Nỗi lo của người đi xuất khẩu lao động: Tăng cường giám sát, xử phạt (Bài 2)

12/01/2016 16:32

Theo dõi trên

Bên cạnh việc quy trách nhiệm cụ thể với từng doanh nghiệp XKLĐ trong quản lý lao động, nhất là với lao động bỏ trốn thì vai trò của địa phương rất quan trọng trong việc tuyên truyền gia đình và người thân khi đi XKLĐ theo đúng hợp đồng cam kết.



Cục QLLĐNN tăng cường giám sát công tác đào tạo XKLĐ

Để chấn chỉnh các sai phạm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ), Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) đang triển khai một loạt giải pháp, đặc biệt là với thị trường lao động Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Đây là những thị trường chiếm tới 60% thị phần XKLĐ của Việt Nam.

Chấn chỉnh việc tuyển dụng, đào tạo
 
Theo ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, qua rà soát, Cục QLLĐNN nhận thấy các doanh nghiệp XKLĐ tuyển lao động qua nhiều trung gian nên đã không kiểm soát được chất lượng lao động và việc thu tiền dẫn đến phí thu cao hơn quy định.

Đối với thị trường Đài Loan (Trung Quốc) xuất hiện tình trạng doanh nghiệp không trực tiếp tuyển chọn lao động và dẫn đến việc đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi đi XKLĐ chưa được thực hiện nghiêm túc. Thậm chí, có tình trạng cá nhân, tổ chức mượn tên doanh nghiệp XKLĐ hoặc để tổ chức nước ngoài “núp bóng” hoạt động. Tình trạng này khiến nhiều lao động tại thị trường Đài Loan bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài tìm việc để tăng thêm thu nhập. Số lượng lao động bỏ trốn ở thị trường Đài Loan năm 2015 tăng mạnh so với năm 2013 và 2014.
 
Do đó, Cục QLLĐNN tăng cường chấn chỉnh đầu mối của doanh nghiệp thực hiện tổ chức đưa lao động sang Đài Loan. Theo đó, mỗi doanh nghiệp chỉ được ủy quyền cho 3 chi nhánh có trụ sở đặt tại tỉnh, thành khác nhau. Doanh nghiệp và mỗi chi nhánh của doanh nghiệp chỉ được tổ chức tuyển chọn đào tạo ở một địa điểm tại tỉnh, thành phố mà doanh nghiệp hoặc chi nhánh đăng ký đặt trụ sở. Mọi thông tin mở chi nhánh phải báo cáo Cục QLLĐNN để đưa công khai lên Website. Bên cạnh đó, Cục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo lao động, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động, kiểm soát tổng chi phí của người lao động trước khi xuất cảnh. “Theo đó, Cục QLLĐNN tổ chức kiểm tra đối với người lao động dự kiến xuất cảnh, trường hợp phát hiện lao động không được đào tạo đủ thời lượng, nội dung, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”, đại diện Cục QLLĐNN cho biết.
 
Đối với thị trường Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp XKLĐ đã thuê, khoán đào tạo cho các đơn vị khác tại các tỉnh thành, dẫn tới chất lượng lao động không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Do đó, Cục QLLĐNN sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất năng lực cơ sở đào tạo của doanh nghiệp để đánh giá năng lực đào tạo thực tế của doanh nghiệp. Nếu phát hiện doanh nghiệp có số lao động đưa đi cao hơn quy mô đào tạo của cơ sở hoặc cao hơn quy mô đào tạo trên thực tế, doanh nghiệp sẽ bị tạm dừng đưa đi để giải trình về số lượng lao động đã xuất cảnh hoặc tiến hành kiểm tra toàn diện.
 
“Theo phản ánh của người lao động, các doanh nghiệp thường không thông tin đầy đủ về điều kiện việc làm, các chế độ được hưởng như BHYT, ăn uống... Các khóa học phổ biến thông tin, đào tạo thường bị cắt xén. Do đó, Cục QLLĐNN sẽ kiểm tra đột xuất. Nếu doanh nghiệp nào sai phạm sẽ đình chỉ và yêu cầu chấn chỉnh”, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN cho biết.
 
Xử lý nghiêm
 
Để lành mạnh hóa và đảm bảo giữ ổn định với tất cả thị trường XKLĐ, Cục QLLĐNN yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai tất cả khoản phí tới người lao động.
 
Từ phản ánh của đối tác Nhật Bản, Cục QLLĐNN đã tiến hành rà soát và nhận thấy một số doanh nghiệp không có cán bộ đủ trình độ nắm vững luật pháp của Nhật Bản và phương thức đưa thực tập sinh sang Nhật. Các doanh nghiệp phải thường xuyên báo cáo việc lao động bỏ trốn; nếu tỷ lệ trốn quá 8%, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ giấy phép; trong trường hợp không khắc phục, bộ sẽ thu hồi giấy phép của doanh nghiệp XKLĐ.
 
Trong khi đó, với thị trường Đài Loan, Bộ LĐTBXH ban hành một loạt văn bản nhằm chấn chỉnh việc thu phí đối với XKLĐ và tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
 
Bà Vân Hà, đại diện Cục QLLĐNN cho biết: “Đối với lao động trước khi xuất cảnh, khi phỏng vấn trực tiếp, các lao động đều trả lời thu phí đúng theo quy định. Tuy nhiên, các trường hợp lại phản ánh thu phí cao hơn quy định khi xảy ra tranh chấp. Do đó, Cục sẽ tăng cường công tác xử lý khiếu nại của lao động bị thu phí cao. Qua quá trình giải quyết, nếu phát hiện các vi phạm của doanh nghiệp như: Không tuyển chọn trực tiếp, không thu tiền trực tiếp, thu phí quá quy định... sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và dừng hoạt động của doanh nghiệp nếu bị khiếu nại nhiều”.
 
Cục QLLĐNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội XKLĐ để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính khi có vi phạm đối với tất cả các thị trường. Đồng thời ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tình hình lao động bỏ trốn nhằm nâng cao chất lượng tuyển chọn và công tác quản lý của doanh nghiệp trên cơ sở khống chế tỷ lệ lao động bỏ trốn bình quân theo thời kỳ.
 
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định: “Bên cạnh việc quy trách nhiệm cụ thể với từng doanh nghiệp XKLĐ trong quản lý lao động, nhất là với lao động bỏ trốn thì vai trò của địa phương rất quan trọng trong việc tuyên truyền gia đình và người thân khi đi XKLĐ theo đúng hợp đồng cam kết. Nếu địa phương nào có tỷ lệ bỏ trốn cao thì tiến tới loại bỏ các ứng viên tại các địa phương đó khi có làm công tác xét tuyển XKLĐ. Bộ LĐTBXH đồng ý với đề xuất xây dựng lộ trình giảm phí của Cục QLLĐNN với mức chi phí quy định trần hợp lý để các doanh nghiệp có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế”.
 
Xuân Minh

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi lo của người đi xuất khẩu lao động: Tăng cường giám sát, xử phạt (Bài 2)" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.