Hoa tràm gió trắng muốt- đây là loại thực vật có nguồn gien quý đặc trưng vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười.
Tuyệt đối bảo tồn nguồn gien quý
Con đường đến Công ty CP Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Mephydica) khá dễ tìm.
Nếu ở Vĩnh Long thì từ QL1, rẽ vào TX Cai Lậy (Tiền Giang) rồi chạy thẳng theo con đường đến huyện Mộc Hoá (Long An), sau đó qua cầu treo đến xã Bình Phong Thạnh, chạy một đỗi là đến cầu Trục Dầu Tràm. Đây là nơi để khách tham quan gửi xe và đợi tắc ráng ra đón.
Đón chúng tôi là ông Dương Văn Toản- Phó Giám đốc Công ty Mephydica. Cái bắt tay rắn chặt đúng chất nông dân khiến cuộc trò chuyện càng trở nên chân tình.
Ông người gốc Bến Tre, đến đây lập nghiệp gần 20 năm trước theo lời mời gọi của Anh hùng Lao động, dược sĩ Nguyễn Văn Bé- người đầu tiên chọn vùng đất bưng phèn làm quê hương và thành lập nên khu bảo tồn này.
Ông Dương Văn Toản cho hay, giờ có thể gọi đây là quê hương thứ hai của ông khi mọi loài động thực vật, từng ngõ ngách, con đường, mé kinh đều “nằm trong lòng bàn tay”.
“Khi tôi mới đến, nơi đây là một vùng đất hoang vu, chỉ có rừng và rừng, nhiều lần chán nản nên viết đơn xin nghỉ. Nhưng hơn 50 lá thư gởi đi, đổi lại là những lời động viên chân tình từ chú Ba Bé. Nhờ vậy mà gần 20 năm nay, rừng đã trở thành một phần của kỷ niệm và cuộc đời…”- ông Toản chia sẻ.
Khu bảo tồn gần 1.000ha, chủ yếu là rừng tràm. Đây là nơi bảo tồn hơn 80 nguồn gien các loài thực vật. Trong đó, nguồn gien quý nhất là cây tràm gió. Đồng thời cũng là nơi trồng một số loại cây dược liệu như tràm Úc, bạch đàn chông Brazil, sả Java, rau má Nhật,…
Ông Dương Văn Toản đưa chúng tôi đi một vòng rừng tràm bằng chiếc tắc ráng, len lỏi từng con kinh, lắng nghe tiếng chim và thưởng thức cảnh đẹp của rừng tràm nguyên sinh. Dịp này, cũng đúng lúc tràm cho bông rộ.
Những chùm bông tràm trắng muốt càng làm cho chuyến đi thêm thú vị. Ông Toản cũng tìm và ngắt một nhánh bạch đàn chông. Ông nói, đây là giống nhập nên chất lượng tinh dầu rất tốt. Quả thật, mùi tinh dầu đã tỏa hương từ những chiếc lá tươi...
Cùng với các loại tràm, theo ông Toản, trong khu bảo tồn này, đi đâu cũng là cây dược liệu, cây thuốc. Từ những loại cây dân dã nhất đến những loại nhập ngoại. Thế nên nơi đây còn được gọi là vùng đất của những cây thuốc…
Trở về khu điều hành, chúng tôi lại được ông Bùi Đắc Thắng- Giám đốc Công ty Mephydica- chở đi một vòng bằng xe máy. Những con đường thẳng tắp được máy xúc san phẳng làm cho việc kiểm tra và bảo vệ rừng được tốt hơn.
Giám đốc Công ty Mephydica Bùi Đắc Thắng giới thiệu những con đường mới trong khu bảo tồn.
Giám đốc Bùi Đắc Thắng cho biết, tổng chiều dài các con kinh được đào suốt hơn 30 năm qua hơn 130km. Những bờ đất này sẽ được trồng một số loại cây dược liệu. “Khoảng vài năm nữa, trên những con đường này khung cảnh sẽ rất khác”- ông cho biết.
