Những nữ trưởng thôn ở Thanh Thủy

10/03/2016 15:25

Theo dõi trên

Hiếm có nơi nào như xã vùng cao biên giới Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi có 2 trên 7 trưởng thôn là phụ nữ người dân tộc. Chính sự nhiệt tình, uy tín của các nữ trưởng thôn đã để lại niềm tin yêu sâu sắc trong lòng đồng bào nơi đây, góp phần không nhỏ trong phong trào xây dựng nông thôn mới.



Vừa đảm nhiệm vị trí Trưởng thôn, bà Hợp vừa là lao động chính trong gia đình 

 
Tuyên truyền cho người dân trước bàn thờ tổ tiên

Từ tháng 5/2005, khi còn là Chủ nhiệm HTX, chị Tráng Thị Sùng được người dân tín nhiệm bầu vào vị trí Trưởng thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy. Ban đầu làm gặp nhiều cái khó, nhưng chị kêu gọi các ban ngành ủng hộ nhau nên dần dần không thấy khó nữa. Chị nhớ nhất là những lần đi hòa giải chuyện gia đình nhà người ta, bao giờ chị cũng chọn cách đến tận nhà, dù đường đồi núi đi bộ rất vất vả. Bởi “nói khéo trước bàn thờ ông bà tổ tiên, dân thường nghe mình hơn”. 

Hai năm trở lại đây, công việc gây nhiều áp lực với chị Sùng là vận động nhân dân hiến đất đai cho xây dựng nông thôn mới. Công tác vận động đòi hỏi thường xuyên và lâu dài, vì đa số người dân chưa đồng thuận với chủ trương này. Có những đêm bà con mới đi làm nương về, chị tranh thủ đến từng nhà gặp gỡ, giải thích thấu tình đạt lý cho dân hiểu, chị còn lên xã và huyện gặp gỡ lãnh đạo, xin ý kiến chỉ đạo kịp thời. "Nông thôn mới vận động hiến đất hơi khó, nhưng mình nói khéo với dân là Đảng Nhà nước quan tâm đến mình, mình hiến đất làm nông thôn mới thì sau này con em chúng ta được hưởng, dân hưởng ứng hết. Giải thích cho dân hiểu thì không gì trở ngại", chị kể. Nhờ có chị Sùng vận động mà trong chương trình nông thôn mới, các hộ dân trong thôn đều tự nguyện mỗi nhà hiến một ít đất đồi, điển hình như hộ anh Chu Đức Hường hiến nhiều nhất là 500m đất ruộng.

"Công việc rất vất vả, nhưng dân uy tin bầu thì mình làm. Mà đã làm thì phải nhiệt tình với công việc. Có những lúc đi hòa giải đến 2 - 3 lần, đi chung cùng tổ hòa giải gồm trưởng thôn, công an viên, bí thư chi đoàn thanh niên, chủ tịch mặt trận… May mắn là chồng rất hiểu và tin tưởng mình, đêm hôm đi giải quyết công việc anh về cũng chả nói gì…”, chị Sùng nói. 

Thôn Nà Sát có 62 hộ, 267 nhân khẩu, người dân chủ yếu làm nương, trồng chuối cao sản, kết hợp mô hình chăn nuôi lợn. Gia đình nuôi nhiều nhất là hộ anh Lục Xuân Vần, nuôi hơn 20 con, hộ chị Lý Thị Chiu nuôi hơn 10 con. Chị Chiu cho rằng, kinh tế gia đình chị phát triển cũng là nhờ ngay từ đầu, chị Sùng luôn động viên hỗ trợ. “Chị Sùng đến năm nay là 13 năm làm trưởng thôn rồi, chị ấy rất nhiệt tình, đi sâu đi sát với dân, nhận được các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì đều họp thôn triển khai đến nhân dân, xem các chế độ có đến với dân hay không, ví dụ như các mô hình chăn nuôi phát triển của từng hộ gia đình, và thực hiện tốt các phong trào của thôn, đã xây dựng là vận động nhân dân thực hiện rất tốt”, chị Lý Thị Chiu bày tỏ.
 


