
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Trao đổi với báo Phụ Nữ News, ông Lê Thanh Quý, Chủ tịch UBND xã Gio Hòa, cho biết nghề chẻ đá đã hình thành và phát triển trên địa bàn từ hàng chục năm nay. Ban đầu, người dân chẻ những tảng đá to mà ở địa phương gọi là 'đá mồ côi' - do đây là các tảng đá lớn nằm riêng rẽ với nhau - thành các dụng cụ lao động như cối xay lúa, xay đậu; chẻ đá nhỏ để làm đường. Về sau, đá chẻ còn dùng trong xây móng nhà, hàng rào, lăng mộ...
Theo đó, thể lệ hội thi đơn giản, từ tảng đá mồ côi to 4-5 người ôm, mỗi đội thi với 2 thành viên cần chẻ thành từng viên vuông thành sắc cạnh với kích thước 10x18x26 cm. Thời gian thi trong một tiếng đồng hồ.
Ban đầu, các đội dùng ve đục 3 lỗ nhỏ, gọi 3 nọc trên hòn đá. Sau đó, dùng 3 thanh sắt nhỏ hình tháp nhọn chêm vào 3 lỗ trên, đánh mạnh bằng búa tạ để hòn đá tảng vỡ đôi.
Một tảng đá sau khi được chẻ làm đôi, sẽ tiếp tục chẻ 4, chẻ 8 để dần hình thành các viên đá.
Đây là năm thứ 4 địa phương tổ chức hội thi chẻ đá. Theo thể lệ Ban tổ chức đưa ra, những người tham gia thi tài phải có kinh nghiệm trong nghề chẻ đá, phải là những thanh niên trai tráng. Hội thi thường được tổ chức sau mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán để bà con vui Xuân và khởi đầu cho quá trình lao động của năm mới.
Cho đến bây giờ thì nghề chẻ đá đã là nghề truyền thống của địa phương, thương hiệu đá viên Gio Hòa đã vang danh khắp tỉnh Quảng Trị và vùng Bình Trị Thiên. Chính vì thế, để vừa phát huy tinh thần thể dục thể thao, vừa nâng cao tay nghề cho dân chúng, từ năm 2012, chính quyền địa phương đã tổ chức hội chẻ đá vào đầu năm mới.