Khu bảo tồn với hơn 80 loại gien quý. Trong đó, có nhiều loại gien đặc trưng của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười như: tràm trà, tràm gió, cỏ ngọt, dứa gai…
Ông Bùi Đắc Thắng nói, đối với các loại gien đã xác định, trong đó có cây tràm gió thì nhất quyết phải giữ gìn trọn vẹn và vĩnh viễn. Công tác bảo tồn và phát triển kinh tế phải gắn liền với nhau, nhưng phải lấy việc bảo tồn đặt lên hàng đầu. Hiện cũng đã xây dựng được tiêu chuẩn trồng dược liệu sạch GACP.
“Khu bảo tồn đã được UBND tỉnh Long An quyết định chuyển thành rừng đặc dụng. Trong đó, có khu vực bảo tồn vĩnh viễn nguồn gien tràm gió. Các hoạt động khai thác để nghiên cứu, nhân giống, bảo tồn các giống loài khác thì thực hiện ở các vùng rìa lân cận”- ông nói.
Đưa nguồn dược liệu quý ra thế giới
Gần 35 năm trước, Anh hùng Lao động, dược sĩ Nguyễn Văn Bé chọn nơi này làm quê hương và thành lập Xí nghiệp Dầu tràm Mộc Hóa, sau đó được phát triển thành Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Từ năm 2009, trung tâm đã cổ phần hóa thành Công ty Mephydica.
Nhưng dược sĩ Nguyễn Văn Bé đột ngột ra đi vào cuối năm 2016, để lại nhiều công trình nghiên cứu dược liệu, bảo tồn nguồn gien và lòng kính trọng của đồng nghiệp, bạn bè và người dân địa phương.
Những con kinh giữa rừng tràm đưa khách tham quan thêm gần gũi với thiên nhiên.
Giám đốc Bùi Đắc Thắng cho biết, bản thân cũng là sinh viên ngành y dược, về thực tập và được dược sĩ Nguyễn Văn Bé hướng dẫn.
“Sự đam mê, cái duyên và nặng nợ với dược liệu đã đưa mình đến đây, nối tiếp những thành quả mà ông Ba Bé đã để lại. Kể từ khi được cổ phần hóa, với những định hướng rõ ràng, nguồn dược liệu quý cũng như những kết quả nghiên cứu có thể nói là đã làm cho nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài nước khâm phục”- ông chia sẻ.
Năm 2016, khi bắt tay vào làm, “từ đồng bưng, hàng chục sản phẩm tinh dầu, dược liệu chiết xuất từ tràm và các giống cây thuốc khác dưới nhãn hiệu Mộc Hoa Tràm như tinh dầu tràm, thuốc xoa bóp, thuốc xịt côn trùng, tinh dầu lau sàn, tinh dầu ôtô,… thân thiện với môi trường đã được thị trường chấp nhận”- Giám đốc Bùi Đắc Thắng cho biết.
Nói về sự khâm phục của nhiều nhà khoa học trên thế giới, Giám đốc Công ty Mephydica hồ hởi: “Có đoàn nhà khoa học đến tham quan, tôi lấy chai tinh dầu lau sàn ra bưng uống cái ực.
Họ mắt cứ tròn dẹt nhìn quá ngạc nhiên. Mà có gì đâu, bởi sản phẩm chỉ toàn chiết xuất từ dược liệu tự nhiên, không có hóa chất thì nhằm cái gì. Còn cái chuyện nhãn hiệu sản phẩm Mộc Hoa Tràm, thì đọc ngược cho vui là…
Tràm Mộc Hóa. Có vậy, trong nước và thế giới mới biết nước mình có được một khu bảo tồn gien quý, vùng dược liệu với nhiều cây thuốc giá trị… Tại đây, chúng tôi cũng vừa xây dựng xong nhà máy Mộc Hoa Tràm đạt tiêu chuẩn GMP- WHO về dược liệu”.
Đầu tháng 11-2017, UBND tỉnh Long An cũng đã trao quyết định thành lập Khu Bảo tồn đa dạng sinh học- Cây dược liệu cho Công ty Mephydica. Mục tiêu là bảo tồn, nghiên cứu, phát triển các loài dược liệu truyền thống của vùng Đồng Tháp Mười; bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập nước đặc thù. Đồng thời cũng góp phần cung cấp địa điểm vui chơi, nghỉ ngơi và giáo dục về môi trường…
Khánh Duy
Theo Vĩnh Long Online