Ninh Thuận: Bảo tồn và khôi phục hoa văn cổ trên thổ cẩm Chăm

10/11/2015 08:53

Theo dõi trên

Việc truyền dạy các kỹ thuật tạo hình hoa văn trên thổ cẩm Chăm ở Ninh thuận đã và đang góp phần thiết thực vào việc bảo tồn và lưu truyền nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm trên địa bàn.


Dệt thổ cẩm truyền thống của làng Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận). Ảnh: dantri.com.vn

Là tỉnh có đông người Chăm nhất, Ninh Thuận cũng là nơi vẫn còn bảo lưu nghề dệt truyền thống vốn có hàng ngàn năm lịch sử. Dệt thổ cẩm truyền thống người Chăm không chỉ là nhu cầu thiết yếu phục vụ cuộc sống mà còn gắn liền với nhu cầu thẩm mỹ, phục tục tập quán, tín ngưỡng. Hầu hết 23 làng Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đều có nghề dệt này, nhưng tập trung chủ yếu ở làng dệt Mỹ Nghiệp.

Những năm qua, được Nhà nước hỗ trợ nên làng nghề Mỹ Nghiệp có bước chuyển biến khởi sắc, tạo động lực thúc đẩy nhiều hộ gia đình khôi phục lại nghề dệt. Tuy nhiên đứng trước sự phát triển lớn mạnh của các cơ sở dệt máy, do sản xuất nhanh, giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng nên sản phẩm dệt tay truyền thống của đồng bào có nguy cơ bị mai một. Từ 95% các gia đình đều làm nghề, nay chỉ còn 60% và chỉ sản xuất cầm chừng, số lượng ít phục vụ chủ yếu cho lễ nghi tôn giáo địa phương.

Nghề dệt truyền thống của người Chăm cũng trải qua nhiều công đoạn khác nhau như trồng bông, cán bông, bắn bông, làm con bông, kéo bông thành sợi, xe sợi, quay sợi, đạp cơm, đánh ống, nhuộm sợi, đan sợi, tạo hoa văn, dệt… Sau đó, sợi mới đan được đưa vào các khung dệt khác nhau để tạo thành sản phẩm. Mỗi loại sản phẩm lại có nhiều hoa văn khác nhau với những màu sắc, đường nét, motif và số sợi khác nhau.

Các hoa văn cổ dường như rơi vào quên lãng và chỉ có một số người lớn tuổi còn duy trì. Nhiều hoa văn đang đứng trước nguy cơ thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân cao tuổi. Đứng trước vấn đề đó, tháng 4/2015 ông Quảng Đại Tuyên – Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Queensland, Australia đã phối hợp cùng với các ông Thập Hồng Luyện – Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận, ông Phú Tuệ Năng , Hàm Minh Thiệu – Chủ nhiệm HTX làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Ông Hải Văn Thành – (Phòng di sản) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cùng các nghệ nhân và đông đảo bà con làng dệt Mỹ Nghiệp lên kế hoạch triển khai dự án: “Thống kê, sưu tầm, khôi phục và truyền dạy hoa văn cổ của người Chăm” , đặc biệt chú trọng đến hoa văn cổ đã thất truyền. Dự án được hỗ trợ bởi Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Nghệ thuật Văn hoá Dân gian của Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam (CEEVN).

Bước đầu của dự án, các thành viên trong nhóm đã thực hiện thống kê và sưu tầm các hoa văn đã và đang bị thất truyền trong các làng Chăm. Các hoa văn cổ được lưu trữ bằng hiện vật và số hóa qua các bức ảnh, để thuận tiện cho việc khôi phục và bảo tồn sau này. Dự án đã sưu tầm được 95 hoa văn. Cùng với đó, nhóm dự án còn tổ chức mở lớp truyền dạy cách tạo hình hoa văn cổ cho 12 học viên được lựa chọn với tiêu chí tay nghề thuần thục và có niềm đam mê với nghề dệt truyền thống. Lớp học diễn ra trong sáu tháng. Đến nay, cơ bản các học viên đã có thể tạo hình được những hoa văn cổ tiêu biểu trong đời sống hàng ngày đã bị thất truyền trước đây.

Có thể thấy, hoa văn trong thổ cẩm Chăm không chỉ mang tính trang trí, giá trị thẩm mỹ, còn phản chiếu đặc trưng sinh hoạt văn hóa, xã hội và tôn giáo Chăm. Thông qua hoa văn có thể phân biệt giới tính, giai cấp, địa vị xã hội, chức sắc tôn giáo… Chính vì vậy hoa văn là nhân tố quan trọng cần phải giữ gìn và bảo tồn trong nghề dệt cổ truyền của đồng bào Chăm Ninh Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Ninh Thuận: Bảo tồn và khôi phục hoa văn cổ trên thổ cẩm Chăm" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.