CLB ĐCTT TP.Bà Rịa trong một buổi tập luyện chuẩn bị tham dự hội thi ĐCTT cấp tỉnh lần thứ VIII, năm 2017.
Niềm đam mê không tuổi
Có thể nói, ai đã trót đam mê ĐCTT thì vẫn gắn bó mãi, không kể tuổi tác. Chẳng hạn ông Lê Văn Nhuận, nghệ sĩ đờn già nhất của CLB ĐCTT TP. Bà Rịa. Năm nay 78 tuổi, nhưng suốt nửa tháng qua, ngày nào ông cũng chạy xe honda gần 30 km từ nhà (TP. Vũng Tàu) sang Bà Rịa đệm nhạc cho các nghệ sĩ trong CLB tập luyện, chuẩn bị hội thi ĐCTT cấp tỉnh. Quê gốc ở Long An, nên “máu” ĐCTT đã ngấm vào trong ông Nhuận từ thời trai trẻ. 17 tuổi, ông theo học đánh đàn kìm ở quê, sau gần 2 năm thì đánh thành thạo. Kể cả khi lấy vợ, lên Vũng Tàu sinh sống (từ năm 1968), bận rộn lo cho cuộc sống gia đình nhưng ông vẫn không quên được những tiếng đàn kìm cùng những bài bản ĐCTT. Từng tham gia sinh hoạt với CLB ĐCTT của TP.Vũng Tàu, sau khi CLB này giải thể, ông chuyển sang sinh hoạt với CLB ĐCTT TP.Bà Rịa. Hiện tại, ông là một trong năm nghệ nhân trong ban đờn của CLB ĐCTT TP.Bà Rịa. Suốt cả buổi tối, ông liên tục đệm đờn cho các nghệ sĩ những bản ĐCTT: Hương sắc mùa xuân, Quê hương, Sắc xuân, Nhớ cha, Hòa tấu 16 câu Long Đăng… “Ai không quen thì cảm thấy các bài bản ĐCTT giọng điệu buồn buồn, não nề, nhưng ai đã thích rồi sẽ thấm được sự sâu lắng, ý nghĩa trong từng ca từ, giai điệu. Tôi yêu ĐCTT cũng vì thế. Còn sức khỏe tôi còn chơi đờn”, ông Nhuận hào hứng chia sẻ.
Hay như ông Trần Hoàng Hưng (4Ô2/2, khu phố Phước Trung, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), ở tuổi 60, lại bận rộn với công việc làm mộc nhưng ông vẫn đều đặn sinh hoạt ĐCTT tại địa phương. Hiện ông là Chủ nhiệm CLB ĐCTT thị trấn Phước Hải, kiêm Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Đất Đỏ. Hàng tháng, ông nỗ lực duy trì sân chơi văn nghệ ĐCTT phục vụ bà con địa phương qua chương trình “Dấu ấn phương Nam” tại sân khấu ngoài trời ở khu vực bờ kè biển, đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Phước Hải. Để làm phong phú chương trình, cũng là để học hỏi, trao đổi, “luyện” ngón đờn, giọng ca, CLB ĐCTT thị trấn Phước Hải thường mời thêm các CLB ở TP. Bà Rịa, huyện Long Điền đến giao lưu, biểu diễn. “Mỗi đêm diễn, có khoảng 250-300 người xem. Ngoài những tràng pháo tay cổ vũ của bà con, nhiều khán giả yêu ĐCTT còn lên sân khấu biểu diễn với CLB. Qua đó, chúng tôi có thêm động lực để duy trì sân chơi này”, ông Hưng nói.
Nghệ nhân ĐCTT là những người làm thợ mộc, công nhân, nhạc công, thợ cắt tóc… nhưng với niềm đam mê, họ đã cố gắng thu xếp thời gian, công việc để sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Xuân Trang, Chủ nhiệm CLB ĐCTT TP.Bà Rịa cho biết, để chuẩn bị cho hội thi ĐCTT cấp tỉnh lần thứ VIII, năm 2017 (diễn ra từ ngày 14 đến 16-3), CLB đã dành hơn nửa tháng để tập luyện. “Chúng tôi tranh thủ tập vào cuối giờ chiều hoặc buổi tối. Dù ai cũng bận rộn nhưng rất nhiệt tình, háo hức chờ ngày được thể hiện mình trên sân khấu lớn”, chị Trang nói.
Từ phong trào đến chuyên nghiệp
Phong trào ĐCTT tại BR-VT tuy không rầm rộ, phát triển bằng các tỉnh miền Tây nhưng vẫn là một dòng chảy nghệ thuật truyền thống được duy trì, tạo sân chơi cho người đam mê. Như CLB ĐCTT TP. Bà Rịa hiện thu hút 40 hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ mỗi tháng/lần, ngoài ra còn tổ chức giao lưu ĐCTT với các CLB của phường, xã trên địa bàn thành phố hoặc các huyện lân cận. CLB duy trì sân chơi này bằng niềm đam mê, thậm chí, hội viên tự bỏ tiền túi ra để mua nước uống, bánh kẹo phục vụ sinh hoạt, tập luyện, bởi nguồn kinh phí rất eo hẹp (mỗi tháng, CLB được Trung tâm VH-TT-TT TP.Bà Rịa cấp 420 ngàn đồng).
Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa tỉnh, BR-VT hiện có 31 CLB ĐCTT chính thức với 554 hội viên và 28 nhóm ĐCTT với hơn 330 người tham gia sinh hoạt. Nhiều CLB đã duy trì sân chơi định kỳ hàng tháng như: chương trình “Đêm biển gọi” (CLB ĐCTT thị trấn Long Hải, huyện Long Điền); “Dấu ấn phương Nam” (CLB ĐCTT thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), “Đêm trăng rằm” (CLB ĐCTT phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa); “Điểm hẹn sông Dinh”, “Ngọt ngào giai điệu quê hương” (CLB ĐCTT tỉnh)… Đặc biệt, CLB ĐCTT tỉnh đã tham gia nhiều cuộc liên hoan, giao lưu do các tỉnh, thành và Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, gặt hái được nhiều kết quả: HCB toàn đoàn tại Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I, năm 2014; HCV chương trình tại liên hoan ĐCTT khu vực Đông Nam bộ mở rộng, năm 2016.
Ông Phạm Diêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, đến nay, BR-VT đã tổ chức được 8 cuộc liên hoan ĐCTT cấp tỉnh, thu hút 66 lượt đội với hơn 900 tài tử với 386 tiết mục. Những năm qua, phong trào ĐCTT của tỉnh từng bước được nâng cao chất lượng, tạo sân chơi văn nghệ bổ ích cho người dân qua các kỳ liên hoan chuyên nghiệp cấp tỉnh.
Thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo tồn nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014-2016, Sở VH-TT phối hợp với Phân viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh BR-VT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. TS.Đinh Văn Hạnh, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến tháng 5-2017, Phân viện sẽ tổ chức điều tra xã hội học; lập hồ sơ nghệ nhân ĐCTT; chụp ảnh, quay phim, làm đĩa DVD các chương trình biểu diễn ĐCTT; tọa đàm khoa học; xây dựng bản thảo đề án. Dự kiến, đề án sẽ hoàn thành trong năm 2017, trình UBND tỉnh phê duyệt.