng đều không gặp. Người chinh phu lại lỗi hẹn về nơi gặp. Lời hẹn của chàng từng gieo hy vọng cho nàng bao nhiêu thì nay đã tan thành hư ảo và trở thành vô vọng bấy nhiêu. Đọc đoạn thơ người ta thấy “tình người thì chan chứa mà hiện thực sống thì khô cằn khắc nghiệt” (Ngô Văn Đức). Cái không gian thì mênh mông, trập trùng núi cao, mênh manh sóng nước của điển tích như đối lập với sự cô đơn xen lẫn nỗi buồn nhung nhớ của người chinh phụ. Có thể nói với nghệ thuật khắc họa này đoạn trích đã cực tả được nỗi buồn, nỗi thất vọng đang diễn ra trong lòng người chinh phụ.
Cũng về thời gian, khác với cách thể hiện thời gian trong ý thứ nhất, dùng hình ảnh ước lệ tượng trưng để gợi lên sự chuyển động của thời gian nhằm thể hiện sự ngóng trông chờ đợi được gặp lại người chinh phu của người chinh phụ, trong ý thứ ba các tác giả đã dùng những hình ảnh thiên nhiên gần gũi với cuộc sống của con người để gợi tả cái thời gian người chinh phụ đang ngóng đợi tin, thư của người chinh phu nhưng vẫn bị lỗi hẹn. Ở đoạn thơ này chúng ta nhận thấy các hình ảnh thiên nhiên được sắp xếp như một hệ thống đang vận động. Sự chuyển động ấy gợi lên vòng tuần hoàn của thời gian: hoa dương – rêu xanh, bức rèm - bóng dương. Nghệ thuật điệp ngữ vòng tròn (rêu xanh, bóng dương) và điệp ngữ cách quãng (mấy lớp) đã nhấn mạnh và khắc họa sâu sắc bước đi của thời gian: hoa nở rồi hoa tàn, rêu xanh mọc rồi phong kín từng chồng từng lớp, bức rèm dãi bóng mặt trời, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn … Trong cái vòng tuần hoàn trôi chảy ấy chỉ có một chủ thể trữ tình xuất hiện với một nỗi niềm tâm trang “Sân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ” với một oán trách “Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai”. Chúng ta có cảm giác người chinh phụ tri giác được bước đi của thời gian qua các hình ảnh thiên nhiên khi chúng xuất hiện rồi lại mất đi, mất đi rồi lại xuất hiện. Thiên nhiên quay vòng, tiếp diễn với nhau tựa như một vòng tròn bất tận đã gợi lên cái vô thủy vô chung của trời đất. Trong cái vòng tuần hoàn ấy người chinh phụ càng ngóng đợi tin, thư thì càng mất hút: “Tin gởi đi người không thấy lại”, “Thư thường tới người chưa thấy tới”. Cứ như thế mà người đọc thấy người chinh phụ hiện lên trong đoạn trích không chỉ với dáng vẻ cô đơn mà trong lòng còn đang ngập tràn bao nỗi mong ngóng, nhung nhớ người chinh phu. Tâm trạng ấy tưởng như đang trải ra dằng dặc theo cùng năm tháng, thấm sâu vào cảnh vật của đất trời để cuối cùng cô lại thành một nỗi thất vọng tràn trề. Niềm hi vọng mong manh chìm vào trong biển sầu vô vọng bởi sự cách trở giữa hai người vẫn đang là hiện hữu và ngày càng xa ngút, ngày càng biệt vô âm tín.
Nỗi thất vọng và thực tế cay đắng của người chinh phụ còn được thể hiện qua một kết cấu thay đổi rất tinh tế với những chuyển biến trong tâm trạng gắng gượng của người chinh phụ. Đọc phần thứ nhất của đoạn trích, qua sáu khổ thơ song thất lục bát người ta thấy ở khổ thơ nào cũng có sự đan xen giữa hy vọng và thất vọng. Người chinh phụ càng hy vọng thì càng bị thất vọng. Trong thất vọng người chinh phụ tìm hy vọng để nương tựa nhưng cuối cùng vẫn lại thất vọng nhiều hơn, thậm chí là tuyệt vọng. Thoạt nhìn sáu khổ thơ có kết cấu giống nhau nhưng xem kỹ thì có sự khác nhau không hề nhẹ để diễn tả tâm trạng người chinh phụ. Cái sự khác nhau ấy ta có thể nhận ra qua mức độ tăng giảm của những cực đối lập trong nỗi niềm tâm trạng của người chinh phụ. Đó là niềm hi vọng giảm dần và nỗi thất vọng tăng lên. Cụ thể, ở ý thứ nhất (lỗi hẹn về thời gian) nỗi niềm hy vọng và thất vọng ngang nhau. Hai câu đầu của mỗi khổ thơ là niềm hy vọng và hai câu cuối của mỗi khổ thơ là sự thất vọng: “Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu/ Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca - Nay quyên đã giục oanh già/ Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo” và “Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió/ Hỏi ngày về chỉ độ đào bông - Nay đào đã quyến gió đông/ Tuyết mai trắng bãi, phù dung đỏ bờ”. Ở ý thứ hai (lỗi hẹn về nơi gặp) tâm trạng hi vọng và thất vọng thay đổi. Hi vọng còn một câu rưỡi, thất vọng tăng lên hai câu rưỡi: “Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy/ Sớm đã trông - nào thấy hơi tăm?/ Ngập ngừng lá rụng cành trâm/ Buổi hôm nghe rậy tiếng cầm xôn xao” và “Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ/ Chiều lại tìm - nào có tiêu hao/ Ngập ngừng gió thổi áo bào/ Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông”. Ở ý thứ ba (lỗi hẹn về tin, thư) niềm hy vọng chỉ còn nửa câu và nỗi thất vọng tăng lên ba câu rưỡi: “Tin gởi đi - người không thấy lại/ Hoa Dương tàn đã trải rêu xanh/ Rêu xanh mấy lớp xung quanh/ Chân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ” và “Thư thường tới - người chưa thấy tới/ Bức rèm thưa lần dãi bóng dương/ Bóng dương mấy buổi xuyên ngang/ Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai” [vị trí nỗi niềm tâm trang hy vọng và thất vọng trong kết cấu các khổ thơ được đánh dấu bằng dấu (-), dấu gạch ngang, trong các dẫn chứng nêu trên]. Có thể thấy với kết cấu vừa phân tích trên chúng ta thấy tâm trạng của người chinh phụ ngày càng một nặng nề. Sự chờ đợi, ngóng chông ngày càng mòn mỏi tỉ lệ nghịch với nỗi thất vọng đắng cay ngày càng chồng chất. Đây có thể nói là một trong những đặc sắc của nghệ thuật thể hiện tâm trạng nhân vật của khúc ngâm.