Bà Nông Thị Hợp - Trưởng thôn Giang Nam 

“Tôi tôn trọng lá phiếu của dân…”

Bà Nông Thị Hợp, 57 tuổi, ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy đã đảm nhiệm vị trí Trưởng thôn được hơn 15 năm nay. Địa bàn rải rác, dân số đông (gồm 263 hộ gia đình), khi làm trưởng thôn, bà gặp rất nhiều khó khăn. Chồng mất sớm, lại nuôi hai con nhỏ, bà vẫn nỗ lực để mọi hoạt động trong thôn đi vào nề nếp, trong đó, việc vận động người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo được bà đặt lên hàng đầu. Bà thường xuyên đôn đốc từng hộ gia đình trồng lúa trồng ngô, phát triển kinh tế, giám sát dịch bệnh gia súc… nhờ vậy những năm gần đây cả thôn không có dịch bệnh xảy ra. Theo bà, nhiệm vụ của người trưởng thôn không chỉ là đem chủ trương của Đảng đến tận người dân, mà còn phải giải thích cặn kẽ, rõ ràng, chính xác dân mới hiểu và tin.

“Ở đây dân tộc Tày, Mông, Hoa, Sán Dìu, Cao Lan… 10 dân tộc đoàn kết, mỗi nơi phong tục khác nhau nhưng tôi bảo sống đâu âu đấy, từ đâu về không biết nhưng đã về đây phải chấp hành, nghiêm túc làm ăn. Chuyện thoát nghèo cũng thế. Người Mông bảo thoát thì thoát hết vào thì vào hết, chứ không chọn thoát nghèo từng hộ, tôi phải vận động khéo là Đảng Nhà nước đầu tư cho dân, nay đã chủ động làm ăn rồi thì phải thoát nghèo, để đầu tư cho hộ khác, để cả bản cả thôn cùng phát triển kinh tế”, bà Hợp nói.


Từ khi giữ vị trí thưởng thôn, bà phối hợp với cán bộ xã thường xuyên đi tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động các hộ thực hiện kế hoạch hóa gia đình… Vất vả nhất là công tác hòa giải ở địa bàn biên giới. Có những hôm người phụ nữ 57 tuổi vượt đỉnh núi đá, trong cơn mưa đường trơn trượt, lên tận nương của người dân để xem chỗ tranh chấp đất đai như thế nào. Nhiều trường hợp còn vận động đi, thuyết phục lại, dân mới thay đổi ý kiến. Bởi vậy mà cả năm 2015, thôn Giang Nam hòa giải được 4 vụ tranh chấp đất đai, 1 vụ bất đồng, chỉ đưa lên xã 1 vụ. Chính sự tín nhiệm của người dân đã khiến bà Hợp dù tuổi cao vẫn gắn bó với vị trí trưởng thôn.

“Năm nay bảo nghỉ nhưng xã bảo không cho nghỉ, chưa duyệt, dân cũng bảo: Mai bầu HĐHD chắc chị tái cử thôi. Nhân dân quý mến tôn trọng tín nhiệm tôi làm từng ấy năm tôi cũng cảm thấy vui vẻ, dù vất vả nhiều. Tôi tôn trọng lá phiếu của nhân dân, đã làm là làm tròn nhiệm vụ, khi xã gọi đến, 12h đêm tôi vẫn đi", bà Hợp tâm sự.

Cánh tay phải của BĐBP nơi biên cương

Nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ, dám làm... đó là những phẩm chất đáng quý của những nữ Trưởng thôn nơi vùng cao biên giới. Trao đổi với chúng tôi, trung tá Nguyễn Xuân Hoàng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy cho biết, xã có 7 thôn thì 2 thôn có Trưởng thôn là nữ, đều rất nhiệt tình trong công việc, gần gũi với người dân, có uy tín, có thâm niên. Từ khi các chị làm Trưởng thôn, đời sống nhân dân nơi đây được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Trong thành công của hai xã đạt nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, có sự đóng góp không nhỏ của các bà Nông Thị Hợp và chị Tráng Thị Sùng. Đồng thời hiện trạng các cột mốc biên giới được giao cho các hộ dân cư ở hai thôn này quản lý luôn trong tình trạng nguyên vẹn, không hư hại hay có hiện tượng lấn chiếm.

Trung tá Hoàng khẳng định: “Phong trào phụ nữ cùng phối hợp với BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ có rất nhiều tấm gương. Các thôn Nà Sát, Giang Nam là địa bàn có đường biên mốc giới phức tạp, có nhiều loại đối tượng, tình hình trật tư an ninh có rất nhiều hoạt động. Nhưng các chị Nông Thị Hợp và Tráng Thị Sùng luôn động viên chị em trong chi hội phụ nữ cùng phối hợp với BĐBP tuyên truyền cho người dân chấp hành tốt đường lối chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước, ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội gắn liền với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. 

Thu Hòa

Bạn đang đọc bài viết "Những nữ trưởng thôn ở Thanh Thủy" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.