
Di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư - Nguồn: internet
Cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam, cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là quần thể di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt.
Hơn ngàn năm trước Hoa Lư là đế đô nguy nga, tráng lệ những núi đồi trùng điệp xung quanh, vòng đai kinh đô như tấm bình phong, sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự. Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 3000 ha gồm thành nội, thành ngoại và thành nam được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ. Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10m. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô. Tuy được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt chỉ một thời gian không dài - trong 42 năm, nhưng tại Hoa Lư đã diễn ra rất nhiều sự kiện liên quan đến vận mệnh của đất nước. Đây từng là thành trì quân sự vững chắc của ba triều đại liên tiếp trong lịch sử: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ đời vua Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông. Trải qua hơn chục thế kỷ, các di tích lịch sử ở Cố đô Hoa Lư hầu như bị tàn phá, đổ nát. Hiện nay còn lại đền Vua Đinh và đền Vua Lê được xây dựng vào thế kỉ 17, trên nền móng của cung điện cũ được coi là hai di tích đặc biệt quan trọng, độc đáo và tiêu biểu nhất.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Hoa Lư, bên cạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền thì vai trò của cộng đồng dân cư địa phương là cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực. Giải pháp được huyện Hoa Lư đưa ra là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về giá trị các di sản văn hóa; về trách nhiệm để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh ở cơ sở, cổng thông tin điện tử... Phối hợp với cơ quan xuất bản, quảng bá tuyên truyền qua các cuốn sách, tập gấp để trưng bày hoặc bán ở các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Cùng với các cấp, các ngành của tỉnh, huyện Hoa Lư tổ chức kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của bộ máy quản lý lại các khu, điểm di tích và du lịch, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, trình độ và năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật về di sản. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa chủ sở hữu với tổ chức hoặc cá nhân được giao quản lý di tích và du lịch. Tăng cường công tác quản lý lễ hội gắn với công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện việc sưu tầm, kiểm kê, lập hồ sơ di sản. Đồng thời nghiên cứu, biên soạn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm về các di sản văn hóa. Thực hiện công tác sưu tầm di sản phi vật thể bằng các hình thức quay phim, ghi âm, chụp ảnh, in đĩa, quản lý bằng công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử văn hóa, về giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và lễ hội. Tranh thủ đẩy mạnh việc liên kết với các sở, ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh liên kết vùng trong việc quảng bá và xúc tiến du lịch.
Bổ sung, hoàn chỉnh các chế tài đủ mạnh trong việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Làm tốt công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực xã hội trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích. Khai thác kinh nghiệm, các tập tục cổ truyền tốt đẹp, kiến thức về tổ chức lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian từ cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm giá trị di sản văn hóa.
Cố đô Hoa Lư hiện đã trở thành địa danh hấp dẫn với cả du khách trong nước và quốc tế. Mảnh đất Hoa Lư lịch sử với các công trình kiến trúc cổ xưa, những nét đẹp hoàn mỹ của khu di tích ghi dấu thời kì mở nước huy hoàng, độc lập tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt từ ngàn năm về trước, để mỗi người con đất Việt được hiểu thêm, thêm yêu quý và trân trọng lịch sử dân tộc.
Theo Di Sản Xanh