5. Thất vọng vì mọi lời hẹn đều không thành sự thật, người chinh phụ tưởng chừng như oán thán người chinh phu nhưng thực ra không phải. Trong sâu thẳm cõi lòng nàng vẫn ngóng chờ, xót thương cho cái “kiếp chàng” của người chinh phu. Nàng tính đếm từng ngày kể từ ngày chàng ra đi để mà lo lắng, xót thương: “Thử tính lại diễn khơi ngày ấy/ Tiền sen này đã nẩy là ba/ Xót người lần lữa ải xa/ Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài”. Hoàng hoa là hoa cúc vàng, mùa hoa cúc nở. Dùng hình ảnh hoa cúc để gợi nhớ mùa thu, mùa lính thú. Thời xưa có lệ, mỗi năm tới tháng chín thì lính đi thú. Đi lên vùng biên ải để canh phòng đất nước và ba năm lại đổi phiên một lần. Cho nên nhắc đến hoàng hoa là gợi là gợi tới mùa lính đi thú. Ba năm rồi (Tiền sen này đã nẩy là ba) nhưng vẫn chẳng thấy bóng dáng tin tức chồng đâu. Cái sự lỗi hẹn và điều trái lệ thường này đã cho thấy sự bất thường của đất nước. Cho nên người chinh phụ càng ngóng càng bặt tin. Nỗi cô đơn dường như đang ngập tràn tâm trạng và sự phấp phỏng lo âu đó cũng đã kết thành một khối buồn sầu, nhớ thương, lo lắng trong cõi lòng sâu thẳm nỗi niềm của người chinh phụ. Nghệ thuật điệp ngữ “xót người” với các các từ ngữ chỉ không gian, thời gian “ải xa”, “nương chốn hoàng hoa dặm dài” đã cho thấy một nỗi nhớ đang cồn cào, da diết và một nỗi xót thương lo lắng đến khắc khoải, đớn đau của người chinh phụ cho kiếp người đang phải xông pha nơi biên ải với biết bao hiểm nguy bởi mũi tên hòn đạn cùng cái lạnh giá khắc nghiệt của tiết trời gió Tây (gió thu còn gọi là gió Tây - gió lạnh: “Gió tây nổi không đường hồng tiện/ Xót cõi ngoài tuyết quyến mưa sa” - Chinh Phụ Ngâm). Bốn câu thơ song thất lục bát thật ngắn gọn nhưng quả là ý nghĩa và sâu sắc đến vô cùng.
6. Có thể nói đoạn trích “Nỗi nhớ thương của người chinh phụ” là một trích đoạn rất hay, thể hiện sâu sắc tài năng và bút lực của hai tác giả Đặng - Đoàn trong việc diễn tả nội tâm nhân vật. Cùng với tuyệt bút tả cảnh ngụ tình thì nghệ thuật xây dựng nhân vật trong trích đoạn này cho thấy “Chinh phụ ngâm” là một tác phẩm rất phong phú trong cách xây dựng nhân vật, nhất là việc biểu hiện tâm trạng. Riêng trong đoạn trích ta thấy khối sầu của người chinh phụ dường như không còn là nỗi nhớ thương nữa mà đã tích tụ lại thành một khối oán hận. Hận cho khiếp chàng, hận cho phận thiếp. Và hơn thế nữa là hận những kẻ đã gây nên cảnh đôi lứa bị rơi tình trạng “đôi ngả nước mây cách vời”. Đây cũng là những thấu hiểu, chia sẻ của các tác giả “Chinh phụ ngâm” với các số phận bất hạnh trong xã hội đương thời. Sự thấu cảm này cũng chính là một giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm, một đóng góp nhân văn của các nhà thơ vào trong kho tàng văn học của dân tộc.